Thông điệp về hợp tác công bằng, bình đẳng

Với 42 điểm liên quan các vấn đề chủ chốt như tăng trưởng kinh tế toàn cầu bền vững, thích ứng nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo…, Tuyên bố chung đưa ra sau Hội nghị G20 đã nêu lên những quan điểm cụ thể về thúc đẩy phát triển kinh tế toàn cầu với việc duy trì tăng trưởng bền vững, tạo dựng xã hội công bằng cho mọi đối tượng người dân, xóa bỏ khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển, giữa khu vực này với khu vực kia…

Trong Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cũng phát đi thông điệp mạnh mẽ về những nguyên tắc cơ bản ủng hộ một “hệ thống thương mại và đầu tư tự do, nhằm bảo đảm thương mại tự do, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch, có thể đoán trước và ổn định”, đồng thời nhất trí sử dụng mọi công cụ chính sách để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu đối mặt những nguy cơ xấu và đạt tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện. Các thành viên G20 đều nhất trí thúc đẩy cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cùng với một hệ thống thương mại dựa trên luật lệ để tạo “các thị trường mở và một sân chơi công bằng cho mọi quốc gia”.

Tại hội nghị năm nay đã xuất hiện một số điểm nhấn đáng chú ý, như việc thích nghi sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số. Số hóa đang làm thay đổi mọi khía cạnh của các nền kinh tế và đời sống xã hội, và việc sử dụng hiệu quả số hóa sẽ đóng góp cho sự thịnh vượng ở tất cả các nước. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những lợi ích mà kinh tế số mang lại, cần phải xây dựng các quy tắc toàn cầu trong lĩnh vực này. Do tầm quan trọng của kinh tế số, các nhà lãnh đạo G20 đã thông qua Tuyên bố chung Osaka, thúc đẩy các cuộc thảo luận chính sách về việc xây dựng các quy tắc quốc tế trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các khía cạnh của thương mại điện tử.

Điểm nổi bật khác của hội nghị lần này chính là việc các thành viên G20 đã nhất trí về Tầm nhìn Đại dương xanh, cam kết chấm dứt thải rác nhựa ra các đại dương vào năm 2050. Cam kết này một lần nữa thể hiện vai trò đi đầu của G20 đối với vấn đề cấp bách đang là thách thức đe dọa môi trường sống của cả hành tinh.

Trong hàng loạt cuộc gặp song phương bên lề hội nghị năm nay, mọi ánh mắt đều đổ dồn về cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong bối cảnh hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang căng thẳng vì chiến tranh thương mại leo thang, thì “thỏa thuận đình chiến thương mại” mà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đạt được sau cuộc gặp đã xoa dịu phần nào nỗi lo về “sức khỏe” của nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, được các nhà phân tích đánh giá “rất mang tính xây dựng”, cũng trấn an giới đầu tư rằng quan hệ giữa hai siêu cường này đang tiến triển tốt đẹp, mở ra những cơ hội thúc đẩy kinh tế thế giới.

Tuy vậy, Hội nghị G20 năm nay cũng còn tồn đọng một số khúc mắc. Mỹ đang sử dụng nhiều biện pháp bảo hộ thương mại, như các cuộc chiến thuế quan nhằm vào Trung Quốc, Liên hiệp châu Âu (EU)… nhằm thực hiện chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, thì việc các nhà lãnh đạo đã không nhắc tới cụm từ “chống chủ nghĩa bảo hộ” vào tuyên bố chung cuối hội nghị đã gây ít nhiều thất vọng. Về mục tiêu chống biến đổi khí hậu, hội nghị lần này chưa đạt đột phá. Cũng giống Hội nghị G20 diễn ra năm 2018 ở Argentina, Mỹ đã không đồng ý với bất kỳ cam kết nào về giảm khí thải CO . Chỉ có 19 nền kinh tế thành viên còn lại đã nhất trí sự “không thể đảo ngược” của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và cam kết thực thi đầy đủ, bất chấp việc Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi văn kiện này.

Dù còn tồn tại bất đồng liên quan một số vấn đề chủ chốt, nhưng không thể phủ nhận rằng Hội nghị G20 lần này đã đạt được nhiều thành quả. Hơn lúc nào hết, thế giới hiện nay cần chung tay đối phó các thách thức mới, và đây là thời điểm thích hợp để các nhà lãnh đạo G20 gửi đi thông điệp về sự hợp tác công bằng, bình đẳng trên toàn cầu.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/baothoinay-quocte/baothoinay-quocte-tieudiem/item/40718602-thong-diep-ve-hop-tac-cong-bang-binh-dang.html