Thông điệp về con người khi ở giữa dịch bệnh khủng khiếp là gì?
Các nhà làm phim Hollywood đã nhiều lần tái hiện thực trạng dịch bệnh tàn phá thế giới, tiêu biểu là những tác phẩm như 'Children of Men', 'Contagion'…
Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi do virus corona gây ra, nhiều khán giả đã liên tưởng đến sự hỗn loạn thường thấy trong các bộ phim nói về đại dịch. Hollywood nhiều lần tái hiện thảm họa dịch bệnh bằng ngôn ngữ điện ảnh, khiến người xem ám ảnh. Những tựa phim ấn tượng nhất về đại dịch khủng khiếp có thể kể đến là Children of Men, Contagion, 28 Days Later (2002) và 28 Weeks Later (2007).
Children of Men (2006)
Chuyện phim Children of Men bắt đầu khi có một căn bệnh kỳ lạ lây lan trên khắp thế giới. Nó không gây tử vong nhưng lại khiến cho nhân loại mất đi khả năng thụ thai hoặc sinh con. Thời gian tìm ra phương thuốc chữa bệnh không còn nhiều khi toàn bộ nhân loại dần trở nên quá già nua để có thể phục hồi dân số.
Children of Men thành công lột tả sự tuyệt vọng của loài người trong bối cảnh dịch bệnh lạ lan tràn. Tác phẩm của đạo diễn Alfon Cuarón được nhiều nhà phê bình đánh giá là kiệt tác và là một trong những bộ phim xuất sắc 2 thập kỷ trước.
Children of Men gửi gắm thông điệp sâu sắc về hy vọng và niềm tin, khi con người phải đối mặt với nỗi tuyệt vọng. Bộ phim nhận được sự ủng hộ của giới phê bình và đông đảo khán giả. Children of Men làm tốt nhiệm vụ của một bộ phim rượt đuổi bạo lực, một câu chuyện giả tưởng cảnh báo thảm họa và một tác phẩm đậm tính nhân văn về việc nhân loại đấu tranh cho sự sống của mình.
Contagion (2011)
Sự kiện mở đầu cho chuỗi biến cố trong Contagion là Beth Emhoff - một nữ doanh nhân trở về Mỹ sau chuyến công tác tại Hong Kong - đột ngột qua đời vì một căn bệnh kỳ lạ. Chỉ vài ngày sau, dịch bệnh này bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới, khiến 26 triệu người tử vong. Mặc dù là một bộ phim giả tưởng nhưng cốt truyện Contagion được xây dựng dựa trên rất nhiều sự kiện có thật.
MEV-1 - loại virus trong phim - chứa nhiều đặc điểm giống với virus SARS hay cúm gà từng hoành hành trước đây: lây nhiễm qua đường hô hấp, tiếp xúc cơ thể và gây chết người nhanh chóng. Tác phẩm được đánh giá cao vì miêu tả một cách chân thực nỗi sợ hãi và hoảng loạn của toàn nhân loại như những gì từng xảy ra khi dịch SARS hay cúm gà bùng phát.
Contagion chạm đến nhiều vấn đề nóng hổi, bao gồm các nhân tố gây ra sự hỗn loạn và sụp đổ trong xã hội, quy trình khoa học giúp nhận diện, mô tả mầm bệnh mới, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp khi đứng trước mối đe dọa hiện hữu, hạn chế và hậu quả trong những kế hoạch đối phó với dịch bệnh sai lầm …
Bộ phim là ví dụ điển hình cho thấy tâm lý đám đông và những hành vi tập thể có thể dẫn đến hiềm khích và sự mất trật tự trong xã hội, đặc biệt là tại thời điểm dịch bệnh bùng phát. Sự bối rối, bất lực liên quan đến việc kiểm soát thông tin, cùng với sự xuất hiện của các kênh truyền thông như blog có thể là cơ hội cho kẻ xấu lan truyền những tin tức xuyên tạc, sai lệch, gây hoang mang dư luận.
Đại dịch có thể gây ra sự xa cách, mất lòng tin sâu sắc giữa người với người. Nhưng để đối phó với dịch bệnh, xa cách hay vô cảm với những người xung quanh không phải là việc nên làm mà thay vào đó, các cá nhân cần phối hợp nhịp nhàng với nhau, bỏ qua sự ích kỷ, thờ ơ. Contagion cũng đề cập đến một thực trạng rằng có rất nhiều quy tắc sẽ bị phá vỡ trong bối cảnh đại dịch do một vài cá nhân muốn hy sinh hoặc có kẻ muốn vụ lợi cho riêng mình.
28 Days Later (2002) và 28 Weeks Later (2007)
28 Days Later và phần tiếp theo mang tên 28 Weeks Later lấy bối cảnh đại dịch zombie nhưng không tập trung vào cách nhân loại đối phó với thảm họa ấy. Hai bộ phim đi sâu mô tả tình hình nước Anh hậu đại dịch. Tác phẩm không chỉ mang lại nỗi sợ đơn thuần mà còn đưa người xem trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác, khi nhấn mạnh vào thái độ, mối quan hệ giữa người với người trước viễn cảnh chết chóc. Nhân loại có lúc đối xử với nhau tồi tệ hơn cả sự tàn phá của dịch bệnh.
Khi thảm họa ập xuống, con người sẽ chứng kiến sự biến đổi của nhân tính. Kẻ sống sót đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn với đồng loại – những người đã nhiễm bệnh. Có người sẽ trở thành anh hùng, hy sinh vì người khác, nhưng cũng có kẻ ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình. Tình thân, tình bạn rạn nứt, sự phản bội, cô lập được tô đậm trong những thước phim ám ảnh đến phút cuối cùng.
Pha trộn hai thể loại viễn tưởng và kinh dị, 28 Days Later và 28 Weeks Later tạo nên một bầu không khí hỗn loạn, vô vọng, một thế giới dường như đang suy tàn. Phim là cuộc đối đầu giữa thiện và ác, giữa quân đoàn binh sĩ và các thây ma có sức mạnh cùng độ điên cuồng vô biên. Khán giả bị cuốn vào cơn ác mộng, nơi bất kỳ tiếng động nào cũng có thể trở thành hồi chuông báo hiệu cái chết đến gần.
Khi đứng giữa ranh giới sống chết, con người mới bộc lộ hết bản chất của mình, đó là cuộc chiến của chính họ, cuộc chiến của lương tâm và cái ác, giữa sự cao thượng, hy sinh và những thấp hèn.