Thông điệp của nước Nga từ lễ kỷ niệm ngày Chiến thắng phát xít

Ngày 9/5/2022 cả thế giới hướng vào điện Kremlin, chăm chú xem cuộc phô diễn sức mạnh quân sự của Nga, đồng thời nghe và phân tích bài diễn văn kéo dài khoảng 10 phút với gần 1.200 từ của Tổng thống Putin nhân kỷ niệm 77 năm ngày Chiến thắng phát xít Đức (9/5/1945-9/5/2022).

Phát biểu của Tổng thống Nga Putin và màn duyệt binh ngắn tạo ra những bất ngờ nhất định.

Phát biểu của Tổng thống Nga Putin và màn duyệt binh ngắn tạo ra những bất ngờ nhất định.

Sự kiện này gây sự chú ý đặc biệt vì nó diễn ra trong bối cảnh xung đột của Nga tại Ukraine đã bước vào tháng thứ ba nhưng chưa minh định “kẻ thắng, người thua”, trong khi tình hình trên các “trận chiến” ngoại giao, kinh tế và quân sự tại Ukraine và giữa Nga với Mỹ và phương Tây nóng lên từng giờ.

Chúng ta đã nghe và thấy gì?

Như các sự kiện chính trị tương tự trong quá khứ, ông Putin dành phần lớn bài diễn văn của mình để ca ngợi chiến công hiển hách của những người lính Xô Viết trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc thời kỳ Thế chiến II. Tuy nhiên, bài phát biểu của ông Putin có mấy điểm đáng chú ý:

Một là, ông Putin dùng bài học của Thế chiến II để nhắc nhở người dân Nga về cái giá phải trả khi Nga “chậm trễ” trong việc sử dụng vũ lực đối phó với chủ nghĩa phát xít Đức ngay từ khi tư tưởng này còn “trứng nước”. Và hệ quả là hàng chục triệu người Nga bị chết, còn nước Nga bị tàn phá tan hoang.

Hai là, ông Putin nhấn mạnh, nước Nga đã “hành động đúng” khi can thiệp vũ lực để “bảo vệ tổ quốc” nhằm đẩy lùi và tiêu diệt hiểm họa phát xít mới ở Ukraine, được phương Tây “dung dưỡng” với ý đồ làm tan rã và suy yếu nước Nga. Ông Putin cho biết Ukraine còn có kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân và “lấy lại” Crimea và khu vực Donbass những khu vực mà ông đã khéo léo hàm ý thuộc về “Tổ quốc Nga”.

Ba là, ông Putin đã dùng bài diễn văn để lên án phương Tây không quan tâm đến các lợi ích an ninh của Nga. Trước đó, Nga đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và phương Tây ký một hiệp ước đảm bảo an ninh, trong đó hai bên đối thoại để tìm một giải pháp trong đó có tính đến các lợi ích và quan tâm an ninh của nhau nhưng đã bị khước từ. Theo ông Putin, “phương Tây đã có một kế hoạch hoàn toàn khác”, hàm ý ám chỉ “âm mưu” chia rẽ và làm suy yếu nước Nga.

Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của ông Putin, Tổng thống Ukraine Zelensky, người đang được phương Tây trợ giúp mạnh mẽ trên mọi phương diện, đã “thề" sẽ “đánh bại” nước Nga và giành “chiến thắng” cuối cùng.

Một điều đáng chú ý tại lễ duyệt binh năm nay là Nga chỉ tổ chức lễ “rút gọn” với một số đơn vị xe tăng, thiết giáp, dàn pháo phòng không và tên lửa vượt đại châu như thường lệ. Trong khi đó, Nga không cho phô diễn các loại vũ khí tối tân nhất cũng như màn trình diễn máy bay trên không với “lý do thời tiết”.

Dò bắt tín hiệu

Tuy nhiên, phát biểu của ông Putin và màn duyệt binh ngắn này cũng tạo ra những sự bất ngờ nhất định.

Thứ nhất, trái với nhiều phỏng đoán trước đó, ông Putin không nhân cơ hội này tìm cách leo thang căng thẳng như phát động chiến dịch tổng lực và lệnh tổng động viên để huy động toàn bộ sức mạnh quân đội Nga cho xung đột tại Ukraine. Cho đến nay Nga vẫn gọi hoạt động quân sự của mình tại Ukraine là “Chiến dịch quân sự đặc biệt” chứ không phải “chiến tranh”, do đó không thể huy động hết sức mạnh quân sự cho cuộc chiến. Điều này cho thấy, có thể trái với thông tin của phía Ukraine hay phương Tây đưa ra, Nga vẫn hoàn toàn “làm chủ” tình hình với một tổn thất “chấp nhận được” và tình hình vẫn nằm trong “kịch bản” của Moscow mà không cần có điều chỉnh lớn.

Thứ hai, ông Putin cũng lên án phương Tây “có chừng mực”, và lời lẽ cũng không vượt quá các tuyên bố hay phát biểu trước đó của lãnh đạo Nga. Hơn nữa, việc “kiềm chế”, không phô diễn sức mạnh quân sự của Nga tại cuộc diễu binh năm nay có thể là hành động chủ ý. Điều này cho thấy phía Nga muốn “giữ cửa” cho đàm phán trực tiếp với Mỹ và phương Tây chứ không muốn cắt cầu hoàn toàn.

Cần lưu ý, chỉ ba ngày trước lễ kỷ niệm 9/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua bản Tuyên bố với sự nhất trí của cả năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, trong đó “bày tỏ sự quan tâm sâu sắc liên quan đến việc gìn giữ hòa bình và an ninh ở Ukraine”. Đây là Tuyên bố đầu tiên của Hội đồng Bảo an kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Đó là tín hiệu cho thấy các bên đã có sự hiểu biết hơn về lập trường của nhau để tìm các biện pháp dung hòa, từ đó có thể mở ra các cuộc đàm phán liên quan đến tương lai cuộc chiến Ukraine.

Thứ ba, phương Tây không nên xem nhẹ phát biểu của ông Putin là thế hiện sự “yếu kém” của nước Nga trước các đòn trừng phạt của phương Tây, hay ông Putin muốn “rút lui trong danh dự”. Trước cuộc xung đột hiện hiện nay, Ukraine và phương Tây đã hiểu nhầm, không “đọc” đúng tư duy của ông Putin và lãnh đạo Nga. Nếu không tỉnh táo, họ rất có thể một lần nữa “bắt sai” tín hiệu muốn hòa đàm của người Nga và đẩy xung đột vào vòng xoáy leo thang mới.

Như vậy, mọi khả năng cho xung đột Ukraine vẫn còn để ngỏ và cơ hội cứu vãn hòa bình chưa bao giờ khép lại với tất cả các bên.

TS Hoàng Anh Tuấn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thong-diep-cua-nuoc-nga-tu-le-ky-niem-ngay-chien-thang-phat-xit-183180.html