Thông minh như Lọ Lem - nàng công chúa may mắn nhất Disney dạy chúng ta điều gì?
Lớn rồi nghĩ lại mới thấy Lọ Lem thông minh và may mắn nhất trong các nàng công chúa Disney. Người ta trầy vi tróc vảy mới có 'happy ending' còn Lọ Lem thì được giúp đỡ, cứu viện từ đầu đến cuối. Đôi khi chơi đúng luật chưa đủ, mà còn phải chơi thông minh, khoản này thì Lọ Lem đúng là sư phụ.
Điều gì làm nên thành công của Lọ Lem?
Bí mật của sự thành công của Lọ Lem nếu nói huỵch toẹt ra lại đơn giản đến ngỡ ngàng, nhưng không mấy ai làm được, hay đúng hơn là tận dụng được chúng. Đó chính là nàng... biết khóc và biết khóc với đúng người đúng lúc.
Ngoài ra, nàng còn có khả năng huy động ê-kíp rất tài tình. Lúc bị mẹ kế nhốt trong phòng tối, lập tức cả ê-kíp bạn bè nào chim, nào chuột quanh nhà đồng lòng đi tìm chìa khóa giải thoát cho cô, để rồi sau khi 2 bà chị loay hoay nhét chân muốn rướm máu vào chiếc hài pha lê thì nàng đĩnh đạc bước ra chứng minh ai mới là nữ hoàng thật sự.
Chúng ta từng mắng các công chúa Disney là bánh bèo vô dụng khi khóc để nhận được sự giúp đỡ và toàn lên ngôi vì nhờ ai đó đến cứu. Nhưng bạn cũng sẽ vô dụng không kém nếu có tồn tại của sự giúp đỡ mà bạn lại không nắm bắt lấy. Hãy học hỏi từ Lọ Lem và hiểu biết rõ ràng việc phải nói gì với ai, biết khi nào thì nói và nói ra sao để đạt hiệu quả cao nhất.
Lằn ranh mong manh giữa biết tận dụng ưu thế và đi đường tắt
Teen trường THPT chuyên P. từng rỉ tai nhau một truyền thuyết về hai nữ sinh tranh nhau suất học bổng của một trường danh giá ở Anh. Cả hai đều đạt điểm cao bằng nhau và kèn cựa đến từng số lẻ. Trong lúc chờ đợi và chuẩn bị cho cuộc thi vấn đáp để chọn ra người duy nhất đạt học bổng, một người cắm đầu cắm cổ học rất chăm để sẵn sàng cho vòng sát hạch cuối cùng, còn một người thì tự nhiên tò tò đi thi hoa khôi và đậu.
Đúng là nếu ngờ trước thì không phải là cuộc đời, cả hai đều trả lời phỏng vấn xuất sắc ngang nhau, nhưng rốt cuộc người được đến Anh du học chính là người có thành tích “hoa khôi nữ sinh” kèm trong bộ hồ sơ. Sau đó, mọi chuyện càng cay đắng hơn khi người ở lại biết được cuộc thi này cũng do bố của hoa khôi đứng ra tổ chức và là nhà tài trợ chính. Quá khó chấp nhận đúng không?
Nhưng thôi đừng nguyền rủa nàng hoa khôi “bố phong” nữa vì cũng không thay đổi được gì, mà quan trọng hơn là nhìn nhận bài học đắt giá được giấu sau câu chuyện. Rõ ràng nàng hoa khôi đã là người biết rõ luật chơi hơn, ngoài chuyện học rất tanh tưởi rồi, nàng còn biết cách tận dụng khả năng của gia đình bồi thêm chiếc vương miện để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kết quả cuối cùng.
Đôi khi danh hiệu “đi lên bằng thực lực” lại là một cái bẫy khiến ta trở nên cứng nhắc và quên đi rằng trong mỗi cuộc tranh đua, thi đấu, ngoài cách chơi đúng luật vẫn còn cách chơi thông minh. Đó là tận dụng mọi lợi thế mà bạn có. Đừng hiểu lầm những việc như thế là ăn gian, nó không hề phạm luật hay gian lận, chỉ là chúng ta đang vận dụng luật chơi một cách thông minh. Nó là một lằn ranh mong manh giữa biết tận dụng ưu thế và đi đường tắt. Đây cũng là những kỹ năng mà trường học không dạy bạn một cách chính quy, nhưng luôn mắt nhắm mắt mở cho bạn tự học.
Nước mắt không phải lúc nào cũng có phép
Những Lọ Lem phiên bản lỗi thời hiện đại, nếu nói thẳng toẹt ra, thì chỉ biết bán than mải miết từ nơi này qua nơi khác. Dù cho qua bao nhiêu lần vật vựa khóc lóc, than vãn nhưng chẳng có phép màu nào xảy ra. Những người đó đã quên đi rằng những lời than thân trách phận ấy nếu không đến đúng lúc, đúng chỗ thì đừng mong bà tiên sẽ hiện ra và vẫy đũa phép nhiệm màu giúp đỡ.
Nếu trước đó Lọ Lem không nổ lực làm việc đến tối mịt thì chắc có khóc rả họng cũng chẳng ai hiện ra cho. Đừng cứ khóc và trách bà tiên bị điếc hay sao mà nghe thấy và giúp đỡ bạn, trong khi bản thân bạn không có bất cứ sự nổ lực, phấn đấu nào.
Vâng, không phải lúc nào nước mắt cũng có phép. Khi bạn chỉ biết khóc mà chưa từng tự hành động để cứu lấy mình thì đừng mong có phép lạ. Đừng khóc một mình, cũng đừng khóc giữa chợ, chỉ khóc sau khi bạn đã thực sự cố gắng và khóc trước một người thực sự có năng lực giải quyết vấn đề.