Thông điệp về 'kỷ nguyên mới' mang tính đột phá, làm trỗi dậy tinh thần dân tộc
Thông điệp về kỷ nguyên mới - 'kỷ nguyên vươn mình của dân tộc' của Tổng Bí thư Tô Lâm mang tính đột phá, đánh vào xúc cảm của con người, làm cho lòng người trỗi dậy.
Ngày 27/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc – Cơ hội và thách thức" với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Người Việt Nam như tìm thấy "nỏ thần" của mình
TS. Nguyễn Văn Đáng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng thông điệp "kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra được người dân đón nhận rất nồng nhiệt, ủng hộ quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc thay đổi vị thế quốc gia trong hơn 2 thập kỷ tới. Cụ thể hơn là đến giữa thế kỷ 21, đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
“Đây là quyết tâm chính trị rất tham vọng, rất nhiều thách thức sẽ đón đợi chúng ta, nhưng tôi tin những gì đang diễn ra cho thấy đó chính là khát vọng của dân tộc Việt Nam”, ông Đáng nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Văn Đáng, sau gần 40 năm đổi mới Việt Nam phải bứt phá để vươn lên. Cụm từ "kỷ nguyên mới", "kỷ nguyên vươn mình" rất rõ là phải vươn lên để bứt phá chứ không thể bình bình, tịnh tiến từ từ.
“Nếu chúng ta không chủ động, không nhìn thấy thách thức ấy để bứt lên, vươn lên thì chúng ta cũng sẽ rơi vào tình trạng như Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Tăng GDP bình quân đầu người lên 8.000-9.000 USD nhưng không thể bứt qua được 10.000 USD; tức là chỉ ở mức nước thu nhập trung bình cao, chứ không thể gia nhập nhóm các nước phát triển với GDP bình quân đầu người trên 13.000 USD”, TS Nguyễn Văn Đáng cảnh báo.
Chính vì thế, ông Đáng cho rằng cụm từ "vươn mình" mà Tổng Bí thư Tô Lâm sử dụng rất ý nghĩa, như một sự nhắc nhở chúng ta phải bứt phá để hiện thực hóa được tầm nhìn 2045.
GS.TS. Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore nhấn mạnh, thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có tính chiến lược, vừa có tính đột phá. Tính chiến lược là sự lựa chọn quả cảm đưa đất nước tiến lên ở mức độ cao vượt bậc trong thời gian tới.
“Rõ ràng, ngày mai chúng ta phải nhìn lại những gì đã làm ngày hôm nay. Lựa chọn của người lãnh đạo rất quan trọng, quyết định một dân tộc đi lên hay đi xuống, đi lên nhanh hay đi bao xa... phải quyết định đúng đắn”, ông phân tích.
GS.TS. Vũ Minh Khương cho rằng, tính chiến lược trong thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam trong thời gian vừa qua là rất đáng quý, có những điều rất kỳ vĩ.
Ngoài ra, thông điệp của Tổng Bí thư còn mang tính đột phá, đánh vào xúc cảm của con người, làm cho lòng người trỗi dậy.
“Tôi thấy lần đầu tiên người Việt Nam như tìm thấy "nỏ thần" của mình, đó là tinh thần dân tộc muôn người như một”, ông Khương nói.
Ngoài ra tính đột phá còn nằm ở chỗ chúng ta nắm xu thế của thời đại, xuôi chiều gió để đi; chọn thiết chế, để tạo ra sức mạnh cộng hưởng, sức mạnh nội sinh, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng.
“Đó là tinh thần của Điện Biên Phủ”, GS.TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh, điểm đặc sắc trong thông điệp của Tổng Bí thư không chỉ là nội dung mà còn cả hành động.
GS.TS. Vũ Minh Khương chỉ rõ, có 4 đặc trưng để đưa một dân tộc đi đến thành công: Xúc cảm dân tộc, tính khai sáng, cải cách xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, kiến tạo.
Nhắc đến từ "vươn mình”, ông Khương nhớ đến hình tượng Thánh Gióng và liên quan đến 3 điểm của Thánh Gióng. Đó là phải tìm đến người tài, vượt ra khỏi suy nghĩ thông thường, phải suy nghĩ đột phá; thứ hai là phải dựa vào dân; thứ ba là dựa vào thế hệ trẻ.
Ngoài ra, khi thực hiện cải cách quyết liệt, cần phải rất chú ý đầu ra và kết quả hơn là nguồn cung. Những tiêu chí đã rất rõ, lòng dân có tăng lên không, năng suất lao động tăng lên, môi trường trong sạch hơn... theo ông Khương, tất cả đều phải đo kết quả đầu ra để dân tộc đi đến phồn vinh, tiến tới mốc 2045”.
Chọn người tài không nhất thiết phải là đảng viên
PGS.TS. Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương cho rằng công cuộc tinh gọn bộ máy hiện nay là cuộc cách mạng nhưng tinh gọn không thể cơ học.
“Tôi rất đồng tình là không nên cơ học rút được bao nhiêu mà phải thực sự tổ chức một bộ, một cục, một vụ hợp lý, phù hợp với thực tiễn hiện đang diễn ra và có cơ chế vận hành hiệu quả, trơn tru”, ông Quát nói.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý, điều đáng lo nhất khi tinh gọn bộ máy là người giỏi, người tốt có khi lại ra đi và người lười biếng, bất tài ở lại.
PGS.TS. Đào Duy Quát phân tích, hiện nay trong thời đại công nghiệp 4.0, đòi hỏi rất nhiều tài năng công nghệ, thế nên lãnh đạo lực lượng này không nhất thiết phải là đảng viên mà phải là tri thức giỏi, yêu nước.
“Bác Hồ trước đây đã tập hợp rất nhiều nhân tài không phải đảng viên mà có công xây dựng nhà nước phát triển, vượt qua thử thách, lập những chiến công”, ông dẫn chứng.
Vì vậy theo ông, chọn con người thì lấy nhiệm vụ, công việc của từng vị trí để chọn người có đức, có tài đáp ứng nhiệm vụ, thậm chí không nhất thiết phải là đảng viên.
TS Nguyễn Văn Đáng nêu thực tế, một trong những nét mới trong vai trò lãnh đạo của Đảng là quyết liệt thực hiện cuộc cách mạng thần tốc liên quan đến tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.
Kế hoạch đã được Ban Chỉ đạo Trung ương ban hành và hiện nay các cơ quan đang triển khai mạnh mẽ trên phạm vi cả nước, đặc biệt là cơ quan Trung ương. Trung ương đi đầu, làm gương, "vừa chạy vừa xếp hàng", địa phương cứ thế làm, không đợi Trung ương.
“Chúng ta đang cho thấy sự chuyển động vô cùng mãnh liệt. Hệ thống chính trị đang truyền cảm hứng dẫn dắt sự thay đổi ở Việt Nam theo hướng tích cực hơn”, ông Đáng nhấn mạnh.
Theo ông, đợt tinh gọn bộ máy lần này là cả về tổ chức bộ máy, cả về con người, cơ chế và nguyên tắc hoạt động.
Để thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy này, cả hệ thống đang nỗ lực và ông tin rằng có cơ sở để kỳ vọng vào sự thành công trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ông Đáng lưu ý, tinh gọn bộ máy không chỉ đơn giản ở cơ cấu bộ máy tổ chức mà quan trọng là chất lượng nhân sự. Tinh gọn chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải tuyển chọn và bố trí lại con người đúng người, đúng việc, đúng khả năng của họ. Vì vậy, phải chú trọng việc thu hút tài năng trong hệ thống cơ quan công quyền, từ các tài năng lãnh đạo đến tài năng về hành chính chuyên môn.