Thông điệp cho Trung Quốc: Mỹ không nói suông ở biển Đông!
Trước khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố đầy sức nặng hôm 13-7 về việc bác bỏ hầu hết yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông, Mỹ đã sớm có sự chuẩn bị và không ngại thể hiện sức mạnh.
Trong lúc Trung Quốc tập trận ở biển Đông gần đây, hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ cũng có động thái tương tự ở đó, dẫn đến nỗi lo vể một kịch bản xấu giữa lực lượng hai bên.
Tờ Global Times trong một thông điệp đăng trên mạng xã hội Twitter viết rằng "Bất kỳ hoạt động của tàu sân bay Mỹ trong khu vực là niềm vui của PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc)". Không chịu thua kém, Hải quân Mỹ đáp lại bằng thông điệp: "Hai tàu sân bay Mỹ vẫn đang hoạt động tại vùng biển quốc tế ở biển Đông".
Hai cuộc tập trận trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với gần như toàn bộ biển Đông. Yêu sách phi lý của Bắc Kinh đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và bác bỏ.
Riêng Mỹ còn nhấn mạnh quyền tự do hàng hải ở vùng biển quan trọng này là bất biến.
Những động thái mới của Mỹ cho thấy nước này không chỉ nói suông khi đề cập tình hình biển Đông. Ngoài sự hiện diện của hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở biển Đông, một số hình ảnh vệ tinh cũng tiết lộ việc Washington bắt đầu mở rộng và củng cố căn cứ trên đảo Wake ở Thái Bình Dương.
Wake là đảo nằm giữa đảo Guam và quần đảo Hawaii, tạo thành một chuỗi các căn cứ không quân và hải quân nằm giữa Mỹ và châu Á. Đảo Wake đã chứng kiến những trận chiến khốc liệt giữa Mỹ và Nhật Bản trong Thế chiến II.
Được xem là một tiền đồn chiến lược, đảo Wake là trạm dừng chân, bảo trì, bảo dưỡng và tiếp nhiên liệu giữa đại dương rộng lớn. Tầm quan trọng của nó được "hồi sinh" khi Triều Tiên và Trung Quốc khiến tình hình châu Á trở nên căng thẳng.
Những bức ảnh vệ tinh được chụp vào tháng rồi cho thấy đang có một số hoạt động cải tạo lớn trên hòn đảo. "Ngoài chức năng hậu cần, đảo Wake còn đóng vai trò cửa ngõ quan trọng do không còn một hòn đảo nào khác trong phạm vi hàng ngàn km quanh đó. Đảo này còn nằm ngoài tầm bắn của tên lửa đạn đạo tầm trung Trung Quốc và Triều Tiên..." - cây bút Tyler Rogoway viết trên trang The Drive.
Trên đảo Wake có một đường băng dài 3 km. Nó là điểm dừng chân cho máy bay quân sự hoặc cho các máy bay dân sự đang gặp sự cố. Giờ đây, các chỗ đậu và thềm đế máy bay dường như đang được mở rộng. Ngoài ra, một cơ sở năng lượng mặt trời mới đã được xây dựng...
Theo ông Rogoway, trong trường hợp xảy ra xung đột với những diễn biến nhanh chóng, đảo Wake có thể trở thành điểm trú ẩn tạm thời ban đầu của lực lượng Mỹ.
Trong tuyên bố về cuộc tập trận của hai tàu sân bay USS Nimitz, USS Ronald Reagan cùng với ít nhất 4 tàu chiến ở biển Đông mới đây, hải quân Mỹ tuyên bố đây là hoạt động nhằm hỗ trợ một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Tuy nhiên, thông điệp của Washington còn ẩn chứa lời đe dọa. "Mục đích là thể hiện một thông điệp rõ ràng đến các đối tác và đồng minh rằng chúng tôi cam kết đảm bảo an toàn và an ninh của khu vực" - Chuẩn đô đốc George Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay số 5 nói với báo The Wall Street Journal.
Ngoài ra, theo hải quân Mỹ Những nỗ lực này cũng khẳng định cam kết lâu dài của Washington về việc ủng hộ quyền tự do hàng hải, hàng không và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép của mọi quốc gia.
Bộ Quốc phòng Mỹ trước đó đã chỉ trích cuộc tập trận của Trung Quốc quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) từ ngày 1 đến 5-7. Tuyên bố của bộ này nhận định cuộc tập trận là diễn biến mới nhất trong một chuỗi các hành động của Bắc Kinh nhằm khẳng định chủ quyền phi pháp trên biển và gây bất lợi cho các nước láng giềng Đông Nam Á ở biển Đông.
Tuyên bố trên cho thấy Mỹ đang ngày càng càng thẳng thắn hơn trong việc công kích yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông, nêu bật tính bất hợp pháp của các đảo nhân tạo của Bắc Kinh và hành động quân sự hóa những nơi này