Thống Nhất: Bảo tồn giá trị văn hóa trang phục dân tộc Sán ChỉTin khácPhát huy vai trò công tác tuyên giáo, tạo đồng thuận xã hôịSáng mãi truyền thống 'uống nước nhớ nguồn'
Xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình là một trong những nơi có cộng đồng người Sán Chỉ cư trú đông đúc nhất tỉnh Lạng Sơn. Hiện xã có hơn 1.600 người dân tộc Sán Chỉ, chiếm khoảng 22,8% dân số toàn xã. Quá trình định cư tại đây, người Sán Chỉ luôn có ý thức giữ gìn bản sắc của dân tộc mình. Một trong những nét văn hóa đặc sắc đó là trang phục truyền thống dân tộc.
Không rực rỡ, cầu kỳ như trang phục truyền thống của người Dao, người Mông…, trang phục của người Sán Chỉ có phần mộc mạc nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp riêng, độc đáo, mang một vẻ đẹp thuần khiết và bình dị với màu sắc chủ đạo là màu chàm đen được tạo nên từ bàn tay cần cù, khéo léo, mỹ cảm tinh tế của người phụ nữ Sán Chỉ.
Bà Hoàng Thị Giáp, người làm trang phục Sán Chỉ tại thôn Hán Sài, xã Thống Nhất cho biết: Theo phong tục của dân tộc Sán Chỉ trước đây, tất cả phụ nữ đều phải biết tự may bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Các cô gái khi đi lấy chồng phải mang theo những bộ quần áo thật đẹp, may thật khéo để mang về nhà chồng làm của hồi môn. Vì vậy, ngay từ khi mới 7 đến 8 tuổi, các bé gái đã được bà, mẹ cho làm quen với cây kim, sợi chỉ. Bộ trang phục của người Sán Chỉ kiểu cách khá đơn giản, không cầu kỳ mà thiên về tạo dáng. Vì được làm hoàn toàn bằng thủ công nên để làm một bộ quần áo, chúng tôi phải mất từ 3 đến 5 ngày.
Quần của phụ nữ Sán Chỉ được cắt theo kiểu chân què, đũng chéo, dài tới mắt cá chân. Áo đi theo cặp gồm áo trong là loại áo cánh ngắn 4 thân xẻ ngực; bên ngoài là áo chàm 5 thân dài quá đầu gối, chiết eo, gần giống áo của phụ nữ Tày nhưng không dùng thắt lưng. Khi mặc trang phục truyền thống, họ phải vấn tóc, đội khăn vuông bên ngoài. Khăn được may bằng vải chàm đen, thêu ở 4 góc. Họ thường đeo túi (thông) màu trắng, tết bằng sợi. Đồ trang sức gồm vòng tay, vòng cổ, hoa tai được làm bằng bạc.
Trang phục nam dân tộc Sán Chỉ cũng rất mộc mạc nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp khỏe khoắn. Áo nam là loại áo cánh ngắn tứ thân, hai bên nẹp áo đính hàng cúc vải gồm 5 khuy, áo có hai túi nhỏ ở hai bên vạt trước. Quần nam dài đến mắt cá chân, cạp rộng bản, được làm từ một miếng vải trắng may đính vào thân quần. Đũng và ống quần rộng để thuận lợi cho việc leo núi đồi.
Ngày nay, do ảnh hưởng của đời sống xã hội hiện đại, trang phục truyền thống dần vắng bóng trong đời sống hằng ngày của người Sán Chỉ, người mặc phần lớn là những người ở độ tuổi trung niên. Lớp trẻ thường sử dụng trang phục may sẵn ở chợ. Số lượng người am hiểu cắt may trang phục ngày càng ít đi. Việc bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống vì thế cũng gặp không ít khó khăn.
Xác định việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có giữ gìn trang phục truyền thống phải bắt đầu từ thế hệ trẻ, những năm gần đây, chính quyền và người dân trong xã Thống Nhất đã quan tâm, chú trọng khôi phục lại nét đẹp truyền thống trang phục dân tộc. Ông La Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất cho biết: Chính quyền, các tổ chức đoàn thể thường xuyên động viên, khuyến khích Nhân dân trong xã mặc trang phục truyền thống trong các dịp tết, cưới hỏi, lễ hội… Các trường học trên địa bàn xã đã xây dựng và tổ chức nhiều các hoạt động giáo dục như: động viên, khuyến khích học sinh mặc trang phục truyền thống đến trường vào ngày thứ 2 và thứ 6 trong tuần và các ngày lễ, sự kiện quan trọng của nhà trường; tổ chức cho học sinh đến nhà người cao tuổi để học cắt may trang phục dân tộc…
Thời gian qua, các cấp, ngành cũng tích cực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trang phục dân tộc Sán Chỉ để trang phục này không bị phai nhạt trong quá trình hòa nhập và phát triển của xã hội. Cụ thể, thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch (VHTT&DL), trong năm 2020, Sở VHTT&DL tỉnh đã tiến hành kiểm kê trang phục truyền thống trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó có trang phục người Sán Chỉ. Chính quyền xã Thống Nhất tích cực phối hợp với ngành chức năng thống kê, đánh giá thực trạng trang phục người Sán Chỉ ở xã, đồng thời tham gia đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy trang phục dân tộc. Về phía người dân xã Thống Nhất luôn tích cực gìn giữ, quảng bá nét đẹp trong bản sắc văn hóa của dân tộc mình bằng việc mặc trang phục vào các sự kiện, lễ, tết, đám cưới hỏi