Thống nhất cao về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV) vào sáng 11-6 trong chương trình Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhấn mạnh sự cần thiết ban hành luật, thay thế Pháp lệnh về LLDBĐV, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng LLDBĐV hùng hậu, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đặt ra từ thực tiễn.

Đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, đại biểu Nguyễn Sỹ Hội (đoàn Nghệ An) cho biết, cơ quan soạn thảo đã tổ chức hội thảo chuyên ngành; lấy ý kiến của các đơn vị cơ sở từng thực hiện nhiệm vụ theo Pháp lệnh về LLDBĐV, cung cấp tài liệu đầy đủ cho ĐBQH. Đại biểu Nguyễn Sỹ Hội cho rằng, để xây dựng quân đội nói chung, lực lượng dự bị nói riêng thì dự thảo luật phải đáp ứng nhiều yếu tố, trong đó, có hai yếu tố cơ bản cần quán triệt nghiêm túc, đó là phải kế thừa nghệ thuật quân sự Việt Nam và đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh phi truyền thống, quy luật của các cuộc chiến tranh gần đây.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (đoàn An Giang) nhấn mạnh đến việc cần thiết phải quy định về phương tiện kỹ thuật trong dự thảo luật. Đại biểu nêu rõ, trong mối quan hệ giữa Luật Quốc phòng và Luật LLDBĐV, Luật Quốc phòng là luật quy định chung, còn Luật LLDBĐV để triển khai tinh thần của Luật Quốc phòng. Luật Quốc phòng đã có quy định về tổng động viên, động viên cục bộ và quy định về thiết quân luật. Theo đó, khi tổng động viên và động viên cục bộ, quân đội, lực lượng thường trực được bổ sung phương tiện kỹ thuật và khi thiết quân luật thì quân đội quản lý đất nước ở địa bàn thiết quân luật được huy động phương tiện kỹ thuật từ nơi động viên. Bên cạnh đó, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản đã có quy định là khi cần thiết, chủ tịch UBND cấp tỉnh trở lên có quyền trưng mua, trưng dụng tài sản phục vụ cho quốc phòng, an ninh. “Từ những căn cứ pháp luật này cùng với thực tiễn chiến tranh Việt Nam và thực tiễn xử lý một số tình huống trong xã hội vừa qua, việc dự thảo Luật LLDBĐV quy định về huy động, bổ sung phương tiện kỹ thuật quân sự trong trường hợp cần thiết là hoàn toàn có lý, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh” , đại biểu Nguyễn Mai Bộ bày tỏ.

Nhiều ý kiến ĐBQH quan tâm đến quy định về tỷ lệ duy trì đủ quân số, số lượng dự phòng của đơn vị dự bị động viên (DBĐV). Đại biểu Phạm Thành Tâm (đoàn Hậu Giang) tán thành với quy định của dự thảo luật, theo đó, đơn vị DBĐV duy trì đủ quân số, có số lượng dự phòng từ 10% đến 15%. Đây là tỷ lệ cần thiết để bảo đảm tính chủ động khi huy động lực lượng theo chỉ tiêu được giao. Quân nhân dự bị cơ bản là lực lượng lao động chính trong gia đình, làm việc xa nhà hoặc những lý do đặc biệt khác nên không đủ số lượng khi thực hiện huy động. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, việc huy động số lượng dự phòng đối với các đơn vị DBĐV giúp kịp thời sắp xếp, huy động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống.

Giải đáp rõ ràng, chặt chẽ, khoa học những vấn đề đại biểu nêu

 Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu làm rõ một số vấn đề về dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên. Ảnh: QUANG KHÁNH.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu làm rõ một số vấn đề về dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên. Ảnh: QUANG KHÁNH.

Phát biểu làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, đầy trách nhiệm của các ĐBQH thảo luận ở tổ và hội trường. Tiếp thu, giải trình, làm rõ một số nội dung cơ bản về dự thảo luật, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nêu rõ: Về tên gọi Luật LLDBĐV, một số ý kiến ĐBQH đề nghị cân nhắc sửa thành Luật DBĐV hoặc Luật Quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật, vì LLDBĐV là con người, chưa bao gồm về phương tiện kỹ thuật. Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Điều 66 Hiến pháp quy định, Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, LLDBĐV hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt cho nhiệm vụ quốc phòng. Luật Quốc phòng cũng có quy định, QĐND là lực lượng nòng cốt của LLVT nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng bao gồm lực lượng thường trực và LLDBĐV. Điều 2 Pháp lệnh về LLDBĐV quy định, LLDBĐV bao gồm quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật đã xếp trong kế hoạch bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội. “Trong thực tiễn hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về LLDBĐV, các đơn vị, địa phương không có vướng mắc gì về tên gọi. Vì vậy, Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên tên gọi như dự thảo”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của LLDBĐV vào dự thảo luật. Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, LLDBĐV là một thành phần của quân đội, vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của lực lượng này thống nhất với vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của quân đội đã được quy định tại Điều 66 Hiến pháp năm 2013. Tại Khoản 2, Điều 25 Luật Quốc phòng quy định QĐND có nhiệm vụ, chức năng sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công tác vận động quần chúng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lao động sản xuất kết hợp quốc phòng với kinh tế-xã hội, tham gia phòng thủ dân sự, cùng toàn dân xây dựng đất nước, thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Vì vậy, Bộ Quốc phòng đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo.

Liên quan đến tỷ lệ dự phòng từ 10% đến 15% theo quy định tại dự thảo luật, theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, quy định này kế thừa Điều 11 Pháp lệnh về LLDBĐV và luật hóa Điều 10 Nghị định số 39/NĐ-CP ngày 28-4-1997 của Chính phủ, trong đó quy định quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật được sắp xếp vào đơn vị DBĐV phải có tỷ lệ dự phòng thích hợp. “Dự thảo luật xác định tỷ lệ dự phòng 10%-15% là cần thiết để bảo đảm tính chủ động cho các địa phương khi huy động theo chỉ tiêu được giao”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch bày tỏ. Bên cạnh đó, thực tiễn hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về LLDBĐV cho thấy việc quy định tỷ lệ dự phòng đối với đơn vị dự bị động viên 10%-15% là phù hợp.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng làm rõ về quy định thăng quân hàm, bổ nhiệm chức vụ đối với sĩ quan dự bị. Cụ thể, Điều 41 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam quy định thời hạn xét thăng quân hàm sĩ quan dự bị dài hơn hai năm so với sĩ quan tại ngũ ở mỗi cấp bậc quân hàm. Ví dụ thượng úy lên đại úy sĩ quan tại ngũ là 3 năm, sĩ quan dự bị là 5 năm. Bộ Quốc phòng chỉ tổ chức đơn vị DBĐV đến cấp trung đoàn, trong đó trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn là sĩ quan tại ngũ có cấp bậc quân hàm cao nhất là thượng tá, sĩ quan dự bị xác định xếp đến phó trung đoàn trưởng, quân hàm cao nhất là trung tá. Vì vậy, dự thảo Luật LLDBĐV quy định thống nhất với Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.

Đối với chế độ chính sách trong thực hiện luật, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, bảo đảm chế độ chính sách cho quân nhân dự bị và chủ phương tiện được huy động là nội dung quan trọng trong xây dựng, huy động LLDBĐV. Quân nhân dự bị được biên chế về các đơn vị DBĐV, được xây dựng huấn luyện, diễn tập và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu từ thời bình để bổ sung cho quân đội khi cần thiết. Việc quy định chế độ, chính sách cho xây dựng, huy động LLDBĐV tương xứng, phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng này là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, quy định bổ sung chế độ, chính sách, nhất là điều chỉnh phụ cấp của quân nhân dự bị theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, bù đắp sức khỏe cho quân nhân dự bị, bảo đảm thu nhập cho lao động LLDBĐV là cần thiết. Chế độ chính sách cụ thể cho LLDBĐV đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

 Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên. Ảnh: QUANG KHÁNH.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên. Ảnh: QUANG KHÁNH.

Một số ý kiến ĐBQH đề nghị đưa vào dự thảo luật quy định trung tâm huấn luyện DBĐV thuộc bộ đội địa phương. Về vấn đề này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đánh giá: Hiện cả nước có 24 trung tâm huấn luyện DBĐV ở cấp tỉnh. Những địa phương có trung tâm huấn luyện, việc tổ chức huấn luyện LLDBĐV đạt chất lượng tốt; những địa phương chưa có trung tâm, khi huấn luyện, diễn tập, LLDBĐV thường phải tận dụng doanh trại, thao trường của trung đoàn bộ binh, trường quân sự tỉnh hoặc vận dụng một số cơ sở khác nên chất lượng huấn luyện còn hạn chế. Nếu trong dự thảo luật quy định trung tâm huấn luyện, việc huấn luyện LLDBĐV sẽ thống nhất trong cả nước về quy mô, tổ chức thực hiện và nâng cao chất lượng LLDBĐV. Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề nghị Quốc hội cho tiếp thu và đưa vào dự thảo luật.

Ngoài ra, các ĐBQH cũng đóng góp cho dự thảo luật một số nội dung, như: Xây dựng cơ chế quản lý quân nhân dự bị và đăng ký quân nhân dự bị bằng công nghệ thông tin; mức độ xử lý, xử phạt; huy động phương tiện kỹ thuật; thẩm quyền huy động LLDBĐV, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch DBĐV... Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các cơ quan để nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH và chỉnh lý, bổ sung dự thảo luật theo quy định trước khi trình Quốc hội quyết định.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, các ý kiến ĐBQH đều tán thành sự cần thiết ban hành Luật LLDBĐV, nội dung dự thảo luật cơ bản phù hợp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát bổ sung, hoàn thiện nhằm giải quyết hài hòa, hợp lý giữa chủ trương xây dựng LLDBĐV hùng hậu nhưng phải tinh gọn trong tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả, tránh dàn trải nguồn lực. Việc xây dựng LLDBĐV phải bám sát tình hình đặc thù trong công tác xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, nhất là trong bối cảnh xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu trong điều kiện phát triển khoa học kỹ thuật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan hoàn chỉnh dự án luật, gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/thong-nhat-cao-ve-su-can-thiet-ban-hanh-luat-luc-luong-du-bi-dong-vien-576420