Thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách
Thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã để thành một lực lượng là một trong những nội dung đáng chú ý của Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Bộ Công an cho biết, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong toàn quốc những năm qua đã được củng cố, kiện toàn, cụ thể: đã thành lập được 1.882 ban bảo vệ dân phố, 15.656 tổ bảo vệ dân phố, với tổng số là 72.456 thành viên. Đã thành lập được 42.476 đội dân phòng với trên 543.095 đội viên. Toàn quốc có 126.084 Công an xã, thị trấn không phải là Công an chính quy đã kết thúc vụ Công an xã và tiếp tục tham bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn xã
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Công an, hiện nay, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đang có tình trạng không thống nhất (bảo vệ dân phố được bố trí thành ban, tổ trên địa bàn phường; dân phòng được bố trí thành đội, tổ ở thôn, làng, ấp, bản, đơn vị dân cư tương đương; Công an xã bán chuyên trách được bố trí theo mô hình dân phòng). Trên một địa bàn cấp xã cùng tồn tại các lực lượng quần chúng với tên gọi khác nhau (dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách) và đều do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động để cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự có tính chất tương đồng, từ đó dễ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn, chồng lấn.
Do đó, việc nghiên cứu điều chỉnh lại theo hướng thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ Công an xã để thành một lực lượng với tên gọi chung, được bố trí thống nhất trên địa bàn xã, phường, thị trấn sẽ góp phần kiện toàn, tinh gọn bộ máy theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung bảo đảm nguồn lực, cơ sở vật chất, chế độ, chính sách và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn, thực chất hơn cũng như bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng này được đồng bộ, thống nhất.
Việc điều chỉnh theo hướng này sẽ xác định rõ chủ thể chịu trách nhiệm chính trong quan hệ phối hợp giữa lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự; khắc phục thực trạng hiện nay là có nhiều lực lượng cùng tham gia nhưng không xác định được chủ thể chịu trách nhiệm chính.
Theo đó, Dự thảo Luật điều chỉnh theo hướng thống nhất nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách thành nhiệm vụ chung của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ”, tránh trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã, phường, thị trấn chính quy và chính quyền địa phương.
Dự thảo Luật quy định các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bố trí thống nhất thành 01 lực lượng với tên gọi chung là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự và được bố trí ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn xã, phường, thị trấn.
Dự thảo Luật cũng quy định việc bảo đảm điều kiện hoạt động cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách địa phương hỗ trợ, cân đối kết hợp với huy động nguồn lực trong Nhân dân; theo đó, xác định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ được hưởng mức bồi dưỡng, hỗ trợ hàng tháng khi tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Việc xác định cụ thể, thống nhất việc bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở góp phần bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; đồng thời, là để cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về giảm chi từ ngân sách nhà nước để chi trả phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách, tiến tới giảm dần số lượng người hoạt động không chuyên trách.