'Thông điệp kép' từ chuyến đạp xe trên phố của hai Thủ tướng Việt Nam và Hà Lan
Hình ảnh thân thiện, thanh bình, yên ả giữa trời thu khi hai Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng đạp xe qua các địa danh nổi tiếng trên đường phố Thủ đô Hà Nội đã toát lên 'thông điệp kép', khẳng định Hà Nội - 'Thành phố vì hòa bình', đồng thời hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn với mục tiêu phát triển xanh.
Điểm đến yên bình, thân thiện, hấp dẫn
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong chuyến thăm lần thứ ba tới Việt Nam diễn ra trong 2 ngày 1 và 2-11 đã có một hành trình khá đặc biệt cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trên các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội. Dù lịch trình bận rộn, song Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mark Rutte dành thời gian cùng đạp xe dạo phố để cảm nhận mùa thu Hà Nội, đồng thời truyền tải những thông điệp đáng chú ý.
Cung đường đạp xe của Thủ tướng hai nước Việt Nam và Hà Lan gồm các con phố quanh trung tâm chính trị Ba Đình và khu vực Hoàng thành Thăng Long, như: Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Tôn Thất Đàm. Đạp xe trên những con đường rợp bóng cây xanh, qua những góc phố yên bình, hai Thủ tướng đã thân mật trò chuyện, chia sẻ cho nhau những câu chuyện, vấn đề cùng quan tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giới thiệu với Thủ tướng Mark Rutte về các công trình văn hóa - lịch sử trong khu vực như Hoàng thành Thăng Long - di sản thế giới, Cột cờ Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam…
Đồng hành với Thủ tướng Phạm Minh Chính trên những tuyến phố phủ bóng cây xanh trong thời tiết đầu thu, Thủ tướng Mark Rutte bày tỏ ấn tượng với vẻ đẹp yên bình và không gian văn hóa - lịch sử trong khu vực Ba Đình. Ấn tượng của Thủ tướng Hà Lan về một Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử hơn nghìn năm với những nét văn hóa đa sắc màu, riêng biệt… cũng là điều mà nhiều vị nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ các nước và nhất là hàng triệu du khách từng trải nghiệm.
Trước chuyến công du của Thủ tướng Hà Lan, hồi tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Australia Anthony Albanese trong chuyến thăm chính thức Việt Nam đã có trải nghiệm văn hóa ẩm thực đường phố độc đáo của Hà Nội. Vị đứng đầu Chính phủ Australia không chỉ ấn tượng với những cốc bia hơi mà ông luôn tấm tắc “Bia rất ngon, rất tuyệt vời!”, mà còn rất vui trước tình cảm, sự hiếu khách của người dân Thủ đô Hà Nội, cùng hào hứng hô: “1, 2, 3 dô” với các thực khách khác cùng uống bia trong quán bia hơi dân dã.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng ấn tượng mạnh mẽ với món bún chả mang hương vị độc đáo của ẩm thực Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng. Có thể nói, hình ảnh ngắm phố phường Hà Nội trên chiếc xe đạp, uống bia hơi, thưởng thức ẩm thực độc đáo… hay nhâm nhi ly cà phê của các nhà lãnh đạo và du khách quốc tế đã cho thấy Thủ đô Hà Nội là một điểm đến bình yên, thân thiện, mến khách và hấp dẫn với hàng nghìn di sản phi vật thể và những cuộc trải nghiệm đan xen giữa sự cổ kính xen lẫn hiện đại. Hà Nội vì thế từ năm 1999 đã được tổ chức UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Từ đó đến nay, hàng năm, Hà Nội luôn được khách du lịch thế giới chọn là điểm đến thân thiện - hấp dẫn. Trong năm 2022, trang web Trip Advisor xếp hạng Hà Nội trong danh sách top 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất châu Á và 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất thế giới. Tạp chí Time nổi tiếng của Mỹ bình chọn Thủ đô Hà Nội là một trong 3 điểm đến của Việt Nam vào top 100 nơi tuyệt vời nhất thế giới. Hà Nội cũng từng được kênh truyền hình nổi tiếng thế giới CNN bình chọn là một trong 12 điểm đến lý tưởng nhất thế giới cho mùa thu, còn World Travel Awards 2022 (Giải thưởng Du lịch Thế giới) đã vinh danh Hà Nội là điểm đến thành phố hàng đầu châu Á về du lịch ngắn ngày.
Đồng hành phát triển kinh tế xanh
Hành trình đạp xe trên phố Hà Nội cũng làm gợi lên hình ảnh chiếc xe đạp - phương tiện giao thông phổ biến và quen thuộc cả ở Việt Nam và Hà Lan. Đặc biệt đi xe đạp là một phần của cuộc sống hàng ngày của người Hà Lan hiện nay, nơi được coi là “thiên đường của xe đạp”. Trong khi đó tại Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam, “Thành phố vì hòa bình”, mùa thu là mùa đẹp nhất trong năm, rất thích hợp với các hoạt động ngoài trời như đạp xe, dạo phố…
Đi xe đạp cũng là một hoạt động nhiều ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi xanh, giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo...
Đây cũng là một trong những trọng tâm hợp tác giữa hai quốc gia Việt Nam và Hà Lan trong giai đoạn tới. Thế nên, ngay sau khi đạp xe trên phố Hà Nội, hai Thủ tướng Việt Nam và Hà Lan đã cùng tới dự phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn Kinh tế xanh 2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức với chủ đề “Hợp tác châu Âu - Việt Nam thúc đẩy các sáng kiến xanh”.
Tại diễn đàn, lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), EuroCham… đều đánh giá rất cao những thành tựu phát triển và tiềm năng to lớn của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, tuần hoàn, công nghệ cao.
Theo các đại biểu, thế giới đang diễn biến khó lường, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, khủng hoảng do biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng mở ra các cơ hội mới đối với phát triển kinh tế-xã hội của từng quốc gia. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế xanh và bền vững là chìa khóa và là hướng đi bắt buộc của các quốc gia trên toàn cầu.
Các ý kiến tại diễn đàn cũng đánh giá cao cam kết, nỗ lực và các giải pháp của Việt Nam nhằm hợp tác với các đối tác EU trong đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, như việc tham gia ký kết Tuyên bố Chính trị thiết lập đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với nhóm G7 và các đối tác quốc tế, trong đó có EU.
Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, bao trùm, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Việt Nam hướng tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và năng lượng xanh để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững, lâu dài. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nước ta cũng lưu ý Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, do đó mong EU tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ Việt Nam trên tinh thần cùng thắng trong xây dựng cơ chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, thu xếp nguồn tài chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị… để thúc đẩy phát triển xanh.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quan điểm của Thủ tướng Mark Rutte “coi Đồng bằng sông Cửu Long như là một phần của Hà Lan”. Theo Thủ tướng, vùng đất chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 60% lượng thủy sản của Việt Nam này đang đối diện với những nguy cơ đe dọa như sụt lún, sạt lở, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng, ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh kế của 22 triệu người dân.
Thủ tướng mong các đối tác, nhà đầu tư tiếp tục hỗ trợ, tăng cường đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng hạ tầng chiến lược, triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải để góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới. Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định, Việt Nam đang tích cực ngăn chặn nạn phá rừng, đẩy mạnh trồng rừng, triển khai bán tín chỉ carbon, phát triển điện sinh khối… Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, Việt Nam cùng các đối tác sẽ tiếp tục hành động và đạt bước tiến mới trong phát triển kinh tế xanh.