Thông điệp về sự cân bằng

Việc cử tri Iran lựa chọn một nhà cải cách có quan điểm ôn hòa, ông Masoud Pezeshkian, làm tổng thống mới đã gửi đi một thông điệp đến thế giới rằng nước CH Hồi giáo có thể sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng cởi mở và thân thiện hơn.

Lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tại Tehran ngày 30/7/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tại Tehran ngày 30/7/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Bản thân ông Masoud Pezeshkia từng nhấn mạnh cam kết đối với chính sách Đông - Tây cân bằng, giữa việc mở cửa trở lại với phương Tây và việc duy trì quan hệ ngày càng phát triển với các cường quốc ngoài phương Tây, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này sẽ không hề dễ dàng với tân Tổng thống Pezeshkian khi quan hệ với phương Tây gần như bế tắc, đặc biệt trong bối cảnh ông Donald Trump, người đưa Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, có thể tái đắc cử tổng thống Mỹ tháng 11 tới, và xung đột tại Trung Đông có những diễn biến mới căng thẳng. Chưa kể trong nền chính trị ở Iran, tổng thống không phải là người có tiếng nói cuối cùng trong các vấn đề đối ngoại.

Trong bài viết tựa đề “Thông điệp của tôi gửi đến thế giới mới” trên tờ Tehran Times sau khi đắc cử, Tổng thống Pezeshkian nhấn mạnh nguyên tắc chính sách đối ngoại chỉ đạo của chính quyền mới sẽ bao gồm hợp tác phát triển khu vực, hợp tác chặt chẽ với các quốc gia láng giềng và các tổ chức khu vực để tăng cường quan hệ kinh tế, giải quyết những thách thức chung và tiến tới thiết lập một khuôn khổ đối thoại, xây dựng và phát triển niềm tin trong khu vực. Nhà lãnh đạo này khẳng định sẽ theo đuổi chính sách nắm bắt cơ hội bằng cách tạo ra sự cân bằng trong quan hệ với tất cả các nước, phù hợp với lợi ích quốc gia, sự phát triển kinh tế cũng như yêu cầu về hòa bình và an ninh khu vực và thế giới. Ông tuyên bố hoan nghênh những nỗ lực chân thành nhằm giảm bớt căng thẳng và sẽ đáp lại một cách thiện chí.

Tổng thống Pezeshkian bày tỏ mong muốn hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Oman, Iraq, Bahrain, Qatar, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và các tổ chức khu vực để tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại, thúc đẩy đầu tư liên doanh, giải quyết các thách thức chung và tiến tới thiết lập một khuôn khổ khu vực để đối thoại, xây dựng lòng tin và phát triển. Theo ông, khu vực lâu nay đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, xung đột giáo phái, khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, buôn bán ma túy, khan hiếm nước, khủng hoảng người tị nạn, suy thoái môi trường và sự can thiệp của nước ngoài.

Đề cập Trung Quốc và Nga, tân Tổng thống Pezeshkian cho biết hai quốc gia này “đã luôn sát cánh bên Iran trong những thời điểm khó khăn. Và Iran đánh giá sâu sắc tình bạn này”. Lộ trình 25 năm của Iran với Trung Quốc thể hiện một cột mốc quan trọng hướng tới việc thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” cùng có lợi và Iran mong muốn hợp tác sâu rộng hơn với Bắc Kinh trong tiến trình hướng tới một trật tự thế giới mới. Trong khi đó, Nga là một đồng minh chiến lược và quốc gia láng giềng có giá trị của Iran và chính quyền mới ở Tehran sẽ vẫn cam kết mở rộng và tăng cường hợp tác với Moskva, cũng như tiếp tục ưu tiên hợp tác trong các khuôn khổ như BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và Liên minh Kinh tế Á - Âu.

Đối với mối quan hệ nhiều thăng trầm của của Tehranvới phương Tây, tân Tổng thống Iran bày tỏ mong muốn tham gia đối thoại mang tính xây dựng để đưa mối quan hệ đi đúng hướng, dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Theo ông Pezeshkian, các nước châu Âu phải hiểu rằng người Iran là một dân tộc đáng tự hào với các quyền và phẩm giá không thể bị coi thường nữa. Có rất nhiều lĩnh vực hợp tác mà hai bên có thể khám phá như kinh tế và công nghệ, an ninh năng lượng, các tuyến đường quá cảnh, môi trường, cũng như chống khủng bố và buôn bán ma túy, khủng hoảng người tị nạn và các lĩnh vực khác, vì lợi ích của tất cả các bên.

Ông Masoud Pezeshkian (phía trước) tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Iran tại Tehran ngày 30/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Ông Masoud Pezeshkian (phía trước) tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Iran tại Tehran ngày 30/7/2024. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Giới phân tích khu vực đánh giá đây là những tuyên bố mang màu sắc rất mới, cho thấy tinh thần cởi mở đầy thận trọng nhưng rất đáng hoan nghênh của nhà lãnh đạo mới tại Iran. Điều này được kỳ vọng tạo nên một luồng sinh khí mới tại quốc gia Hồi giáo vốn đang gặp nhiều khó khăn kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây và căng thẳng giữa Israel với các lực lượng Hồi giáo vũ trang như Hamas ở Dải Gaza, Hezbollah ở Liban… đang tiềm ẩn đẩy Trung Đông vào một vòng xoáy bạo lực mới, đòi hỏi Iran thể hiện vai trò ảnh hưởng của mình tại khu vực.

Theo chuyên gia Mohammad-Kazem Sajjadpour, từng là nhà ngoại giao cấp cao và hiện là giáo sư tại Trường Quan hệ quốc tế của Bộ Ngoại giao Iran, chính sách đối ngoại của tân Tổng thống Pezeshkian sẽ là “sự kết hợp giữa tính liên tục và thay đổi”. Bình luận về cách tiếp cận trong mối quan hệ với châu Âu, chuyên gia này cho rằng thông điệp ở đây là Iran sẵn sàng cải thiện quan hệ, nhưng điều này phụ thuộc vào “mức độ mà người châu Âu có thể đạt được một quan điểm hợp lý và hợp tác với Tehran theo một cách tiếp cận thống nhất”. Quan hệ với Nga và Trung Quốc vẫn là nhân tố không thể thiếu để duy trì nền kinh tế Iran trong điều kiện trừng phạt và là chỗ dựa vững chắc cho Iran trước sự bấp bênh, khó đoán định trên chính trường Mỹ. Trên thực tế, Tehran đã vượt qua 45 năm áp lực từ Washington và thoát khỏi tình trạng cô lập kéo dài nhờ sự hỗ trợ của Moskva cùng với Bắc Kinh. Không chỉ về kinh tế, hai đồng minh lớn này của Iran đều tìm cách giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ là tại Trung Đông, qua đó thúc đẩy vị thế của Iran trong khu vực.

Giáo sư về các vấn đề quốc tế và nghiên cứu Trung Đông tại Đại học John Hopkins, ông Vali Nasr nhận định Mỹ và châu Âu hiện "có cơ hội tốt hơn để thử nghiệm trên mặt trận ngoại giao với ông Pezeshkian". Tuy nhiên, còn chờ xem ông Pezeshkian sẽ thực hiện những bước đi thực tế nào để khôi phục ngoại giao với phương Tây mà vẫn đảm bảo mối quan hệ vững chắc với các đồng minh kỳ cựu Nga và Trung Quốc.

Chuyên gia Sina Toossi của Trung tâm Chính sách quốc tế (Mỹ), nhận định cơ cấu quyền lực bao trùm và bối cảnh chính trị của Iran sẽ chi phối mức độ thay đổi của Iran dưới thời tổng thống đắc cử. Có tín hiệu tích cực là dường như tân Tổng thống Pezeshkian được Đại giáo chủ Ali Khamenei “bật đèn xanh” khi trong phát biểu công nhận tổng thống mới, vị lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran đã nêu quan điểm linh hoạt, cởi mở hơn về chính sách đối ngoại. Ông khẳng định Iran sẵn sàng cân nhắc lại các ưu tiên đối ngoại nếu phương Tây thay đổi cách hành xử lâu nay với Tehran, hàm ý một cách tiếp cận có khả năng hòa giải hơn cho đất nước dưới thời tổng thống mới.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh Quốc hội Iran hiện do những người bảo thủ và cứng rắn kiểm soát, nhiệm vụ đối ngoại cân bằng của ông Pezeshkian không phải dễ thực hiện. Phát biểu nhậm chức tổng thống trước quốc hoojij ngày 30/7 với tuyên bố tiếp tục nỗ lực hướng tới bình thường hóa quan hệ kinh tế với các quốc gia khác, ông Pezeshkian cũng không quên cam kết "đấu tranh chống lại các lệnh trừng phạt". Có thể thấy, để thực hiện điều chỉnh chính sách đối ngoại, trước hết, tân Tổng thống Pezeshkian cần khéo léo cân bằng được quan điểm giữa các phe phái trong nội bộ Iran.

Bạch Dương - Phương Hồ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thong-diep-ve-su-can-bang-20240731100501789.htm