Thông điệp ý nghĩa của Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM gửi đến tân tiến sĩ, thạc sĩ

Trong 190 người được trao bằng tại lễ tốt nghiệp Trường ĐH Luật TP.HCM đợt này, có 12 tiến sĩ, 178 thạc sĩ các chuyên ngành luật.

Sáng 16-6, Trường ĐH Luật TP.HCM đã tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng tiến sĩ, thạc sĩ luật năm 2024.

Theo đó, lễ tốt nghiệp này có 12 tiến sĩ và 178 thạc sĩ. Trong đó, đối với chương trình đào tạo thạc sĩ có 57 học viên tốt nghiệp ngành Luật dân sự và Tố tụng dân sự; 42 học viên ngành Luật hình sự và Tố tụng hình sự; 49 học viên Luật kinh tế; 27 học viên ngành Luật hiến pháp và Luật hành chính; 3 học viên ngành Luật quốc tế.

Đối với cấp bậc đào tạo tiến sĩ có ba nghiên cứu sinh tốt nghiệp chuyên ngành Luật hình sự và Tố tụng hình sự; hai nghiên cứu sinh tốt nghiệp chuyên ngành Luật hiến pháp và Luật hành chính; ba tốt nghiệp chuyên ngành Luật hình sự và Tố tụng hình sự; bốn nghiên cứu sinh tốt nghiệp chuyên ngành Luật Kinh tế.

Cũng tại buổi lễ, nhà trường đã khen thưởng cho năm học viên có thành tích cao trong học tập.

 Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM trao khen thưởng cho các học viên xuất sắc. Ảnh: PA

Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM trao khen thưởng cho các học viên xuất sắc. Ảnh: PA

Phát biểu tại buổi lễ, Tiến sĩ Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, chúc mừng 12 tiến sĩ và 178 thạc sĩ được nhận bằng tại buổi lễ tốt nghiệp lần này. Ông cho rằng kết quả này chính là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của cả học viên và đội ngũ giảng dạy trong quá trình đào tạo gian nan, vất vả vừa qua.

Cụ thể, đối với thạc sĩ, theo Tiến sĩ Sơn, hầu hết các học viên phải vừa đi làm, vừa đi học để theo đuổi việc học, nên gặp không ít khó khăn. Từ việc phải đáp ứng yêu cầu trình độ ngoại ngữ, hoàn thành tiêu chuẩn, yêu cầu của các môn học, đề án, luận văn để đạt được mục tiêu của chương trình đào tạo, nhận được một tấm bằng có giá trị nhất.

Trên thực tế, từ báo cáo của Phòng sau ĐH, có không ít học viên không thể theo học được và phải bỏ học giữa chừng. Trường cũng buộc phải giải quyết những hồ sơ học vụ theo đúng quy định để đảm bảo chất lượng đào tạo.

 Tiến sĩ Lê Trường Sơn. Ảnh: P.A

Tiến sĩ Lê Trường Sơn. Ảnh: P.A

Với quá trình học tiến sĩ gian nan gấp nhiều lần so với thạc sĩ, Tiến sĩ Sơn chia sẻ theo quy định, thời gian đào tạo bậc tiến sĩ là ba năm nhưng trong số 12 nghiên cứu sinh tốt nghiệp đợt này, người về đích sớm nhất là bốn năm, có những người phải mất cả 5 năm, 10 năm mới tốt nghiệp. Đó là sự nỗ lực, cố gắng vượt qua chính mình trong nghiên cứu và sự hỗ trợ không nhỏ của thầy cô giáo.

“Những tân tiến sĩ, thạc sĩ hãy tự hào về thành quả đạt được của mình. Lễ tốt nghiệp hôm nay là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của các anh chị. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, kiến thức sẽ không bao giờ là đủ, sự học không bao giờ có điểm dừng.

Tôi hi vọng các học viên nhận bằng hôm nay tiếp tục phát huy sự tự học, học tập suốt đời, vận dụng những gì đã học để thể hiện tốt vai trò, năng lực của mình vào công tác tại các đơn vị, cơ quan” – Tiến sĩ Sơn gửi gắm.

 Tiến sĩ Lê Trường Sơn trao bằng cho các tân tiến sĩ. Ảnh: PA

Tiến sĩ Lê Trường Sơn trao bằng cho các tân tiến sĩ. Ảnh: PA

 GS Đỗ Văn Đại, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM trao bằng cho các tân thạc sĩ. Ảnh: PA

GS Đỗ Văn Đại, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM trao bằng cho các tân thạc sĩ. Ảnh: PA

Thông tin từ Trường ĐH Luật TP.HCM, trường đã có 30 năm đào tạo trình độ thạc sĩ luật và 20 năm đào tạo trình độ tiến sĩ luật. Tính đến nay, trường đã có 37 khóa đào tạo thạc sĩ, ước tính có 5.576 học viên trúng tuyển và theo học. Số học viên tốt nghiệp và được cấp bằng thạc sĩ lên đến 3.803 học viên.

Đồng thời, trường cũng đã có 204 nghiên cứu sinh trúng tuyển và theo học tiến sĩ. Kết quả có 81 nghiên cứu sinh được công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ luật.

Tính riêng năm 2024, chỉ tiêu tuyển sinh sau ĐH của trường là 500 thạc sĩ và 50 tiến sĩ. Đáng chú ý, từ năm 2024 Trường ĐH Luật TP.HCM bắt đầu tuyển sinh đào tạo tiến sĩ ngành Luật quốc tế và thạc sĩ Luật quốc tế chuyên ngành Luật sở hữu trí tuệ.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thong-diep-y-nghia-cua-hieu-truong-truong-dh-luat-tphcm-gui-den-tan-tien-si-thac-si-post795906.html