Thông điệp ý nghĩa và hành trình tiếp bước của người Dầu khí

'Người dầu khí vẫn tự tin bước tiếp' – đó là thông điệp đầy ý nghĩa của đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

“Người dầu khí vẫn tự tin bước tiếp” – đó là thông điệp đầy ý nghĩa của đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nhân Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Thông điệp ấy đã trở thành kim chỉ nam trong mọi hoạt động của Tập đoàn hôm nay và mai sau.

Trí tuệ người Dầu khí, bản lĩnh người Dầu khí

Đồng chí Trần Sỹ Thanh khẳng định: Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, người lao động Dầu khí chưa bao giờ phải nếm trải những thời khắc khó khăn như giai đoạn 2015-2020, cũng là trọn vẹn một nhiệm kỳ của Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Đó là do tầm hoạt động dầu khí ngày càng hạn hẹp; Đó là do giá dầu suy giảm đến mức tiêu cực; Đó là do đại dịch bệnh Covid-19; Đó là do những cơ chế, chính sách đối với ngành Dầu khí đã không còn phù hợp, nhưng chậm được thay đổi; Và đó là do những thiếu sót chủ quan đã được tích tụ từ nhiều năm, nay mới bộc lộ.

Những khó khăn, thách thức đến với người lao động Dầu khí hết đợt này tới đợt khác và cũng chưa bao giờ lòng tự trọng của người Dầu khí bị tổn thương đến như vậy. Nhưng chúng ta đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh mà Đảng, Chính phủ giao cho. Chúng ta đã từng bước tái tạo văn hóa của người Dầu khí, lấy lại được niềm tin cho cán bộ, công nhân viên.

Có được những kết quả đó, đầu tiên chính là nhờ trí tuệ người Dầu khí, bản lĩnh người Dầu khí. Trí tuệ đó, bản lĩnh đó được hun đúc trong từng cán bộ, đảng viên Dầu khí và chính nó đã trở thành sức mạnh của Đảng bộ Tập đoàn, sức mạnh Petrovietnam. Chúng ta, mỗi đảng viên Dầu khí, người lao động Dầu khí chân chính đều có quyền tự hào về điều đó.

Bước vào giai đoạn 2020-2025, chúng ta đã nhìn thấy những thách thức sẽ phải đối mặt và chúng ta chấp nhận vượt qua những thách thức đó; và chỉ có đoàn kết, thương yêu lẫn nhau, lao động có kỷ cương, chuyên nghiệp thì mới vượt qua được.

Toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hãy tự hào về truyền thống tốt đẹp của những người đi tìm lửa; tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, định hướng phát triển của Tập đoàn, của từng đơn vị để tự tin đối phó với những thách thức có thể xảy ra và chúng ta phải xây dựng được lòng tự trọng nghề nghiệp và văn hóa dầu khí. Đảng, Chính phủ và nhân dân vẫn tin tưởng chúng ta và chúng ta sẽ phải phấn đấu hết sức mình để xứng đáng với niềm tin đó.

Có thể nói, quyết tâm đầy bản lĩnh này chính là tinh thần và ý chí quyết tâm vượt qua thử thách của tập thể người dầu khí. Người lao động dầu khí luôn ý thức rằng, thương hiệu PVN gắn với thương hiệu quốc gia, lợi ích của PVN là lợi ích của đất nước. Điều đó thể hiện rất rõ bằng hành động chứ không chỉ là những lời tuyên thệ chung chung.

Trong giai đoạn khó khăn nhất của ngành Dầu khí gần đây, tập thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động dầu khí luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Các sản phẩm của PVN là dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm... đóng vai trò chủ lực với tỷ trọng lớn góp phần rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, luôn phát huy vai trò là trụ cột, “đầu tàu” của nền kinh tế đất nước.

Bên cạnh phát triển kinh tế, PVN góp phần rất tích cực trong việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Ðông.

PVN luôn chú trọng công tác an sinh xã hội, xây dựng văn hóa doanh nghiệp... Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 đã được tổ chức thành công tại Hà Nội vừa qua cũng khẳng định một tập thể đoàn kết, đồng lòng và có lẽ đó cũng chính là “chìa khóa vạn năng” giúp Tập đoàn vượt qua gian khó.

“Vượt sóng cả” không “ngã tay chèo”

Thực tế minh chứng, trong hoàn cảnh bất thường càng tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ của người Dầu khí. Giai đoạn 2015 - 2020, là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử của ngành Dầu khí Việt Nam; trong công tác lãnh đạo, Đảng bộ Tập đoàn phải đối diện với thách thức rất lớn, giá dầu thô liên tiếp giảm sâu và giữ ở mức thấp, tình hình Biển Đông phức tạp, cạnh tranh thương mại, biến đổi khí hậu, đặc biệt là “khủng hoảng kép” do giá dầu giảm sâu và dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã tác động trực tiếp đến mọi mặt hoạt động của Tập đoàn.

Những rủi ro, thách thức phải đối mặt ngày càng nhiều, trong khi những thuận lợi ít đi. Song, không vì những khó khăn, thất bại mà nản lòng, tập thể cán bộ, người lao động Dầu khí đã kiên định, kiên trì với mục tiêu phát triển, luôn cầu thị, thẳng thắn nhìn vào những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém, rút ra bài học kinh nghiệm để vươn lên, khẳng định bản lĩnh, ý chí, vững vàng chèo lái “con tàu” dầu khí vượt qua những cơn sóng dữ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, tiếp tục tạo dựng nền tảng vững chắc để tiến bước đi lên trong giai đoạn phát triển mới.

Trên tinh thần đó, Tập đoàn tiếp tục duy trì nhịp độ phát triển, xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị từ khâu tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; chế biến, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí và dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn là dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… với tỷ trọng lớn, góp phần rất quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia. Thông qua công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa đã huy động thêm các nguồn lực từ doanh nghiệp nước ngoài, tư nhân để phát triển Tập đoàn… Các doanh nghiệp thành viên trong Tập đoàn đã nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế.

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Mặc dù trong bối cảnh ảm đạm chung của nền kinh tế nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là sự suy giảm nặng nề của ngành công nghiệp dầu khí toàn cầu, nhưng nhờ kịp thời xây dựng và thực hiện 5 nhóm giải pháp tổng thể, chi tiết cho 5 lĩnh vực hoạt động và trọng tâm cho 3 lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tình hình SXKD của PVN đã có những điểm sáng so với nhiều Tập đoàn/Công ty Dầu khí hàng đầu thế giới”.

Theo đó, 7 tháng đầu năm 2020, trong khi các Tập đoàn, Công ty Dầu khí hàng đầu thế giới lâm cảnh thua lỗ từ 1,6 – 21 tỷ USD, buộc phải giảm quy mô hoạt động, cắt giảm nhân sự... thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả Gói giải pháp ứng phó với “khủng hoảng kép”, vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất, đảm bảo cung ứng các mặt hàng chiến lược như khí, điện, đạm, xăng dầu... cho nền kinh tế, đạt lợi nhuận hơn 10 ngàn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 38 ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, tổng sản lượng khai thác quy dầu tháng 7 đạt 1,78 triệu tấn quy dầu, vượt 12% kế hoạch tháng, tính chung 7 tháng đạt 12,52 triệu tấn quy dầu, vượt 625 nghìn tấn quy dầu (vượt 5,3%) kế hoạch 7 tháng và bằng 61,5% kế hoạch năm. Sản xuất điện tháng 7 đạt 1,85 tỷ kWh, vượt 2,7% kế hoạch tháng; tính chung 7 tháng đạt 12,75 tỷ kWh, bằng 99,3% kế hoạch 7 tháng và bằng 59% kế hoạch năm. Sản xuất đạm tháng 7 đạt 153 nghìn tấn, vượt 6,4% kế hoạch tháng, tính chung 7 tháng đạt 1,06 triệu tấn, vượt 66 nghìn tấn (vượt 6,7%) kế hoạch 7 tháng và bằng 67,7% kế hoạch năm. Sản xuất xăng dầu toàn Tập đoàn tháng 7 đạt 969,2 nghìn tấn, bằng 87,6% kế hoạch tháng; tính chung 7 tháng đạt 7,37 triệu tấn, bằng 95% kế hoạch 7 tháng và bằng 62,4% kế hoạch năm.

Điểm sáng trong công tác đầu tư của Tập đoàn trong tháng 7/2020 phải kể đến trong lĩnh vực Thăm dò khai thác là khẳng định được trữ lượng lớn dầu khí tại Lô 114. Sự kiện này được đánh giá sẽ mở ra cơ hội thu hút đầu tư và phát triển Tập đoàn trong các lĩnh vực từ Khai thác, chế biến, công nghiệp điện khí, đến dịch vụ dầu khí trong giai đoạn tới.

Một điểm sáng nữa trong lĩnh vực Công nghiệp điện là ngày 10/7/2020 đã đóng điện thành công Sân phân phối Trung tâm nhiệt điện Sông Hậu, ký hợp đồng thuê quản lý vận hành với Tổng Công ty Truyền tải điện Việt Nam (EVNNPT) và ngày 28/7/2020, đã đốt lửa lần đầu bằng dầu thành công Tổ máy số 1 Dự án NMNĐ Sông Hậu 1.

Với những kết quả khả quan từ sản xuất kinh doanh, mặc dù giá dầu trung bình 7 tháng đầu năm 2020 của Tập đoàn là 44 USD/thùng, bằng 73% giá dầu kế hoạch năm 2020 (60 USD/thùng), nhưng kết quả tài chính của PVN có nhiều kết quả tích cực. Doanh thu toàn Tập đoàn trong 7 tháng đầu năm đạt 327.798 tỷ đồng.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát, PVN sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng có thể nói, với truyền thống của những người đi tìm lửa, tin tưởng rằng, trong khó khăn càng tôi rèn ý chí nỗ lực và quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm và xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững.

Hà Vân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thong-diep-y-nghia-va-hanh-trinh-tiep-buoc-cua-nguoi-dau-khi-post92350.html