Thống nhất nhận thức và hành động
Đến thời điểm này, chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 cơ bản đã được các Đoàn giám sát và các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai… Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đây là hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên được tổ chức nhằm thống nhất nhận thức, thống nhất hành động từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan này với cơ quan khác, bảo đảm phối hợp 'dọc - ngang - trên - dưới - trong - ngoài'. Thống nhất được nhận thức và hành động thì mới tổ chức giám sát đạt được kết quả như mong muốn, với những mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra theo quy định pháp luật về công tác giám sát của Quốc hội, cũng như trong 4 chuyên đề giám sát cụ thể của năm 2022.
Sử dụng tối đa, hiệu quả các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán
Năm 2022, Quốc hội sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021” và “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, “từ sớm, từ xa”, các Đoàn giám sát đã tích cực nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch chi tiết và đề cương báo cáo dưới sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Trưởng Đoàn giám sát.
Việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề có một số điểmmới so với thông lệ trước đây. Đó là: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội chỉ thông qua Nghị quyết phê chuẩn chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; còn việc thành lập Đoàn giám sát và đề cương, kế hoạch chi tiết từng chuyên đề giám sát giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát ban hành không kèm theo kế hoạch mà đưa một số nội dung chính như: Phạm vi, đối tượng, nội dung giám sát; thời gian xem xét báo cáo... vào nghị quyết. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát; đồng thời, xác định cụ thể hơn về đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết, nhằm tạo sự chủ động cho Đoàn giám sát. Thường trực Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, lịch làm việc cụ thể của Đoàn giám sát với các địa phương sẽ được lựa chọn trên nguyên tắc bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, đúng mục đích.
Cùng với đó, lần đầu tiên, các Đoàn giám sát có sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan như Ban Tổ chức Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, các chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành. Đặc biệt, sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ sở. HĐND tỉnh tổ chức việc thực hiện giám sát và gửi báo cáo về Đoàn giám sát. Các Đoàn đại biểu Quốc hội phải tổ chức giám sát đối với cả 4 chuyên đề; đồng thời, huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.
Đề cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân
Qua báo cáo của các cơ quan, bộ, ngành và địa phương tại hội nghị cho thấy, chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được các bên liên quan chủ động, tích cực triển khai, bảo đảm đúng yêu cầu, tiến độ.
Báo cáo tiến độ triển khai kế hoạch của Đoàn giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật đã tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Đoàn giám sát ban hành các văn bản, làm cơ sở để triển khai hoạt động giám sát; việc thành lập đoàn giám sát, ban hành văn bản quy định về phân công thành viên, trách nhiệm thành viên Đoàn giám sát, cũng tham mưu xây dựng kế hoạch giám sát chi tiết để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát họp tiếp thu và hoàn chỉnh để trình Trưởng Đoàn giám sát ban hành cũng như đã triển khai các nội dung khác để chuẩn bị cho hoạt động giám sát. Trên tinh thần đổi mới mạnh mẽ phương thức giám sát, Đoàn giám sát xác định rằng, việc giám sát ở đây không phải là tổ chức các đoàn công tác đi xuống địa phương để nghe báo cáo, mà trước hết là huy động sự tham gia của các chủ thể khác ở địa phương như Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh…
Ngay từ khi có chương trình giám sát năm 2022, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao nhiệm vụ phối hợp tham gia các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, KTNN đã rút bớt số lượng các cuộc kiểm toán, thay vào đó, tăng cường các nội dung phục vụ chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Với 2 Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, KTNN đã phân công đơn vị trong ngành, các bộ phận tham mưu để cùng với các KTNN khu vực, chuyên ngành có liên quan. 6 tháng đầu năm 2021, KTNN đã kiểm toán xong chuyên đề về công tác quy hoạch đô thị tại một số địa phương, đặc biệt là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác. Trong quá trình tổng hợp ý kiến kết luận, báo cáo, KTNN sẽ tập trung tổng hợp ngay trong tháng 11 và tháng 12.2021. KTNN cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đang kiểm toán trong tháng 10, tháng 11, tháng 12 đối với giám sát về quy hoạch. KTNN đã xây dựng được một số nội dung, tập trung vào một số bộ, ngành và đang triển khai trong tháng 11 và kết thúc theo chương trình là ngày 30.11 tới.
Về phía các địa phương, Ủy ban nhân dân (UBND), HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh liên quan đã triển khai xây dựng Kế hoạch giám sát cụ thể theo các nội dung được phân công. Đơn cử, UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng chương trình triển khai thực hiện, bám sát yêu cầu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết, địa phương đã cung cấp số liệu chính xác, bảo đảm khách quan tại thời điểm giám sát, trong đó, nêu rõ những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật trên các lĩnh vực. Cùng với các Đoàn giám sát, UBND tỉnh đã đến các cơ sở để nắm rõ hơn việc áp dụng các quy định trong thực tiễn, từ đó hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của người dân, của những đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các cơ chế, chính sách.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng cho biết, ngay sau khi tiếp nhận kế hoạch, đề cương giám sát của các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi về, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng Kế hoạch giám sát cụ thể để sớm gửi kế hoạch đến các cơ quan, tổ chức hữu quan tại địa phương. Trong đó, đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị báo cáo bằng văn bản về các nội dung theo Đề cương giám sát, gửi về Đoàn ĐBQH trước khi tổ chức các buổi làm việc trực tiếp.
Sự vào cuộc từ sớm, đồng bộ, tích cực, trách nhiệm của các bên liên quan là rất quan trọng, góp phần bảo đảm thành công của các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh “công tác chuẩn bị tốt đã bảo đảm 50% thành công của chuyên đề giám sát”.