Thống nhất chuyển mục tiêu từ 'zero COVID-19' sang thích ứng an toàn với dịch

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID -19 và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu 'không có COVID' sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Sáng ngày 25-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 với hơn 10.000 xã, phường trên cả nước.

Chuyển mục tiêu từ “Zero COVID-19” sang thích ứng an toàn với dịch

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ: Sau gần hai năm chống dịch, chúng ta đã hiểu hơn về virus, có nhiều kinh nghiệm hơn. Các ý kiến tại cuộc họp cơ bản đồng tình với các báo cáo, đặc biệt là dự thảo hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với COVID-19, bổ sung một số ý kiến từ kinh nghiệm thực tiễn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: VGP

Qua cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Thủ tướng cũng nêu rõ, công tác tổ chức thực hiện ở một số địa phương vẫn là khâu còn yếu, chưa đồng đều. Nhiều địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả, nhưng có địa phương lúng túng, chưa được như mong muốn, hiệu quả chưa cao. Một số địa phương chưa quán triệt tinh thần chỉ đạo trong các công điện, quy định, hướng dẫn của Trung ương, nên hiệu quả có lúc có nơi chưa cao, ví dụ tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch.

Thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, tổng hợp ý kiến các địa phương, lấy thêm ý kiến phản biện của các nhà khoa học, nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời.

Việc chống dịch là chưa có tiền lệ, sau khi ban hành hướng dẫn tạm thời, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nội dung nào không phù hợp thì sửa đổi. Căn cứ hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, khoảng ngày 30-9, các địa phương tùy tình hình cụ thể để quyết định địa bàn nào được nới lỏng giãn cách và tiếp tục kiểm soát dịch có hiệu quả.

“Không phải cứ lập rào cản là chống được dịch. Lập rào cản mà người dân không có ý thức thì các đồng chí có thể gác 24/24 giờ không, có thể làm được cả tuần, cả tháng, cả năm không?”, Thủ tướng đặt câu hỏi.

Qua đó, Thủ tướng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân, để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”. Theo Thủ tướng, phải để người dân hiểu rằng dịch bệnh nguy hiểm, nếu thực hiện các biện pháp y tế tốt, bảo đảm y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở thì vẫn tránh được tử vong, giảm được tử vong.

Kiên Giang quyết tâm trở lại bình thường trước 30-9

Trước đó tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết sau khi Thủ tướng phê bình, chấn chỉnh, trong 12 ngày qua, tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế.

Tỉnh thực hiện thần tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng, tỉnh đã kiểm soát tốt tình hình, thực hiện đánh giá lại mức độ nguy cơ và quyết định chuyển trạng thái theo từng vùng kể từ ngày 20-9.

Biểu đồ dịch của tỉnh trong 14 ngày qua theo hướng đi xuống dần, nhất là số ca phát hiện trong cộng đồng giảm mạnh. Trong 7 ngày gần nhất (từ ngày 17-9 đến ngày 23-9) phát sinh 1.055 ca mắc mới, trong đó 127 ca trong cộng đồng, giảm 202 ca so với tuần trước. Đến ngày 23-9, số ca mắc mới trên toàn tỉnh trở lại 2 con số (93 ca, trong cộng đồng 3 ca) - thấp nhất trong hơn một tháng qua.

“Trong sáng 25-9, Phú Quốc vẫn đang dốc toàn lực, triển khai tầm soát cho 100% hộ dân trên toàn đảo (hơn 27.000 hộ), quyết tâm kiểm soát dịch chậm nhất trước ngày 30-9”, ông Bình cho biết.

Kiên Giang đặt mục tiêu thời gian tới là phải từng bước chuyển hóa các vùng nguy cơ cao, rất cao còn lại; sau ngày 25-9 chuyển trạng thái sang áp dụng Chỉ thị số 15; quyết tâm trở lại bình thường mới trước ngày 30-9.

Biểu dương Đà Nẵng, Thủ tướng yêu cầu "không được chủ quan, lơ là"

Tương tự, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết Thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh theo 7 tiêu chí của Bộ Y tế. Ông nhắc tới một số kinh nghiệm của Đà Nẵng như vẫn coi xét nghiệm là biện pháp pháp căn cơ. Có thể phong tỏa rộng tạm thời nhưng phải thần tốc test nhanh, sau đó tùy tình hình dịch tễ để quyết định phong tỏa hẹp đến từng hộ dân, từng cụm dân cư. Đặc biệt, ông Quảng nhận xét biện pháp giãn dân là có hiệu quả nhất để ngăn chặn lây nhiễm.

Qua đây, Thủ tướng biểu dương Đà Nẵng thời gian qua đã chủ động, tích cực, là điểm sáng trong phòng chống dịch. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý Thành phố là địa bàn có nguy cơ rất cao do là trung tâm giao thương, vì thế, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, phải luôn cảnh giác cao. Rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 trực tuyến với hơn 10.000 xã, phường trên cả nước. Ảnh: chinhphu.vn

Thủ tướng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch COVID-19 trực tuyến với hơn 10.000 xã, phường trên cả nước. Ảnh: chinhphu.vn

Đồng thời Thủ tướng đã yêu cầu tỉnh Kiên Giang phải xét nghiệm tầm soát tại Phú Quốc vì đây là địa bàn nguy cơ cao. Khi phát hiện ca bệnh, Thủ tướng yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thanh Bình phải ra chỉ đạo ngay, khoanh vùng hẹp nhất có thể, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Như vậy, cả thành phố Phú Quốc vẫn hoạt động bình thường.

“Tất cả các giác quan của chúng ta, mắt nhìn, mũi ngửi, lưỡi nếm, tai nghe, tay sờ đều không phát hiện được virus, khám lâm sàng cũng không phát hiện được sớm. Vậy thì cách duy nhất để tìm ra virus là xét nghiệm thôi, nhưng xét nghiệm sao cho khoa học, tiết kiệm, hiệu quả. Xét nghiệm diện rộng không nhất thiết là xét nghiệm đại trà, xét nghiệm toàn bộ người dân. Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể, cần đẩy mạnh truyền thông về điều này để người dân hiểu rõ", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, Thủ tướng rút một số bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch:

Thứ nhất, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi mới kiểm soát được tình hình. Đồng thời, hết sức tránh khuynh hướng khi có dịch lại hoảng hốt, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, thực hiện các biện pháp cực đoan.

Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, tổ chức thực hiện linh hoạt phù hợp với từng địa bàn, từng cấp.

Thứ ba, phải xét nghiệm tầm soát tại các địa bàn có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thứ tư, việc phân cấp tổ chức thực hiện xuống tận cơ sở, lấy xã phường là 'pháo đài', người dân là 'chiến sĩ', ý thức của người dân là hết sức quan trọng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của người dân, tích cực tham thực hiện các biện pháp phòng chống dịch vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ vừa là trách nhiệm của mỗi người dân.

BÁCH AN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/thong-nhat-chuyen-muc-tieu-tu-zero-covid19-sang-thich-ung-an-toan-voi-dich-1017725.html