Thông điệp hậu bầu cử của Tổng thống Belarus Lukashenko
Trong bài phát biểu chính thức đầu tiên sau khi tái đắc cử, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khẳng định, cuộc tổng tuyển cử vừa qua là hoàn toàn minh bạch.
Ông không chịu khuất phục và bác bỏ việc tổ chức bầu cử lại cũng như cam kết tiến hành cải cách để phát triển và bảo vệ đất nước. “Hãy cùng nhau xây dựng đất nước tươi đẹp dù khó khăn thiếu thốn", ông Lukashenko nhấn mạnh.
Sputnik ngày 17-8 đưa tin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 16-8 đã có bài phát biểu đầu tiên trước người dân nước này tại quảng trường Độc lập ở thủ đô Minsk, kể từ khi tái đắc cử hôm 9-8 vừa qua.
Theo đó, ông Lukashenko đã nêu lên quan điểm và đường hướng chèo lái đất nước Belarus trong nhiệm kỳ này, bất chấp những sức ép ngày một lớn từ phe đối lập kêu gọi ông từ chức sau 26 năm cầm quyền. Thứ nhất, ông Alexander Lukashenko đã phản bác các cáo buộc từ phe đối lập cho rằng ông "đánh cắp" chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Belarus.
Tổng thống Lukashenko khẳng định điều đó là không thể bởi chiến thắng mà ông giành được có sự cách biệt rất lớn. “Chúng ta đã hoàn thành xong việc bỏ phiếu. Việc làm giả kết quả tới 80% là điều không thể xảy ra", ông Lukashenko cho hay. Đặc biệt, ông nhấn mạnh việc không đồng ý tổ chức lại bất cứ một cuộc bầu cử nào khác theo yêu cầu từ nước ngoài, đồng thời cảnh báo không cho phép bất kỳ thế lực nước ngoài nào can thiệp vào các vấn đề chính trị nội bộ của quốc gia độc lập Belarus.
Ông Lukashenko nêu rõ: "Hiện xe tăng và máy bay chiến đấu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ở chế độ trực sẵn và chỉ trong vòng 15 phút sẽ tới biên giới của chúng ta. Các lực lượng NATO đang rình rập trước cửa nhà của chúng ta. Họ đang tăng cường quân sự ở biên giới phía Tây của Belarus. Lithuania, Latvia, Ba Lan và Ukraine, lãnh đạo của họ đang yêu cầu chúng ta bầu cử lại. Nếu chúng ta làm theo yêu cầu của họ, sức mạnh của chúng ta sẽ giảm đi đáng kể, chúng ta sẽ không bao giờ có được sự ổn định”.
Ông Lukashenko cũng thông tin rằng đã chỉ thị một lữ đoàn không quân di chuyển từ khu vực Vitebsk phía Đông Bắc đất nước sang khu vực Grodno gần biên giới Belarus với Ba Lan và Lithuania để bảo vệ đất nước. Trước đó, Tổng thống Lukashenko đã có cuộc điện đàm "kéo dài và chi tiết" với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về tình hình tại Belarus.
Ông Lukashenko cho rằng, nếu Belarus bất ổn thì Nga và khu vực cũng sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. Đáp lại, Tổng thống Putin tái khẳng định Moscow sẵn sàng hỗ trợ Belarus giải quyết các vấn đề của nước này thông qua Hiệp ước An ninh Tập thể.
Tuy nhiên, Người phát ngôn NATO Oana Lungescu khẳng định, sự hiện diện NATO ở phía Đông của liên minh này, cũng là phía Tây của Belarus, không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ quốc gia nào. Nó chỉ mang tính phòng thủ nghiêm ngặt nhằm mục đích ngăn chặn xung đột và gìn giữ hòa bình.
Thứ hai, ông Lukashenko cam kết nếu người dân Belarus muốn nhìn thấy cải cách, chính phủ của ông sẵn sàng làm việc này "ngay ngày mai", miễn sao đó là những cải cách tích cực và hợp lý. Gửi thông điệp đến những người biểu tình kêu gọi mình từ chức, Tổng thống Lukashenko phân tích rằng họ đang bị khiêu khích thay vì chọn lựa những giải pháp hòa bình. Ông cho hay, thay vì biểu tình, người dân nên tích cực, chăm chỉ làm việc để có một cuộc sống tốt hơn.
Được biết, cuối tuần vừa qua, hàng nghìn người biểu tình tiếp tục đổ ra đường phố ở thủ đô Minsk theo lời kêu gọi của phe đối lập. Hiện Belarus vẫn chưa dập tắt được các cuộc biểu tình và xô xát với cảnh sát chống bạo loạn bùng phát sau cuộc bầu cử. Trên 6.500 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người khác, trong đó có ít nhất 120 cảnh sát, bị thương.
Bộ trưởng Nội vụ Belarus ông Yuri Karayev cam kết giới chức sẽ điều tra tất cả các trường hợp tố cáo cảnh sát bạo lực và lạm dụng người biểu tình một khi tình hình đất nước trở lại bình thường. Theo Bộ trưởng Karayev, những người đổ ra đường tham gia biểu tình bạo loạn nhận được tiền từ các nguồn nước ngoài. Nam giới nhận được 12 USD, trong khi phụ nữ nhận được 24 USD nếu như tham gia biểu tình.
Cuối cùng, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm 16-8 cho biết, sẽ cân nhắc một sắc lệnh về quyền hạn của Chính phủ Cộng hòa Belarus và thực tế là ông đã ký sắc lệnh này vào chiều 17-8 (giờ địa phương). Theo đó, sắc lệnh này quy định các thành phần mới của Hội đồng Bộ trưởng nước này.
Tổng thống Lukashenko tuyên bố ông sẵn sàng chia sẻ quyền lực và thay đổi hiến pháp, song ông không sẵn sàng làm điều đó dưới sức ép từ người biểu tình chống chính phủ.