Thống kê số liệu du lịch cần sát thực tế

Sau một thời gian thực hiện các chính sách kích cầu du lịch sau đại dịch COVID-19, số liệu về du lịch 6 tháng đầu năm 2023 của nhiều địa phương cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành này. Tuy nhiên, liên quan đến những con số này, không ít doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch của chính địa phương đó đã phản ứng, cho rằng kết quả đạt được quá cao, không phản ánh đúng thực tế. Sự mâu thuẫn, không thống nhất giữa những người trong cuộc về số liệu thống kê cho thấy thiếu sự phối hợp của các đơn vị liên quan mà cụ thể là cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch.

Cách đây không lâu, tại buổi họp báo giới thiệu về chương trình du lịch hè 2023, ban tổ chức họp báo tỉnh Quảng Nam đã thông tin những con số khá ấn tượng về sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch địa phương. Đó là tỉnh đã đón 4,6 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu du lịch ước đạt 4.600 tỉ đồng, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn 10.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ngay khi kết quả vừa được công bố, nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch của địa phương đã không đồng tình, cho rằng số liệu trên thiếu thực tế vì doanh nghiệp lưu trú và lữ hành trên địa bàn đều đang rất ế ẩm, khó khăn.

Trước đó, số liệu về lượng khách du lịch tăng “khủng” ở một số địa phương trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 cũng khiến nhiều doanh nghiệp du lịch phản ứng. Doanh nghiệp đặt câu hỏi: cơ quan chức năng lấy đâu ra những con số cao như vậy trong khi doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đều đang rất khó khăn (?!).

Tại Quảng Trị, 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách du lịch đạt 1.191.630 lượt, tăng 54,1% so với cùng kỳ năm 2022; số lượt khách do các đơn vị lưu trú phục vụ ước đạt 438.822 lượt, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước, trong đó lượt khách lưu trú 298.700 lượt, tăng 3,5 lần. Doanh thu xã hội từ du lịch ước 1.002,4 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo các cơ sở kinh doanh du lịch (bao gồm lưu trú và dịch vụ nhà hàng) trên địa bàn tỉnh phần lớn vẫn còn khó khăn, lượng khách vẫn chưa như kỳ vọng (chủ yếu chỉ tăng trong tháng 7). Một chủ khách sạn 4 sao trên địa bàn tỉnh cho biết, công suất của khách sạn 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 38% - 39%, tăng 1% - 2% so với cùng kỳ năm 2022.

“Hơn 10 năm đưa vào hoạt động nhưng chưa bao giờ công suất phòng của khách sạn vượt quá 40%. Vì thế, số liệu về lượng khách lưu trú tăng gấp 3,5 lần so với năm trước cần phải xem lại.

Liệu ngành du lịch có cộng gộp số lượt khách đến tất cả các cơ sở lưu trú trên địa bàn? Nếu vậy, phải có phương pháp để loại trừ khách đặt phòng khách sạn, nhà nghỉ theo giờ chứ không thể tính đối tượng này vào lượng khách lưu trú du lịch”, chủ khách sạn này phân tích.

Cũng liên quan đến số liệu thống kê về khách du lịch, năm 2022, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã làm việc với một số sở, ngành, đơn vị liên quan để lấy ý kiến xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030.

Tại cuộc họp này, nhiều đề xuất hỗ trợ về du lịch được đưa ra, trong đó có chính sách khuyến khích doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch về Quảng Trị. Các ngành đề nghị thưởng 100 triệu đồng cho đơn vị lữ hành nào đưa được một lượng cụ thể khách ngoại tỉnh về tỉnh. Đối chiếu với tổng lượt khách du lịch đến Quảng Trị hằng năm thì tiêu chí về lượng khách mà ban tổ chức đưa ra sẽ có một số đơn vị lữ hành dễ dàng đạt được.

Tuy nhiên, doanh nghiệp du lịch đều cho rằng con số đó quá cao so với thực tế, khó có đơn vị lữ hành nào đạt được. Chính sách thưởng để khuyến khích đơn vị lữ hành dẫn khách về Quảng Trị được doanh nghiệp đồng tình ủng hộ nhưng cách tính lượng khách du lịch đến tỉnh giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp không thống nhất, có sự chênh lệch lớn nên không chốt được tiêu chí về “số lượng khách” mà đơn vị lữ hành cần đạt.

Cuối cùng Ban Văn hóa -Xã hội HĐND tỉnh yêu cầu các đơn vị tiếp tục xem xét, đối chiếu lại số liệu. Vì thế, đến nay tỉnh vẫn chưa thực hiện được chính sách này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, số liệu thống kê lượng khách du lịch của tỉnh đang được thực hiện là cộng lượt khách từ các điểm đến trong tỉnh. Cách thống kê này sử dụng đơn vị “lượt khách” chứ không phải “khách”. Ví dụ một người ngoại tỉnh đến Quảng Trị và đi đến 3 địa điểm trên địa bàn thì sẽ được tổng hợp lại thành “3 lượt khách”.

Chưa kể, số liệu thống kê còn tổng hợp từ phòng văn hóa cấp huyện, trong đó có lượng khách nội tỉnh đi tham quan, check-in một số điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn. Nếu cộng dồn “lượt khách” của các điểm đến mà không có phương pháp loại trừ thì tổng lượt khách du lịch hằng năm sẽ cao hơn nhiều so với thực tế, dẫn đến số liệu về tổng doanh thu du lịch cũng thiếu chính xác.

Không phủ nhận, sau đại dịch COVID-19, ngành du lịch đang từng bước được phục hồi nhưng sự bất đồng quan điểm về kết quả đạt được của ngành du lịch giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch một số địa phương cho thấy cách tính toán, thống kê số liệu trên lĩnh vực này còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Liên quan đến vấn đề này, đầu năm 2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở Du lịch cùng các địa phương trên toàn tỉnh thực hiện báo cáo chính xác về các đối tượng khách nhằm chấn chỉnh tình trạng công bố số liệu về du lịch thiếu thực tế ở địa phương.

Hiện nay, ngành du lịch vẫn chưa có bộ chỉ số, cách tính thống nhất trong toàn quốc để có số liệu một cách chính xác.

Vì thế, cơ quan quản lý du lịch địa phương cần có phương pháp kết hợp và tham khảo thông tin từ nhiều phía khi thu thập số liệu, nhất là số liệu nguồn từ doanh nghiệp hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực như kinh doanh lưu trú, dịch vụ lữ hành...

Đối với số liệu tổng lượt khách du lịch, bên cạnh việc tách riêng khách quốc tế, khách nội địa cần tách giữa khách tham quan nội tỉnh, khách du lịch chuyên ngành, khách lưu trú.

Cần có quy định để doanh nghiệp du lịch lớn trên địa bàn thực hiện báo cáo về lượt khách tham quan, lưu trú, thời gian lưu trú, sử dụng dịch vụ... định kỳ theo quý, năm để có cơ sở tính toán số liệu về doanh thu từ hoạt động du lịch sát hơn với thực tế.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII tiếp tục xác định mục tiêu trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để đạt được mục tiêu này rất cần những con số về tăng trưởng du lịch sát với thực tế, từ đó ngành chức năng của tỉnh mới có cơ sở đánh giá, dự báo và hoạch định chính sách để phát triển ngành công nghiệp không khói này đúng hướng.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/cung-ngam-nghi/thong-ke-so-lieu-du-lich-can-sat-thuc-te/179159.htm