Thông điệp từ 'Nữ sĩ thời gió bụi'của Lê Phương Liên

Từ trước đến nay tôi và số đông bạn đọc biết đến nhà giáo - nhà văn Lê Phương Liên là cây bút chuyên viết cho thiếu nhi. Song thực tế chị đã viết 2 cuốn tiểu thuyết về nhà trường thời kháng chiến chống Mỹ là 'Khúc hát hạnh phúc' (NXB Hội Nhà văn, 2002) và 'Ký ức ánh sáng' (NXB Phụ nữ, 2013).

Các tác phẩm đã kể lại những câu chuyện cảm động về các cô giáo trẻ đầy tâm huyết với nghề, yêu thương và trách nhiệm với các em học sinh. Qua đó, nhà văn nhắn gửi tới bạn đọc tình yêu đối với quê hương, tình cảm gia đình, nghề nghiệp và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ. Thật thú vị và bất ngờ, gần đây tôi được đọc cuốn "Nữ sĩ thời gió bụi" - tiểu thuyết dã sử đầu tiên của chị do NXB Phụ nữ ấn hành với gần 300 trang khổ thường.

Nhà văn Lê Phương Liên (ngoài cùng bên phải) bên mộ Hồng Hà nữ sĩ.

Nhà văn Lê Phương Liên (ngoài cùng bên phải) bên mộ Hồng Hà nữ sĩ.

Ra mắt tháng 5/2021, sau hai tuần sách đã bán hết veo, nhà in ấn hành nối bản ngay và luôn để phục vụ nhu cầu của bạn đọc. Tiểu thuyết khiến tôi đọc liền mạch và trào dâng niềm xúc động, trân quý và cả tự hào. Nhà văn Lê Phương Liên tâm sự về "Công trình kể biết mấy mươi" của mình: "Để viết cuốn sách này, tôi đã dựa vào nhiều tư liệu. Cuốn "Một điểm tinh hoa" (của PGS.TS Trần Thị Băng Thanh, Viện nghiên cứu Hán Nôm) là tài liệu chính tôi đã căn cứ vào đó để xây dựng cốt truyện về bà Đoàn Thị Điểm. Bên cạnh các nhân vật có tên trong lịch sử như Lê Hữu Trác, Đặng Trần Côn, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Kiều… Tôi xây dựng thêm các nhân vật khác như Trần Võ sư, Trần Minh Giám; nhân vật của dân gian như Trạng Quỳnh. Các tình tiết trong tiểu thuyết phục dựng lại cuộc đời bà Đoàn Thị Điểm với tất cả những thăng trầm". Qua tiểu thuyết, những thông điệp nhà văn muốn gửi gắm tới bạn đọc phong phú và giàu giá trị nhân văn.

Hình tượng phụ nữ toàn bích

Nhân vật là yếu tố sống còn trong tác phẩm tự sự. Xây dựng nhân vật trung tâm thành công là điều rất đáng ghi nhận bởi nhà văn mong muốn Hồng Hà nữ sĩ là tấm gương sáng để mọi người noi theo. Trong tiểu thuyết, tác giả dành nhiều tâm huyết để tái hiện lại cuộc đời đầy biến động của bà Đoàn Thị Điểm qua 5 chương. Mỗi chương thể hiện một chủ đề tương đối độc lập nhưng tất cả có sự liên kết chặt chẽ làm hiện lên sống động nhân vật trung tâm.

Bà Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748) là một con người tài sắc và đức độ. Từ chương đầu của tác phẩm, nhà văn đã để Thượng thư Lê Anh Tuấn có suy nghĩ: "Thiếu nữ này không phải là người thường!... Thật là một nhan sắc hiếm có, người này xứng đáng là một bậc vương phi" (trang 31), "Tiểu thư này khí chất xuất chúng" (trang 32) và thốt ra lời mến mộ, khâm phục: "Ta thấy con diện mạo đoan chính, tươi đẹp, tài thơ văn thật là hiếm có không chỉ so với nữ nhi mà cả đám mày râu cũng phải chịu thua" (trang 33).

Không chỉ đẹp về ngoại hình, bà còn là người nhân hậu, giàu tình yêu thương. Khi là thiếu nữ, sống trong dinh thự của nghĩa phụ là Thượng thư Lê Anh Tuấn, bà đã thương xót vô cùng những con hươu nuôi trong vườn bị lấy nhung làm món ăn đại bổ cho những nhà quý tộc (trang 20, 21). Yêu thương con người, bà quan tâm giúp đỡ những cảnh đời kém may mắn. Bà đã cảm hóa được một kẻ trộm cướp và đào tạo được thành con người có ích về sau là Trần Minh Giám. Sau này trở thành phu nhân Nguyễn Kiều, bà sẵn sàng dành căn nhà rộng đẹp của mình làm nơi ở, nuôi ăn uống chu tất và bốc thuốc cứu chữa cho những người lính là thương bệnh binh từ trận mạc trở về Thăng Long (trang 150 - 154).

Kiên cường trước bão tố

Tuy là nữ nhưng Đoàn Thị Điểm sống theo nguyên tắc của một người đầy bản lĩnh, tự chủ, và thiện lương. Bà nghĩ "ta không muốn làm vương phi, dù đã được "chấm". Ta chẳng ảo tưởng về tài sắc của mình, phận nữ nhi một khi đã trao cái của báu duy nhất của mình là tuổi xuân và sắc đẹp vào tay một kẻ đầy uy quyền thì coi như hết rồi" (trang 34). Bà tự nhận thức được "mình đang có một của báu trong tay đó là chính mình". Lấy lý do về quê "hỏi ý kiến song thân", hơn nữa về để chăm sóc cha và anh đang bệnh, bà đã từ chối khéo và tế nhị để bản thân không phải tiến cung.

Không ai có thể lựa chọn được cha mẹ hay thời điểm mình được sinh ra. Sống ở thời kỳ "gió bụi" của đất nước, chiến tranh đói kém liên miên; gia đình liên tiếp tai ương: tang cha lại đến tang anh, tang mẹ mồ chưa xanh cỏ lại đến tang chị dâu. Tất cả tai họa như những trận cuồng phong ập đến nhưng bà vẫn kiên cường đứng vững. Bà không hề bị lóa mắt trước vinh hoa phú quý nên đã từ hôn Bình Trung công. Bà thay cha và anh dạy học để nuôi sống gia đình, lấy tên hiệu là Hồng Hà nữ sĩ.

Tiểu thuyết cho thấy, Đoàn Thị Điểm đúng là cây mai kiên cường trước bão tố, lúc nào cũng quan tâm chăm lo cho gia đình: hiếu thảo với đấng sinh thành, yêu thương giúp đỡ, thậm chí hy sinh cả tuổi thanh xuân, thay anh chị nuôi dạy các cháu. Bà cũng là người vợ thủy chung, chăm lo cho con chồng như con ruột khi chồng đi sứ phương Bắc đằng đẵng suốt ba năm. Bà còn là một nữ nhà giáo dạy giỏi - học trò bà có người đỗ đến Tiến sĩ - điều thật hiếm có trong xã hội phong kiến đương thời.

Ảnh bìa cuốn tiểu thuyết “Nữ sĩ thời gió bụi”.

Ảnh bìa cuốn tiểu thuyết “Nữ sĩ thời gió bụi”.

Khi công việc gia đình tạm ổn, chủ yếu là mỗi khi đêm về, bà cho phép bản thân được sống với niềm đam mê, hứng thú của mình là viết sách. Nhờ đó, "Truyền kỳ tân phả" (Cuốn phả mới về truyền kỳ) tác phẩm chữ Hán của bà ra đời, được lưu truyền đến ngày nay. Ở đó hiện lên những người phụ nữ tài năng và tiết liệt, dù gặp bất công trong xã hội nhưng quyết không đầu hàng số phận.

Kiệt tác "Chinh phụ ngâm"

Tiểu thuyết cho thấy tác giả bám sát tư liệu lịch sử chính thống và giai thoại dân gian xung quanh các nhân vật, cho phép mình hư cấu để làm rõ hơn và đẹp thêm nhân vật Hồng Hà nữ sĩ. Từ khi là cô gái mới lớn, bà Điểm đã thể hiện tài năng văn chương. Khi anh trai quan sát thấy em gái đang trang điểm liền ra câu đối: "Chiếu cánh họa mi, nhất Điểm phiên thành lưỡng Điểm" (Soi gương kẻ mày, một cô Điểm thành hai cô Điểm), Bà đối lại: "Trì thâm nguyệt hiện, nhất Luân chuyển tác song Luân" (Ao sâu trăng hiện, một anh Luân thành hai anh Luân). Theo năm tháng, tài văn thơ của bà ngày càng tỏa sáng. Nhà văn đã khéo làm nổi bật tài năng của bà qua việc để người anh trai phải thốt lên khâm phục: "Không ngờ cô Thị Điểm nhà mình lại viết được ra một câu chuyện kỳ ảo như vậy. Hóa ra đàn ông nước Việt này chỉ hống hách sằng, cứ tưởng mình giỏi giang hơn đàn bà! Họ có biết đâu nếu cho đàn bà đi thi thì khối anh đồ nho đứng dưới các bà các cô đấy" (trang 82).

Tiểu thuyết của Lê Phương Liên hấp dẫn người đọc bởi lối kể chuyện tự nhiên, cuốn hút, ngôn ngữ hợp với văn phong, cách nghĩ, cách nói của con người thời trung đại. Truyện có nhiều đoạn hay, tiêu biểu như: đoạn tả Bà Điểm và anh trai múa võ "Mai hoa quyền" dưới trăng (trang 51); đoạn cả nhà quây quần quanh nồi cháo ốc thơm ngon; đoạn tả Hồng Hà nữ sĩ mắt thấy tai nghe những âm thanh đau thương của chiến tranh: "Tiếng khóc của những người lính trẻ nghe đã thảm, tiếng khóc của những bà mẹ già, của những người vợ đến đón chồng con trở về lại còn sầu não hơn" (trang 156). Bà thấy "tê tái buốt thấu tim" khi nhìn người mẹ già đi cạnh người lính trẻ bị thương chống gậy, cạnh đó là người chị dâu bế đứa con nhỏ biết tin chồng vĩnh viễn không trở về.

Song lãng mạn, giàu chất thơ và hay nhất là trường đoạn mô tả cuộc dạ du đầy thơ mộng trên hồ Tây của những bậc văn nhân tài tử gồm: Hồng Hà nữ sĩ, thầy thuốc kiêm nhà văn Lê Hữu Trác (sau này là Hải Thượng Lãn Ông) và thi nhân Đặng Trần Côn, người viết "Chinh phụ ngâm" bằng chữ Hán (từ trang 170 đến 185). Trong cảnh nội chiến đất nước đầy biến động, trong cảnh vò võ đợi chờ chồng đi xa, với mối tình tri kỷ, tri âm và sự thấu cảm sâu sắc với thi nhân họ Đặng, Hồng Hà nữ sĩ đã chuyển ngữ sang chữ Nôm khúc tâm ca thành "Chinh phụ ngâm khúc" hiện hành, gây một tiếng vang lớn trong giới nho sĩ đương thời và là kiệt tác của văn thơ Việt Nam.

Như vậy, với tấm lòng ngưỡng mộ và yêu mến bậc nữ lưu tài danh bậc nhất họ Đoàn, với trí tưởng tượng và tài năng sáng tạo, nhà văn Lê Phương Liên đã hiện thực hóa được khát khao của mình là tái hiện bà Đoàn Thị Điểm ngoài đời vào văn chương thành một phụ nữ đẹp không tỳ vết. Hồng Hà nữ sĩ trong tác phẩm hiện lên sống động, xứng đáng là tấm gương sáng ngời về người "phụ nữ mẫu mực, tiêu biểu của xã hội Việt Nam ở mọi thời đại" (Vũ Nho).

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/thong-diep-tu-nu-si-thoi-gio-buicua-le-phuong-lien-i731992/