Thông điệp đằng sau đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin

Ngày 14/6, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra đề xuất hòa bình cho cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Putin lại đưa ra đề xuất vào thời điểm này và đề xuất của ông Putin có thể chấm dứt cuộc xung đột?

Điều kiện hòa bình cho cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine

Trong một cuộc họp với lãnh đạo Bộ Ngoại giao ngày 14/6, Tổng thống Nga Putin đã nêu ra các điều kiện của Nga để khởi động tiến trình hòa bình với Ukraine. Các điều kiện cốt lõi cho cuộc xung đột Nga-Ukraine là việc quân đội Ukraine rút quân khỏi các khu vực Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng (LPR), Zaporozhye và Kherson.

Ngoài ra, một số điều kiện khác trong đề xuất hòa bình của ông Putin như: (1) Tình trạng trung lập, không liên kết và không có lực lượng hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine; (2) Phi quân sự hóa, phi quốc tế hóa Ukraine; (3) Ấn định quy chế cho các vùng Crimea, Sevastopol, DPR, LPR, Kherson và Zaporozhye là các vùng của Nga trong các điều ước quốc tế; (4) Dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga.

Tổng thống Putin cho biết, nếu lãnh đạo Ukraine đồng ý và bắt đầu rút quân khỏi các khu vực được đề cập, cũng như sau khi Moscow được thông báo về việc Kiev từ chối gia nhập NATO, chính quyền Tổng thống Putin ngay lập tức ra lệnh ngừng bắn và bắt đầu đàm phán. Ông Putin nhấn mạnh rằng khi làm như vậy, ông đang đưa ra một “đề xuất hòa bình thực sự, cụ thể”, đề xuất một kết thúc cuối cùng cho cuộc xung đột chứ không phải là đóng băng hay đình chiến tạm thời. Nhà lãnh đạo Nga nói thêm: “Nếu ở Kiev và các thủ đô phương Tây, họ từ chối như trước đây, thì cuối cùng, đó là công việc của họ, trách nhiệm chính trị và đạo đức của họ đối với việc tiếp tục đổ máu”. Ông cảnh báo rằng tình hình trên thực địa sẽ tiếp tục thay đổi không có lợi cho Ukraine và trong tương lai các điều kiện đàm phán sẽ khác.

Tổng thống Nga cũng lưu ý riêng rằng Moscow không coi Vladimir Zelensky là tổng thống hợp pháp của Ukraine do cuộc bầu cử tổng thống bị hủy bỏ và nhiệm kỳ của ông hết hạn. Theo Tổng thống Putin, cơ quan duy nhất được mở rộng quyền lực theo thiết quân luật là Quốc hội Ukraine.

Tuy nhiên, Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư, trong khi cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podolyak, nói rằng các sáng kiến mới của Nga “không có đề xuất hòa bình thực sự nào và không có mong muốn chấm dứt chiến tranh”, nhưng “có một mong muốn không phải trả giá cho cuộc chiến này và tiếp tục nó dưới những hình thức mới”.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng lên tiếng tiêu cực về đề xuất của Nga - theo ý kiến của ông, nó thực sự ám chỉ Nga đạt được các mục tiêu quân sự của mình và Ukraine thậm chí còn phải giao nộp các vùng lãnh thổ lớn hơn. “Đây không phải là một đề xuất hòa bình mà là một đề xuất xâm lược và chiếm đóng thậm chí còn lớn hơn. Nó chứng tỏ rằng mục tiêu của Nga là kiểm soát Ukraine”, ông Stoltenberg phát biểu trước truyền thông.

Thông điệp đằng sau đề xuất của Tổng thống Putin

Theo chuyên gia Alexander Baunov, nhà cựu ngoại giao Nga, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Á-Âu Carnegie, cho rằng, Tổng thống Putin đưa ra đề xuất hòa bình ngay trước hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ đã làm nổi bật lên bối cảnh của nó. Hội nghị hòa bình do Ukraine triệu tập bị chỉ trích vì thực tế không có sự tham gia của Nga, Trung Quốc, những nước có vai trò quan trọng trong cuộc xung đột ở Ukraine nói riêng, các “điểm nóng” của khu vực và thế giới nói chung; chủ đề của hội nghị cũng được cho là khá mơ hồ khi để mở rộng phạm vi tham gia, Ukraine đã loại bỏ những vấn đề cấp bách nhất khỏi chương trình nghị sự của cuộc họp.

Bên cạnh đó, đề xuất của Tổng thống Putin được cho là cụ thể hơn khi đối chiếu với “công thức hòa bình” của người đồng cấp Ukraine Zelensky, trong đó nhấn mạnh 4 lĩnh vực cùng với sự nhượng bộ quân sự-chính trị từ Kiev để đổi lấy hòa bình với Nga. Rõ ràng, những điều kiện trong đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin khó có thể được chấp nhận đối với chính quyền Kiev, miễn là quân đội Ukraine vẫn giữa được khả năng chống cự. Tuy nhiên, đề xuất sẽ tạo ấn tượng trong dư luận, cộng đồng quốc tế vốn đã quá mệt mỏi với cuộc chiến tranh và chịu ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ cuộc chiến.

Chuyên gia Alexander Baunov cho rằng, trong khi ông Zelensky tránh đàm phán, đòi hỏi “những điều không thể”, thì Tổng thống Putin đề xuất không chỉ là đóng băng xung đột, mà còn đưa ra các bước cụ thể hóa bằng những điều kiện cụ thể. Bằng động thái này, ông Putin đã đẩy Kiev vào thế khó xử, “ngầm” phát đi thông điệp rằng, phía Ukraine mới chính là bên đang ngăn cản việc thiết lập nền hòa bình được chờ đợi từ lâu. Một bộ phận dư luận quốc tế, những người có chủ trương chống phương Tây, hoặc ở trạng thái trung lập chắc chắc chấp nhận cách giải thích như vậy và tập trung sự chú ý về động thái, câu trả lời của chính quyền Kiev.

Đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin được xem là “tối hậu thư”, có nhiều điều kiện tương đồng đối với tối hậu thư mà ông Putin đưa ra trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, đó là Ukraine từ chối gia nhập NATO, tình trạng trung lập và không có hạt nhân, phi quân sự hóa dưới hình thức hạn chế số lượng lực lượng vũ trang và bảo đảm chống lại sự xuất hiện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là sự nhượng bộ của Ukraine đối với các khu vực mà Điện Kremlin tuyên bố là của mình, 4 khu vực (DPR, LPR, Zaporozhya và Kherson) so với 2 khu vực như trước đây (DPR, LPR). Điều này cho thấy những bước tiến đáng kể mà Nga đạt được kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine; đồng thời, đề xuất như một thông điệp nhằm “nắn gân” chính quyền Kiev và các nước phương Tây nên chấp nhận những điều kiện của Nga để ngồi vào bàn đàm phán, chấm dứt xung đột. Theo chuyên gia Alexander Baunov nhận định, nếu như trước kia Nga khai thác nỗ lo sợ chiến tranh, thì hiện nay đề xuất của ông Putin đánh vào tâm lý mệt mỏi vì chiến tranh và mong muốn nhanh chóng chấm dứt xung đột. Các điều kiện mà ông Putin đưa ra không thuộc lĩnh vực đàm phán, mà buộc phía Ukraine, bên yếu thế hơn, phải chấp nhận. Do đó, không loại trừ khả năng những gì ông Putin đưa ra như đề xuất hòa bình sẽ đi trước một sự leo thang và mở rộng chiến tranh mới.

Đồng quan điểm trên, Fyodor Lukyanov, Tổng Biên tập Tạp chí “Nga trong các vấn đề toàn cầu” khẳng định, đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin là một kiểu phản ứng trước hội nghị hòa bình Thụy Sĩ. Bởi lẽ, ngay cả khi những đề xuất này bị từ chối, ban tổ chức hội nghị hòa bình Thụy Sĩ cố gắng tập trung vào chương trình nghị sự đã xác định, thì bằng cách này hay cách khác, những đề xuất của Tổng thống Putin vẫn sẽ được đưa ra thảo luận, nhận xét, cho dù đó là bên ngoài các phiên họp chính thức.

Theo chuyên gia Fyodor Lukyanov, Tổng thống Putin đưa ra “công thức hòa bình” của riêng mình, chứng tỏ Nga không đi theo ý tưởng của người khác mà đưa ra những luận điểm và yêu cầu của riêng mình; đồng thời, ông Putin cũng nhận thức được rằng, sẽ khó có thể mong đợi bắt đầu quá trình đàm phán với những điều kiện như vậy. “Tổng thống Putin là một chính trị gia quá giàu kinh nghiệm nên không thể tin tưởng vào điều này. Điều quan trọng nhất trong lời nói của ông ấy là sẽ không có sự tạm dừng hoặc đóng băng xung đột. Về cơ bản, các bên cần ngồi xuống để thảo luận tất cả các vấn đề cùng một lúc và phát triển một loại mối quan hệ mới trong lĩnh vực an ninh châu Âu, hoặc xung đột vũ trang vẫn tiếp tục”, trang tin RBC của Nga dẫn nhận định của chuyên gia Fyodor Lukyanov.

Còn theo Andrey Korrtunov, Giám đốc khoa học của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga cho rằng, các điều kiện do Tổng thống Putin đưa ra là không thể chấp nhận được đối với chính quyền Ukraine, vì chúng mâu thuẫn với ý định quay trở lại biên giới năm 1991 của giới lãnh đạo Ukraine; và yêu cầu phi quốc gia hóa và phi quân sự hóa của Moscow ngụ ý gần như được hiểu là một sự thay đổi hoàn toàn của chế độ chính trị ở Ukraine. Chuyên gia này cho rằng, chính vì lý do này mà ông Putin đã đề cập đến vấn đề tính hợp pháp của tổng thống và quốc hội Ukraine, từ đó kêu gọi các lực lượng chính trị ở Ukraine “đến một lúc nào đó có thể tự mình nắm quyền chủ động”.

Nhà khoa học chính trị Andrey Korrtunov cũng lưu ý rằng, mặc dù các nước phương Tây lo ngại về chiến thắng của Nga, nhưng vấn đề lãnh thổ đối với họ không phải là vấn đề cơ bản như đối với Kiev. “Điều quan trọng đối với phương Tây là duy trì Ukraine là một quốc gia thân phương Tây. Nhưng ở đây nảy sinh câu hỏi về tình trạng trung lập - rõ ràng là, xét đến những lời hứa mà phương Tây đưa ra với Kiev, Ukraine khó có thể từ bỏ triển vọng như vậy”. Đồng thời, Andrey Kortunov chỉ ra rằng, có một số điểm giao thoa giữa đề xuất của Tổng thống Putin và kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, bất chấp thực tế là Bắc Kinh đã nhiều lần ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Trong bối cảnh xung đột lợi ích, bất đồng quan điểm leo thang như hiện nay, các bên sẽ khó có thể chấp nhận các điều kiện của nhau. Đề xuất hòa bình của Tổng thống Nga Putin hay hội nghị hòa bình Thụy Sĩ theo đề xuất của Chính quyền Kiev được đánh giá là chưa thể mang lại hòa bình ngay lập tức cho cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng có thể là cơ hội để các bên trình bày, đưa ra quan điểm, điều kiện của mình. Và chỉ khi lợi ích, điều kiện của mỗi bên tìm kiếm được điểm chung cân bằng, khi đó các bên mới có thể chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, con đường đi đến kịch bản đó chắc chắc sẽ còn nhiều chông gai phía trước.

Hùng Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thong-diep-dang-sau-de-xuat-hoa-binh-cua-tong-thong-putin-216949.htm