Thông điệp của Bác về bảo vệ người lao động nơi rừng thẳm

Chuyến Bác thăm Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ trước ngày sinh nhật 'Lục tuần đại khánh' khiến Thư ký Công đoàn Nguyễn Văn Nhỡ nhớ mãi lời dặn của Người, Thông điệp của Người đi trước thời đại khi nhân loại đang gồng mình chống lại thảm họa dịch COVID-19.

Hành hương về nơi Bác Hồ thăm công nhân Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ ngày 18/5/1950.

Hành hương về nơi Bác Hồ thăm công nhân Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ ngày 18/5/1950.

Tôi phụ trách tháo dỡ, chuyển máy lên ATK Việt Bắc... Toàn quốc kháng chiến theo lời kêu gọi của Hồ chủ tịch. Chỉ riêng tổ hợp phát điện, trục dài 4-5 m, nồi hơi nặng 3 tấn tưởng không thể vượt cầu Đa Phúc bị phá, hai đầu đổ xuống bờ nước sông Công. Chúng tôi dùng máy tời tay 16 tấn với 20 công nhân, dân quân kéo, 10 người đẩy, tôi lái xe. 10 giờ sáng xong, xóa mọi dấu vết.

5 tháng không cần cẩu, với mấy xe tải cũ kỹ, thuyền gỗ, ngựa thồ, tháo dỡ, chuyển trên 3.000 tấn hàng (1.000 tấn máy móc) vượt qua 200 km đường bị bộ binh, máy bay địch đánh phá, đến xã Phượng Tiến, ATK Định Hóa trong niềm vui vỡ òa của công nhân viên. Điện bật sáng núi rừng Quốc khánh 2/9/1947.

Giám đốc Đỗ Văn Sửu cho biết: Tôi đi ngựa 30 km đến Trạm ở Điềm Mặc, buổi tối Bộ trưởng Lê Văn Hiến dẫn vào"Phủ Chủ tịch" ở Tỉn Keo. Trong ánh lửa nhà sàn, gió thu xào xạc, Bác hỏi:

- Chú có biết vì sao hôm nay Bác gọi lên không?

- Cháu nghe Bộ trưởng gọi lên họp, chưa rõ việc gì ạ?

- Bác muốn nghe Nhà máy các cháu làm ăn, chiến đấu ra sao?

Tôi say sưa báo cáo tháo dỡ vận chuyển, sau 5 tháng đã sản xuất. Giấy về xuôi, tới các tỉnh đồng bằng địch hậu. Lên vùng cao các tỉnh Việt Bắc. Vào Bình - Trị - Thiên khói lửa, Khu 5, Khu 6. Đến sơ tán, chôn lấp máy, đại đội tự vệ phối hợp với bộ đội đánh địch trong chiến dịch phản công Việt Bắc 1947. Thực hiện phong trào thi đua ái quốc...

Bác hỏi:

- Công nhân viên làm việc và chiến đấu vất vả như vậy. Chú sắp xếp họ và gia đình ăn ở thế nào?

Bác nghe tình hình ăn ở, cung cấp gạo mắm, muối. Giúp gia đình công nhân. Bác dặn kháng chiến còn dài, phải biết tăng gia và tiết kiệm. Chi bộ phải quan tâm đến đời sống và học tập anh chị em thợ.

- Nhà máy "che kín" chưa? Khi máy bay bắn phá, anh chị em ẩn núp ở đâu?

- Thưa Bác, chúng cháu... chạy ra rừng hay vào núi ạ.

Bác lắc đầu - không được đâu, chủ quan lắm:

- Ngày mai về họp Chi bộ. Đào hầm tránh máy bay, che chắn máy móc cẩn thận. Nếu bỏ chạy thì không sản suất được mà còn bị lộ, nguy hiểm. Còn người, còn máy, còn sản xuất và đánh Pháp được."Con người là rất quý. Các chú phải bảo vệ cẩn thận".

Bác nhắc chú Hiến, các cơ sở sản xuất phải chú ý an toàn, cảnh giác. Chớ coi thường.

Ông Nguyễn Văn Nhỡ, nguyên Thư ký Công đoàn Nhà máy Giấy Hoàng Văn Thụ, Chủ tịch Công đoàn Khu tự trị và Công đoàn tỉnh Bắc Thái kể lại Thông điệp của Hồ Chí Minh bảo vệ người lao động nơi rừng thẳm. Một thông điệp với tầm nhìn vượt không gian, thời gian, khi thời nay, đại dịch COVID-19 tàn phá, hủy diệt sự sống của con người mới thấy sức sống của Thông điệp vẫn còn nguyên giá trị.

Nhắc nhở sự chia sẻ với đảng bộ, chính quyền và bà con, Bác xòe bàn tay ra, chỉ từng ngón một:

- Gạo này, thịt này, tre nứa này, cái gì cũng dựa vào nhân dân. Bà con ở đây "hậu đãi", thế mà các chú lại ăn ở "bạc bẽo", không liên hệ giúp đỡ.

- Phải hiểu rõ khó khăn và tâm tư của bà con để giúp đỡ. Cùng bảo vệ Nhà máy và bản làng. Công nhân phải gương mẫu mọi việc để quần chúng tin cậy, vững lòng kháng chiến, nhất định thành công.

Bác dặn dò Bộ trưởng Lê Văn Hiến:

Công nhân Việt Nam ta giỏi, dũng cảm. Phải đẩy mạnh thi đua ái quốc... Phát huy khả năng, sáng kiến, làm cho mọi người tin ở sức mình, tập thể. Phải bảo vệ người thợ và cơ sở sản xuất cho tốt.

- Dùng máy sản xuất vẫn phải coi trọng thủ công, chẳng may bị máy bay giặc bắn phá vẫn sản xuất được. Bác nghe vậy là Chi bộ chưa chú trọng đến đời sống công nhân. Chưa hết lòng giúp đồng bào.

Anh Hiến dặn tôi đem ý kiến Bác báo cáo Chi bộ, bàn bạc với công nhân... tôi báo cáo chuyến làm việc, lĩnh hội ý kiến Hồ Chủ tịch. Họp mít tinh, phát động thi đua sản xuất, tiết kiệm. Làm thủy điện nhỏ, hạ giá thành sản phẩm 20%. Đào hầm, hào. Máy móc làm ụ che kín. Có cơ sở máy bay bắn phá 12 lần, chịu 18 trận bom, đã giảm thiểu thiệt hại. Khai hoang, trồng sắn, khoai, mỗi năm nhà máy tự túc 3 tháng lương thực. Đoàn thanh niên và đại đội tự vệ ra sức giúp đồng bào.

Theo ông Nhỡ: Tôi phụ trách 20 anh em và 20 ngựa chuyên thồ giấy in tiền lên Xí nghiệp in tiền ở Bản Thi (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) do anh Chúc, bạn tù Côn Đảo (anh trai chị Cúc, vợ đồng chí Phạm Văn Đồng làm Giám đốc). Từ 600 công nhân lên 1200 người. Nhà máy tôi lớn nhất Chiến khu Việt Bắc; phân ra làm nhiều cơ sở. Sản xuất giấy văn hóa, giấy in tiền mang tên Hoàng Văn Thụ, một lãnh đạo xuất sắc của Đảng.

Vào chiều tà 18/5/1950, trước ngày sinh nhật, Bác với cảnh vệ là anh Triệu Hồng Thắng nhà ở Kim Sơn và anh Võ Viết Định đi ngựa đến. Bảo vệ không nhận ra Bác, do Bác hóa trang khéo, khách lại ra vào tấp nập...

Ông Nhỡ được nghe kể lại, lúc Bác xuống nhà bếp:

- Hôm nay các cô, chú làm mấy món? công nhân viên có được ăn no không? Anh chị em tăng gia nhiều không? Chăn nuôi có đủ mỡ, thịt? Thấy bếp rộng, sạch sẽ, có giá 3 tầng bằng tre vầu. Úp bát đĩa, nồi, Soong chảo, rổ giá gọn gàng. Bếp nấu thoát khói, có rãnh thoát nước. Bác khen cần duy trì thành nếp.

Ông Nhỡ kể tiếp: Tại sao Bác xuống nhà ăn, bếp nấu? Có lẽ ngoài kiểm tra kết quả tăng gia, chăn nuôi, định lượng suất ăn và vệ sinh, an toàn thực phẩm. Thật là bài học cho lãnh đạo đơn vị, khu công nghiệp, bệnh viện... hiện nay.

Anh Đặng Văn Thạch, Giám đốc Nhà máy thay anh Sửu đưa Bác xem sản xuất giấy. Biết giấy sản xuất từ nứa, vầu, gỗ mua của các dân tộc huyện Định Hóa, Chợ Đồn, Chợ Mới. Bác rất vui vì dân tin, bán nguyên liệu sản xuất đều.

Bác leo vào hang Hùm, nơi đặt máy in thử giấy in tiền. Bác khen giấy dai, in rõ nét, không nhòe.

Trở về hội trường gặp gỡ công nhân, Bác khen anh chị em làm tốt công tác dân vận, đoàn kết với bà con bảo vệ Nhà máy. Huy động nhiều tre, nứa sản xuất giấy, phục vụ kháng chiến.

Bác nhắc phải thi đua sản xuất, áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm. Đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi nâng cao đời sống. Chi bộ cần chăm lo chỉ đạo, phát triển, đào tạo con người...

Ông Nhỡ đã tham mưu, bảo vệ người lao động. Giám đốc năng động, được việc, tính nóng nảy. Không ít lần quát tháo, thậm chí bạt tai, “đá đít” anh em, tôi đã gặp riêng góp ý thấy chậm tiếp thu. Thế là vào buổi sáng thứ hai chào cờ, tôi phát biểu: Chuyện giám đốc quát tháo, bạt tai công nhân đúng hay sai?

- Anh em đồng thanh: Sai ạ. Anh Thạch đã nhận lỗi.

Nhà máy Giấy là điểm đến của lãnh đạo Đảng, Chính phủ: Cụ Tôn Đức Thắng và các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt... Hoàng thân Souphanouvong. Hôm anh Phạm Văn Khoa cùng đồng chí Léo Figuerè, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, Tổng Biên tập tờ Tiền Phong sang tìm hiểu, ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta đi ngựa đến, ông được tham gia tiếp. Các đồng chí luôn quan tâm đến sản xuất và bảo vệ người lao động.

Với 96 tuổi đời, trên 70 tuổi Đảng, ông Nguyễn Văn Nhỡ nguyên Chủ tịch Công đoàn Khu tự trị Việt Bắc, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Công đoàn Bắc Thái, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí Thái Nguyên luôn tận tụy cống hiến.

Nhắc việc phòng, chống dịch COVID-19, ông Nhỡ chia sẻ: Thông điệp của Bác đi trước thời đại. Việc Đảng, Nhà nước vận động toàn dân "chống dịch như chống giặc" chính là làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ con người.

Đồng Khắc Thọ

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/thong-diep-cua-bac-ve-bao-ve-nguoi-lao-dong-noi-rung-tham-285374-97.html