Thống nhất vì mục tiêu chung

Hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.579 chung cư cũ, xây dựng trong giai đoạn 1960-1992. Hầu hết các chung cư này đã hết niên hạn sử dụng nhưng việc cải tạo, xây dựng lại, nhất là những chung cư đã xuống cấp, hư hỏng còn rất chậm, mới đạt hơn 1%. Nguyên nhân là do những vướng mắc trong cơ chế, chính sách, từ đền bù, tái định cư đến quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư.

Khối lượng chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng rất lớn nhưng ngân sách nhà nước hạn hẹp. Vì vậy, phương thức xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư là phương án khả thi hơn cả. Tuy nhiên, khi tiếp cận các dự án dạng này, nhà đầu tư nhận thấy khó có thể cân đối tài chính bởi trong khu vực nội đô công trình bị giới hạn chiều cao, số tầng. Bên cạnh đó, số lượng hộ dân di dời rất lớn, chủ yếu đều có nhu cầu tái định cư tại chỗ. Phương án đền bù cũng rất khó nhận được sự đồng thuận của 100% hộ dân, nhất là với những hộ đang sinh sống ở tầng 1. Thậm chí, có những chung cư xuống cấp đến mức nguy hiểm, nhưng việc di dời các hộ dân để xây dựng lại cũng không dễ…

Đã có nhiều hội nghị, hội thảo bàn cách gỡ vướng cho việc cải tạo chung cư cũ được tổ chức. Nhiều đề xuất từ doanh nghiệp, chuyên gia xây dựng, nhà quản lý… được đưa ra. Năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã giao 19 nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch, cải tạo tổng thể 30 khu chung cư cũ trên địa bàn. Song, dường như mọi việc sẽ vẫn nằm ở ý tưởng nếu những vướng mắc về cơ chế, chính sách chưa được tháo gỡ.

Nói không quá khi cho rằng, cải tạo chung cư cũ đang là yêu cầu cấp thiết đối với đô thị lớn, như thành phố Hà Nội. Vì vậy, thành phố Hà Nội đã đề xuất với Bộ Xây dựng một số cơ chế cụ thể, như chỉ cần 70% chủ sở hữu, chủ sử dụng khu chung cư cũ đồng thuận là chủ đầu tư được thực hiện phá dỡ, xây dựng lại. Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND thành phố chủ động điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch, có thể nâng mật độ dân số, chiều cao, số tầng công trình chung cư mới nếu điều kiện hạ tầng kỹ thuật, xã hội đáp ứng, bảo đảm phù hợp quy hoạch chung.

Mới nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, nhằm gỡ vướng mắc cho các địa phương. Với thực tế đang diễn ra, rõ ràng đây là việc cần khẩn trương thực hiện càng sớm, càng tốt.

Cùng với yêu cầu phát triển đô thị hiện đại, việc cải tạo chung cư cũ cũng cần triển khai theo hướng đồng bộ toàn khu thay vì chọn nhà đơn lẻ. Một mặt, vừa bảo đảm hạ tầng phục vụ cuộc sống người dân tốt hơn, mặt khác dự án có giá trị cao hơn, mang lại khả năng cân đối tài chính cho nhà đầu tư tốt hơn. Tất nhiên, để triển khai được dự án quy mô lớn như vậy, đòi hỏi nhà đầu tư phải có tiềm lực tài chính, năng lực và kinh nghiệm quản lý.

Đối với các chủ sở hữu, sử dụng - chủ thể quan trọng trong các dự án cải tạo chung cư cũ, ngoài việc cân nhắc lợi ích riêng (có nơi ở mới tốt hơn), cũng cần đặt song hành cả lợi ích chung (đô thị văn minh, hiện đại hơn) để cùng tìm sự đồng thuận. Ở khía cạnh này, chính quyền địa phương cần phát huy vai trò tuyên truyền, vận động các hộ dân và hỗ trợ nhà đầu tư tham gia dự án.

Gỡ vướng từ cơ chế chính sách, tạo được sự thống nhất vì mục tiêu chung là lời giải cho bài toán cải tạo chung cư cũ.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/980895/thong-nhat-vi-muc-tieu-chung