Thống đốc California đối mặt cuộc 'bỏ phiếu phế truất'
Thống đốc California Gavin Newsom sắp đối mặt cuộc bỏ phiếu đặc biệt do cử tri tiến hành. Nếu thất bại, ông sẽ phải rời chức vụ của mình chỉ hơn 2 năm sau ngày nhậm chức.
Cử tri California sẽ định đoạt tương lai chính trị của Thống đốc Gavin Newsom trong cuộc "bỏ phiếu phế truất" (recall election) đặc biệt sắp được tổ chức vào ngày 14/9 (giờ địa phương).
Trong lịch sử nước Mỹ trước đây, chỉ mới 3 thống đốc phải đối mặt cuộc bỏ phiếu đặc biệt này, và duy nhất một người mất chức. Đó là trường hợp của Thống đốc Gray Davis bị bãi nhiệm năm 2003, nhường chỗ cho diễn viên ngôi sao phim hành động Arnold Schwarzenegger.
Những tháng gần đây, một số cuộc bỏ phiếu phế truất được tổ chức tại Mỹ nhằm loại bỏ các quan chức chính phủ, thu hút sự chú ý của cử tri, theo báo Economist.
Bỏ phiếu phế truất là gì?
Thủ tục bỏ phiếu phế truất ra đời trong "kỷ nguyên cấp tiến" đầu thế kỷ 20 tại Mỹ. Khi đó, thủ tục này được xem như công cụ để cử tri giành được thế cân bằng trước ảnh hưởng của các đại doanh nghiệp đối với quan chức chính phủ, đặc biệt là tập đoàn đường sắt Southern Pacific Railroad.
Năm 1908, Oregon là tiểu bang đầu tiên chấp nhận thủ tục này, cho phép cử tri trực tiếp phế truất các quan chức chính phủ. Ba năm sau, California tiếp bước Oregon. Đến nay, 41 tiểu bang tại Mỹ cho phép cử tri bỏ phiếu phế truất các quan chức chính quyền.
Để kích hoạt thủ tục bỏ phiếu, phe chỉ trích cần nộp đơn kiến nghị nêu rõ vì sao họ muốn bãi nhiệm quan chức chính quyền, đồng thời thu thập đủ số lượng chữ ký nhất định trong khoảng thời gian cho phép.
Tại California, số chữ ký yêu cầu tối thiểu là 12% số cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử trước đó. Con số này có thể khác nhau ở từng bang.
Đa phần các nỗ lực phế truất quan chức đương nhiệm thông qua bỏ phiếu thất bại. Nhưng một khi kiến nghị được chấp thuận và bỏ phiếu được tiến hành, 2/3 số cuộc bỏ phiếu dẫn tới kết quả là chính trị gia bị bãi nhiệm hoặc chủ động từ chức.
Trong cuộc bỏ phiếu tới đây, cử tri California sẽ đối mặt 2 câu hỏi. Một là họ có muốn phế truất Thống đốc Newsom hay không. Nếu đa số cử tri nói "Có", ông Newsom sẽ mất chức.
Câu hỏi thứ 2, hóc búa và quan trọng hơn, là ai sẽ kế nhiệm ông Newsom.
Hiện nay, hơn 40 ứng viên nhăm nhe chiếc ghế thống đốc bang California, đa phần là người phe Cộng hòa. Ứng viên giành được nhiều phiếu bầu nhất sẽ chiến thắng.
Tuy nhiên, một số người đặt câu hỏi về tính công bằng của hệ thống bỏ phiếu phế truất. Ví dụ, ông Newsom có thể sẽ bị bãi nhiệm nếu chỉ nhận được 49% số phiếu ủng hộ của cử tri. Nhưng trong số 40 ứng viên kia, người thay thế ông thậm chí có khả năng còn nhận ít phiếu ủng hộ hơn.
Điều này có thể tạo ra một vấn đề về tính chính danh của người sẽ kế nhiệm Thống đốc Newsom, theo ông Ken Miller, giáo sư Đại học Claremont McKenna.
"Cửa hậu" cho phe Cộng hòa giành ghế?
Nếu ông Newsom bị loại bỏ, người kế nhiệm sẽ giữ chức thống đốc California trong nhiệm kỳ còn lại của ông này, kết thúc vào tháng 1/2023.
Theo thăm dò của FiveThirtyEight, 56% cử tri được hỏi phản đối việc phế truất ông Newsom. Tuy nhiên, giống như các cuộc thăm dò dư luận vài năm qua, kết quả thăm dò thường không phản ánh chính xác quan điểm của cử tri.
Bất kể chuyện gì sẽ xảy ra với ghế của ông Thống đốc Newsom, cơ quan lập pháp tiểu bang California nhiều khả năng sẽ xem xét lại quy định về thủ tục bỏ phiếu phế truất. Một trong các sửa đổi có thể được đề nghị là tăng số chữ ký tối thiểu cần thiết để kích hoạt thủ tục bỏ phiếu. Thay đổi như vậy sẽ đòi hỏi sửa đổi hiến pháp tiểu bang.
Một số người cho rằng phe Cộng hòa đang lạm dụng quy trình phế truất nhằm giành được ghế thống đốc tiểu bang, bởi họ không thể chiến thắng thông qua các cuộc bỏ phiếu thông thường.
Tại California, cử tri Dân chủ nhiều gấp đôi so với cử tri Cộng hòa. Phe Cộng hòa không thể chiến thắng bất cứ cuộc bầu cử cấp tiểu bang nào kể từ năm 2006.
Trong những tháng trước mắt, những cuộc bỏ phiếu phế truất quan chức chính quyền nhiều khả năng tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận. Nhờ sự phát triển của công nghệ, việc thu thập và xác minh chữ ký đã dễ dàng hơn rất nhiều.
Cùng với đó, những biện pháp phong tỏa do Covid-19 khiến cử tri càng thêm bất mãn.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, hơn 500 đơn kiến nghị phế truất quan chức chính quyền được nộp, nhiều hơn 15% so với cả năm 2019.
Các quan chức trong ngành giáo dục là đối tượng bị nhắm đến nhiều nhất do các biện pháp hạn chế liên quan tới đeo khẩu trang, đóng cửa trường học. Khoảng 180 đơn kiến nghị bãi nhiệm nhắm đến đối tượng này, gấp 3 lần năm 2019. Nói cách khác, cử tri bất mãn nhắm vào quan chức giáo dục ở mọi cấp độ.