Thông điệp của thành viên Liên hợp quốc có trách nhiệm, đóng góp tích cực xây dựng thể chế đa phương toàn cầu
Thông điệp mà Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đến Liên hợp quốc (LHQ) nhân Phiên thảo luận chung Cấp cao của Đại hội đồng LHQ khóa 75 một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết phát huy cơ chế đa phương toàn cầu, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Củng cố cam kết với chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc là trung tâm
Diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt khi LHQ kỷ niệm 75 năm thành lập nhưng lại đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ khi ra đời, phiên họp của Đại hội đồng LHQ năm nay đứng trước nhiệm vụ khó khăn làm sao tìm kiếm giải pháp cho những quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, đồng thời tiếp tục cải tổ để trở thành một tổ chức mạnh mẽ và hiệu quả hơn, phát huy vai trò điều hòa lợi ích, ứng xử của các nước trước những biến chuyển to lớn của thời đại.
Ra đời 75 năm trước từ khát vọng cháy bỏng của các dân tộc trên thế giới quyết không để các thế hệ tương lai rơi vào thảm họa chiến tranh, LHQ đã trở thành tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới, luôn giữ vai trò hàng đầu trong các nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các cuộc xung đột, góp phần xây dựng một thế giới phát triển, hạnh phúc, thịnh vượng.
Các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động của Hiến chương LHQ mang tính phổ quát, phản ánh mối quan tâm của các quốc gia, nhất là trong các vấn đề như bình đẳng về chủ quyền quốc gia, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia, cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước, tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Trong 75 năm qua, dưới sự thúc đẩy của LHQ, hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, tạo khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, những năm gần đây, LHQ đạt được nhiều thành tựu về hợp tác và phát triển toàn cầu, nhất là trong xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, bảo đảm quyền con người, cải thiện y tế, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy việc không tôn trọng và không tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế đã và đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh của mỗi quốc gia, khu vực và quốc tế, đồng thời đặt LHQ trước những thách thức không dễ vượt qua. Chính vì thế, đề cao và phát huy vai trò LHQ đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Để phát huy vai trò LHQ như tổ chức quốc tế lớn nhất toàn cầu, các quốc gia cần củng cố cam kết đối với chủ nghĩa đa phương mà LHQ là trung tâm, tận dụng tối đa các cơ chế, công cụ do Hiến chương LHQ đề ra, nhất là trong việc phòng ngừa xung đột và giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Tiếp đó, các quốc gia cần bảo đảm việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bảo đảm việc hoạch định và triển khai các chiến lược, chính sách phát triển, an ninh, quốc phòng và đối ngoại phải tương thích với các chuẩn mực và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đây là cách duy nhất để xây dựng một nền hòa bình bền vững và lâu dài.
Thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế
Ngay khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Đại hội đồng LHQ, các đại diện của Mỹ, Trung Quốc, Anh... yêu cầu công nhận nền độc lập và tiếp nhận Việt Nam vào Hội đồng LHQ. Tuy nhiên, do chiến tranh, phải đến ngày 20-9-1977, Việt Nam mới chính thức gia nhập LHQ. Kể từ đó, Việt Nam đã vượt qua nhiều thử thách khắc nghiệt, phấn đấu vì những mục tiêu thiêng liêng của đất nước, đồng thời cũng là những lý tưởng của LHQ là hòa bình, quyền tự quyết, bình đẳng cho mọi dân tộc.
Trong hơn 40 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - LHQ đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc của nước ta, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước. LHQ đã hỗ trợ Việt Nam vào những giai đoạn rất khó khăn, khi chiến tranh vừa chấm dứt, Việt Nam bị bao vây, cấm vận. Ngay sau khi Việt Nam tham gia LHQ, Đại hội đồng LHQ khóa 32 (năm 1977) đã thông qua Nghị quyết kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.
Sự hỗ trợ quý báu của các tổ chức LHQ, đặc biệt là Chương trình Phát triển LHQ (UNDP), Chương trình Lương thực thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Cao Ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), Tổ chức Y tế thế giới (WHO)… đã góp phần giúp Việt Nam giải quyết hậu quả nặng nề của chiến tranh, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế xã hội.
Về phía Việt Nam, chúng ta đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, trong đó có đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong thông điệp gửi LHQ là “Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương ở cấp độ toàn cầu, khu vực và liên khu vực”.
Theo định hướng đó, Việt Nam đã tham gia nhiều cơ quan hoạch định chính sách quan trọng của LHQ như Hội đồng bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Kinh tế-Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2015-2019…
Đặc biệt, trong giai đoạn 2017-2020, Việt Nam đã tích cực tham gia vào nỗ lực chung của LHQ trong giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người. Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ, Việt Nam đã cử hàng trăm lượt sĩ quan, cán bộ tham gia Phái bộ LHQ ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi; triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan.
Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã ghi nhiều “dấu ấn”, được LHQ và cộng đồng quốc tế ca ngợi. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trong lời chúc mừng Chính phủ và người dân Việt Nam nhân kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh (2-9-2020) đã nhấn mạnh: “Việt Nam luôn là đối tác mạnh mẽ của LHQ kể từ khi gia nhập tổ chức vào năm 1977. LHQ cũng đánh giá cao Việt Nam trong việc thực hiện sáng kiến “Một LHQ”, một trong những biện pháp cải tổ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này.