Thống nhất trình Quốc hội chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội quyết định bổ sung cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) thêm 17.100 tỷ đồng.

Tiếp tục phiên họp thứ 23, sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ý kiến về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thêm 17.100 tỷ đồng.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến cuối 2022 là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước và không có sự cách biệt, thấp hơn các ngân hàng thương mại khác như Techcombank (35.172 tỷ), MB Bank(45.339 tỷ), VP Bank (67.434 tỷ đồng).

"Với kế hoạch tăng trưởng quy mô vốn hiện nay của các ngân hàng thương mại cổ phần, nếu Agribank không được tăng vốn thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank", ông Đoàn Thái Sơn nói.

 Thống nhất trình Quốc hội chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Thống nhất trình Quốc hội chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mức vốn đề nghị bổ sung cho Agribank lần này, 17.100 tỷ đồng tương ứng với mức lãi còn lại sau trích lập các quỹ năm dự kiến giai đoạn 2021-2023 Agribank nộp ngân sách nhà nước. Trong đó, lấy từ dự toán chi ngân sách Trung ương 2023 đã được Quốc hội phê duyệt, trên 6.753 tỷ đồng. Phần còn lại gần 10.347 tỷ đồng bố trí từ ngân sách nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước là bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ tính khả thi của đề xuất trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, thu ngân sách, doanh thu và lợi nhuận của Agribank có thể không đạt được như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần xác định nguồn cụ thể bố trí còn lại của ngân sách gần 10.350 tỷ đồng, phương án xử lý trong trường hợp số nộp ngân sách của Agribank năm 2023 (7.040 tỷ đồng) không đạt như dự kiến, cũng như khả năng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn 8% sau khi Quốc hội quyết định chủ trương.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết và báo cáo ý kiến của Kiểm toán nhà nước về nội dung trên.

Nhấn mạnh vì chưa có dự thảo nghị quyết nên còn nhiều vấn đề chưa rõ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu báo cáo thêm một số vấn đề. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội cho biết Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước trong quý I/2022, nhưng đến nay đã sang quý II/2023 mới trình.

Việc chậm trễ này trách nhiệm của ai, của Thống đốc hay Bộ trưởng Bộ Tài chính hay bộ nào ngành nào? Cứ nói cần thiết, cấp bách mà sát ngày Quốc hội họp mới trình, rất bị động cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Toàn đặt Thường vụ Quốc hội vào việc đã rồi, quyết sai ai chịu trách nhiệm - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung vào chương trình luật, pháp lệnh 2023, trình Quốc hội quyết định bổ sung cấp vốn điều lệ cho Agribank tại kỳ họp thứ 5 tới.

Nhưng để đủ điều kiện, đề nghị Chính phủ cần thuyết minh rõ hơn phương án tăng vốn điều lệ theo yêu cầu Nghị quyết 43, tính khả thi bổ sung, các nguồn vốn bổ sung vốn và đánh giá tác động tới ngân sách nhà nước, số lợi nhuận sau thuế 2021 - quý I/2023 đã nộp vào ngân sách.

Cũng theo ông Hải, Thường vụ Quốc hội yêu cầu dự thảo các nội dung trình Quốc hội quyết định cần nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ, Agribank trong cấp, bổ sung vốn điều lệ sau khi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, thực hiện thủ tục theo quy định trong cấp số vốn đã được bố trí dự toán ngân sách 2023.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động tới cân đối ngân sách, nguồn thu, nhiệm vụ chi để xây dựng dự toán ngân sách 2024 trình Quốc hội bố trí số vốn còn lại so với tổng mức vốn Quốc hội đã quyết định; cùng đó, tháo gỡ khó khăn trong tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động của Agribank.

Mai Anh

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thong-nhat-trinh-quoc-hoi-chu-truong-bo-sung-von-dieu-le-cho-agribank-d39038.html