Thông điệp xanh: Giải pháp thiết thực cải thiện hiệu quả nền kinh tế
Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và thực hiện cam kết của Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025 cho thấy, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng thêm nguồn và lưới điện cần phải có thời gian. Vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 theo cam kết của Chính phủ tại COP26.
Thông tin trên được đưa ra tại “Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2023” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 20/7 tại tỉnh Khánh Hòa.
Nhu cầu điện vẫn tăng trưởng rất cao
Thông tin thêm, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, nhu cầu năng lượng sơ cấp trong giai đoạn 2010-2019 tăng trưởng khoảng 6%/năm, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm bình quân là 9,71%/năm trong giai đoạn 2010-2021.
Với nỗ lực của các cấp, các ngành, Việt Nam vẫn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và điện năng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và đảm bảo ổn định về xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng.
Tuy vậy, theo dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm, việc đảm bảo cung cấp điện đến năm 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
“Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu,” ông Phương Hoàng Kim nói.
Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), những năm qua, tốc độ tăng trưởng ngành Xây dựng trung bình đạt khoảng 9%/năm và tỷ lệ đô thị hóa trung bình mỗi năm tăng khoảng trên 1%, cuối năm 2022 đạt tỷ lệ khoảng 41,7%,
Theo thống kê, tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng bao gồm khu vực công nghiệp và dân dụng (trong đó phần lớn là tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà) chiếm từ 37-40% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia.
Mặc dù đã có khung chính sách về phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, song theo ông Thịnh, nhiều quy định mang tính khuyến khích tự nguyện áp dụng, còn thiếu các quy định có tính bắt buộc và chế tài đủ mạnh để yêu cầu thực hiện các nội dung về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Thiếu hoặc chưa có sự đồng bộ về hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng...
Do vậy, ông đề nghị nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các văn bản hướng dẫn Luật nhằm quy định và có chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh, trong đó cần có các quy định về công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng không…
Chú trọng yếu tố phát triển bền vững
Báo cáo của Bộ Công Thương ghi nhận, ngay từ những tháng đầu năm 2023, cả nước đã phải trải qua nhiều đợt nắng nóng cao điểm khiến nhu cầu sử dụng điện của các hộ sinh hoạt, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều tăng cao.
Xác định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, ngày 8/6, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện Mặt Trời mái nhà tự sản, tự tiêu.
Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED. Để đạt được mục tiêu này, Chỉ thị yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc, quyết liệt thực hiện triển khai việc tiết kiệm điện.
Ông Đỗ Văn Sáng, Trung tâm Khuyến công và Phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết năm 2022, việc triển khai Chương trình sửu dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Hà Nội đã đạt mức tiết kiệm 1,63% mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo nhu cầu. Năm 2023, Hà Nội phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 1,5-1,7%.
Triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Hà Nội tập trung vào 3 nhóm chính, đó là các cơ sở sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp; các công trình xây dựng và các hộ gia đình.
“Hà Nội đã ban hành riêng một kế hoạch về phong trào sử dụng hiệu quả năm 2023. Các hoạt động của chương trình này bao gồm có các buổi tuyên truyền về kỹ năng tiết kiệm điện cho các hộ gia đình và thông qua các hoạt động tuyên truyền, thành phố cũng xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên về tiết kiệm năng lượng trong các quận, huyện, phổ biến rộng rãi đến hộ gia đình để áp dụng…,” ông Đỗ Văn Sáng cho hay.
Thực tế cho thấy, trong công tác thực hành tiết kiệm năng lượng có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thiết bị điện hiệu suất cao. Theo bà Lý Thị Phương Trang, Tổng Giám đốc Công ty Daikin Việt Nam, bên cạnh các sản phẩm và dịch vụ mà Daikin đang áp dụng, doanh nghiệp luôn chú trọng nghiên cứu và phát triển những sản phẩm tiết kiệm điện nhiều nhất, ngoài ra Daikin cũng có những giải pháp để có thể giám sát hành vi người dùng, giảm thiểu sự lãng phí điện năng…
Nhấn mạnh thêm nội dung này, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho hay, công tác tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện đã được Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn và quán triệt với các địa phương để tổ chức thực hiện các hoạt động của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc các đối tượng sử dụng năng lượng tuân thủ nghiêm các quy định của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Những định hướng trên cho thấy, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP 26 (khẳng định lại tại COP 27) về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.../