Thong dong Kon Plông

Khi cái nắng chớm hè xuất hiện, từ thành phố Đà Nẵng, chúng tôi rủ nhau vượt đèo Lò Xo lên huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum như thể níu kéo thêm chút không khí lạnh của mùa xuân nơi cao nguyên lộng gió. Được ví là 'Đà Lạt thứ hai' của Tây Nguyên, Măng Đen cuốn hút tôi không chỉ không khí mát mẻ, dễ chịu mà còn bởi cái tên nghe thật lạ. Vẻ đẹp nơi đây tuy không khiến người ta phải trầm trồ nhưng cũng đủ mộng mơ và bí ẩn để khám phá.

Măng Đen - đơn sơ mà bí ẩn

Thị trấn Măng Đen đón chúng tôi bằng không khí trong lành kèm một ít gió thổi ngược từ phía núi lạnh buốt vào sáng sớm. Trong chuyến xe đi cùng, một chị hành khách vừa trở lại Măng Đen sau khi ăn Tết ở quê từ Hà Tĩnh vào cho biết, mùa này thời tiết Măng Đen khá lý tưởng. Đây là thời điểm các loại hoa rừng, lan rừng, hoa sim bắt đầu khoe sắc.

Chỉ cần chạy xe máy lòng vòng quanh thị trấn, chúng tôi cũng có thể ngắm các loài đua nhau nở cùng những rặng thông xanh ngắt và hít hà mùi nhựa thông ngai ngái trong không khí mát lạnh. Tuy là thị trấn nhỏ mới phát triển trong những năm gần đây nhưng Măng Đen đã hình thành nhiều ngôi nhà biệt thự san sát dưới những đồi thông khiến chúng tôi cứ ngỡ như đang ở Đà Lạt.

Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo nhìn từ trên cao.

Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo nhìn từ trên cao.

Theo người dân địa phương, tên gọi Măng Đen xuất phát từ cách người Kinh gọi chệch từ Tmang deeng - trong tiếng MNông có nghĩa là “vùng đất rộng lớn, bằng phẳng”. Với hơn 80% diện tích là rừng nguyên sinh lại nằm ở độ cao khoảng 1.000 - 1.300m so với mặt nước biển, thị trấn Măng Đen luôn giữ nhiệt độ trung bình quanh năm từ 18 đến 24 độ C, bốn mùa bao phủ sương mây.

Không chỉ có không khí trong lành và mát mẻ, Măng Đen còn có nhiều hồ và thác đẹp. Có lẽ vì vậy mà người dân gọi nơi đây gọi là mảnh đất “bảy hồ, ba thác” gắn liền với truyền thuyết thần Pling. Bảy hồ nước đó là: Toong Ly Leng, Toong Ziu, Toong Zơ Ri, Toong Săng, Toong Pô, Toong Đam và Đak Ke; và ba ngọn thác là thác Pa Sỹ, Đak Ke và Đak Pne. Trong đó, thác Pa Sỹ được hình thành từ 3 ngọn suối lớn nhất ở Măng Đen nên được gọi là Pau Suh, theo tiếng dân tộc, Rơ Măm có nghĩa là 3 nguồn suối chụm lại thành một dòng. Sau này tên thác được đọc chệch đi thành Pa Sỹ.

Hiện thác Pa Sỹ nằm trong Khu du lịch sinh thái văn hóa thác Pa Sỹ, được ví như một khu vườn địa đàng với vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc tựa tâm hồn của người thiếu nữ vùng cao. Đây là điểm đến lý tưởng cho những tín đồ mê xê dịch và thích khám phá. Ngoài ra, Măng Đen còn có nhiều điểm tham quan thú vị khác như Quảng trường Măng Đen, Đức Mẹ Măng Đen, điểm săn mây Kon Plông, khu chợ phiên...

Khi đêm xuống, núi rừng bao phủ một lớp sương dày, đó cũng là lúc thích hợp để chúng tôi ngồi bên nhau trong những chiếc lều lúp xúp dưới những đồi thông, thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị núi rừng Tây Nguyên. Mặc dù cơm Lam là món ăn khá phổ biến của hầu hết đồng bào dân tộc nhưng cơm Lam vùng Kon Plông lại có hương thơm, dẻo, bùi của gạo nếp rẫy ngâm lẫn với lá dứa nên ăn không cảm thấy ngán.

Đặc biệt, cơm Lam sẽ ngon hơn khi ăn kèm với gà nướng Măng Đen. Thịt gà được tẩm ướp gia vị từ một số loài rễ, lá, mật ong và cây rừng Kon Tum tạo nên hương vị đặc trưng. Khi thưởng thức, chúng tôi chỉ cần chấm thêm muối tiêu hoặc muối hột lớn với ớt cay hay lá bét (một loại lá rừng ngọt với vị béo ngậy) là có thể nhâm nhi hết một chai rượu thuốc.

Nếu không hợp với thịt gà, du khách cũng có thể chọn món heo quay Măng Đen được quay trên bếp lửa than thơm giòn. Loại heo này được người dân địa phương thuần hóa và nuôi dưỡng bằng nguồn thức ăn tự nhiên của núi rừng nên thịt săn chắc và bổ dưỡng. Ngoài ra, Măng Đen còn có các món dân dã khác như cà đắng, măng chua rừng, bắp chuối rừng, thịt trâu nướng, thịt trâu khô…

Đậm đà bản sắc văn hóa Xơ Đăng

Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, muốn khám phá văn hóa đặc sắc của đồng bào nơi đây thì không thể không đến làng Vi Rơ Ngheo thuộc xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông. Từ thị trấn Măng Đen, chúng tôi vượt hơn 40km, làng Vi Rơ Ngheo hiện ra giữa thung lũng yên bình. Nhờ lưu giữ những nét đặc trưng riêng về kiến trúc của một ngôi làng người Xơ Đăng cùng với những giá trị đặc sắc văn hóa truyền thống đã tạo nên điểm nhấn du lịch sinh thái của làng.

Du khách chụp ảnh check-in bên thác Pa Sỹ.

Du khách chụp ảnh check-in bên thác Pa Sỹ.

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào làng Vi Rơ Ngheo với tôi là cảm giác gần giống với những bản du lịch cộng đồng ở Tây Bắc. Làng Vi Rơ Ngheo chủ yếu là người Xơ Đăng với 63 hộ dân, khoảng 270 nhân khẩu. Tuy là làng du lịch cộng đồng nhưng Vi Rơ Ngheo vẫn còn giữ được nét hoang sơ, mộc mạc của đồng bào Xơ Đăng. Những cổng nhà được dựng lên bằng gỗ, trên cổng gỗ hay hàng rào được trang trí bởi những giò phong lan bản địa. Đường đi lối lại được quét dọn sạch sẽ và ngăn nắp. Những chiếc sọt rác cũng được đan bằng tre thân thiện với môi trường. Đặc biệt, những cánh đồng lúa xen kẽ những ngôi nhà sàn truyền thống, cùng với nét văn hóa nguyên sơ được cộng đồng dân cư gìn giữ tạo ra khung cảnh tuyệt đẹp cho một ngôi làng nằm giữa núi rừng Tây Nguyên.

Bao quanh làng là những cánh rừng với hệ động, thực vật phong phú cùng hệ thống suối đá, thác, hồ, ruộng… chằng chịt. Những ngọn đồi mang vẻ đẹp tiềm ẩn của rừng thông 5 lá, rừng nguyên sinh và những đồi hoa đỗ quyên, hoa sim và hoa mua rực rỡ. Từ tháng 12 đến tháng 3 là mùa hoa đỗ quyên, hoa địa lan phủ khắp các ngọn núi. Đặc biệt, nơi đây được xem là “thiên đường” của hoa địa lan với một đồi lan bản địa và hoa được người dân trồng trên các bờ rào, cổng nhà. Hiện nay, cả làng Vi Rơ Ngheo trồng được khoảng 1.000 chậu hoa lan. Nếu đến Vi Rơ Ngheo vào những ngày đầu tháng 7, du khách còn được ngửi mùi thơm của lúa hòa quyện với mùi của núi rừng, phảng phất trong sự bình yên của buôn làng.

Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc sương núi tràn về khiến làng Vi Rơ Ngheo bồng bềnh trong màn sương như chốn bồng lai. Những nếp nhà sàn cổ đơn sơ, mộc mạc nằm ẩn mình dưới thung lũng. Đặc biệt, sự hồn nhiên là nét đẹp rất cuốn hút của trẻ em làng Vi Rơ Ngheo. Sau bữa tối, chúng tôi quây quần bên bếp lửa le lói giữa tiết trời se lạnh của núi rừng để trò chuyện về sự tích lập làng cùng người dân bản địa bên cốc chè ấm nóng.

Người Xơ Đăng nơi đây khá hiền lành, mộc mạc và thân thiện. Họ chủ động bắt chuyện để giúp đỡ khi thấy khách đến làng. Chị em phụ nữ trong làng quây quần bên nhau nhóm lửa nướng cơm lam và nấu thức ăn để đón khách. Với nhiều loại hình du lịch đặc thù như: Du lịch văn hóa, sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng, làng Vi Rơ Ngheo hiện được xem là ngôi làng nguyên sơ, trong lành và sạch đẹp nhất tỉnh Kon Tum.

Sau hơn 3 năm thực hiện xây dựng làng Vi Rơ Ngheo trở thành làng du lịch cộng đồng, vào ngày 7/4/2023, làng Vi Rơ Ngheo được UBND tỉnh Kon Tum quyết định “Công nhận điểm du lịch: Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo”. Đây là làng du lịch cộng đồng thứ hai của huyện Kon Plông, sau làng du lịch cộng đồng Kon Pring. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra các làng du lịch “vệ tinh” cho thị trấn Măng Đen, từ đó đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm cho du khách, đồng thời tạo không gian kết nối giữa các làng du lịch cộng đồng của các dân tộc thiểu số bản địa.

Với việc thực hiện tốt 3 tiêu chí “Nâng cao đời sống - Cải thiện môi trường - Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương”, từ khi xây dựng làng du lịch cộng đồng đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Xơ Đăng ở làng Vi Rơ Ngheo từng bước được cải thiện, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được giữ gìn đã tạo nên bản sắc riêng hấp dẫn du khách gần, xa tìm đến.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/thong-dong-kon-plong-i728067/