Thông qua 2 nghị quyết quan trọng liên quan đến TP Thủ Đức

TP Thủ Đức là địa phương cấp huyện đầu tiên của TP HCM có mô hình Trung tâm Hành chính công.

Tại kỳ hop thứ 11 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19-9, đại biểu HĐND TP HCM khóa X đã thông qua hai nghị quyết liên quan đến TP Thủ Đức, hiện thực hóa Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố.

Đó là Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức; Nghị quyết về cơ cấu tổ chức bộ máy của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức.

Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP HCM khóa X khai mạc sáng 19-9

Kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề) HĐND TP HCM khóa X khai mạc sáng 19-9

Theo đó, cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính trực thuộc UBND TP Thủ Đức giữ nguyên 8 cơ quan chuyên môntheo Nghị định 37/2014 như hiện nay, gồm: Văn phòng HĐND và UBND, Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Thanh tra, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Đồng thời, tổ chức lại và đổi tên 5 cơ quan chuyên môn do chuyển chức năng, nhiệm vụ qua lại với nhau: bao gồm: Phòng Tài chính, Phòng Kinh tế - Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phòng Khoa học - Công nghệ và Thông tin, Phòng Quy hoạch - Xây dựng.

Đại biểu HĐND TP HCM thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức bộ máy của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức.

Đại biểu HĐND TP HCM thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức bộ máy của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức.

Cùng với đó, thành lập 3 tổ chức hành chính mới trực thuộc UBND TP Thủ Đức.

Đó là Phòng Giao thông công chính tiếp nhận chức năng giao thông vận tải, quản lý hạ tầng từ Phòng Quản lý đô thị.

Thanh tra Xây dựng được hình thành trên cơ sở tiếp nhận chức năng từ Đội Thanh tra địa bàn TP Thủ Đức trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội Quản lý trật tự đô thị từ Phòng Quản lý đô thị.

Trung tâm Phục vụ Hành chính công: thực hiện chức năng tiếp nhận và trả kết quả, trực tiếp tiếp nhận và giải quyết một số thủ tục hành chính. Trung tâm có giám đốc, các phó giám đốc, các bộ phận và công chức làm việc tại đây.

Trung tâm Hành chính công có 3 bộ phận, gồm: Tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính; Kiểm tra, giám sát và Hành chính – tổng hợp. Như vậy, TP Thủ Đức là địa phương cấp huyện đầu tiên của TP HCM có mô hình Trung tâm Hành chính công.

Với việc tổ chức lại, lập thêm các tổ chức hành chính mới, UBND TP Thủ Đức có 16 phòng chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nhiều hơn 6 phòng so với quy định chung của UBND cấp huyện.

Về cơ cấu tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức, giữ nguyên các đơn vị như hiện nay. Cụ thể là cơ sở giáo dục phổ thông cấp mầm non, tiểu học, THCS, cơ sở giáo dục chuyên biệt Thảo Điền; Trường TC Đông Sài Gòn; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên; Trung tâm Y tế; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực.

Đồng thời thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất trên cơ sở tổ chức lại Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức; sáp nhập Trung tâm Văn hóa và Trung tâm Thể dục thể thao thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao.

Trước đó, UBND TP HCM ban hành quyết định thí điểm thành lập 3 trung tâm, gồm: Phát triển hạ tầng kỹ thuật, An sinh xã hội, Xúc tiến thương mại và đầu tư.

TP Thủ Đức được thành lập từ năm 2021 trên cơ sở sáp nhập 3 quận: Thủ Đức, 2 và 9, rộng hơn 21.000 ha, dân số hơn 1,2 triệu người theo Nghị quyết 1111/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Năm 2021, thu ngân sách của TP Thủ Đức gần 20.000 tỉ đồng, dẫn đầu trong số 22 đơn vị hành chính cấp huyện của TP HCM. Nằm ở vị trí cửa ngõ phía đông, Thủ Đức là "thành phố trong thành phố" đầu tiên cả nước và được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng mới của TP HCM.

PHAN ANH; Ảnh: NGUYỄN PHAN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chinh-tri/thong-qua-nghi-quyet-lien-quan-den-tp-thu-duc-2023091912421265.htm