Thông qua đấu trường lớn để hướng tới mục tiêu kép

Dịch Covid-19 khiến Thế vận hội mùa hè năm 2020 tại Tokyo, Nhật Bản (Olympic Tokyo 2020) bị hoãn tổ chức một năm. Tuy việc thi đấu của các vận động viên sẽ bị gián đoạn, nhưng đây là cơ hội để thể thao Việt Nam hoàn thành mục tiêu giành vé tham dự Olympic.

Phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn về nỗ lực của thể thao nước nhà nhằm đạt thành tích tốt nhất tại đấu trường Olympic, đồng thời hướng tới mục tiêu kép về tính hiệu quả của SEA Games 31-2021 và ASIAD 2022.

Vận động viên Quách Thị Lan (giữa) đang tích cực luyện tập để giành tấm vé tham dự Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Minh Hoàng

- Nếu Olympic Tokyo 2020 vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch, liệu thể thao Việt Nam có đạt được chỉ tiêu 20 suất tham dự như đã định không, thưa ông?

- Hướng tới Thế vận hội mùa hè lần thứ 32, dự kiến tổ chức năm 2020 tại Tokyo, Nhật Bản, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã đặt chỉ tiêu giành ít nhất 20 suất tham dự cho các môn: Bơi lội, điền kinh, bắn súng, cử tạ, cầu lông, thể dục dụng cụ, Taekwondo, Judo, quyền Anh, bắn cung, bóng đá... Nếu không có dịch Covid-19, mọi giải đấu diễn ra theo đúng kế hoạch, thì con số đó cũng nằm trong tầm tay.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, khiến các giải đấu vòng loại, tích điểm tham dự Olympic đều bị hoãn, hủy, dẫn đến kế hoạch tập luyện và thi đấu bị đảo lộn. Đến thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam mới có 5 vé chính thức tham dự Olympic Tokyo 2020, gồm: Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội); Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ); Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ (bắn cung); Nguyễn Văn Đương (boxing). Như vậy, Việt Nam mới đạt được 1/4 chỉ tiêu đề ra.

Mới đây, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã quyết định hoãn tổ chức Olympic Tokyo 2020, chuyển sang năm 2021. Đây là cơ hội để các vận động viên khác giành vé tới Tokyo. Dự kiến, sau khi đẩy lùi được dịch bệnh, Liên đoàn Hiệp hội thể thao quốc tế sẽ tổ chức vòng loại trở lại, khi đó những chiếc vé còn lại được đặt niềm tin vào các vận động viên đang có thành tích tiệm cận chuẩn, như: Nguyễn Tiến Minh, Nguyễn Thùy Linh (cầu lông); Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan (điền kinh); Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên, Vương Thị Huyền (cử tạ); Nguyễn Mạnh Cường (boxing), Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường (bắn súng), Vũ Thành An (kiếm chém)…

- Vậy, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã có kế hoạch đầu tư trọng điểm như thế nào đối với các vận động viên đạt chuẩn và cận chuẩn?

- Các giải đấu bị hoãn là cơ hội để các vận động viên tập trung tập luyện, dồn sức “tích trữ” thể lực, cải thiện thành tích, sẵn sàng cho đấu trường Olympic cũng như SEA Games 31-2021 và ASIAD 2022 sắp tới.

Hiện tại, toàn bộ vận động viên trong các đội tuyển quốc gia đang tập trung ở những trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia để tập luyện. Đối với 5 vận động viên đã đạt chuẩn giành vé Olympic, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã có kế hoạch tập huấn riêng cho họ. Song, vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều chuyên gia nước ngoài không thể đến Việt Nam để hỗ trợ trực tiếp, cũng như các vận động viên không thể tham gia tập huấn ở nước ngoài như dự định.

Vì thế, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã đưa ra giải pháp, đó là trao đổi hằng ngày bằng hình thức trực tuyến giữa chuyên gia và ban huấn luyện để kịp thời điều chỉnh giáo án. Phương pháp này được Tổng cục Thể dục - Thể thao áp dụng đối với cả vận động viên đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn Olympic 2020 tại thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, trong khung cảnh tập luyện “chay” và hoàn toàn không có thi đấu nên tâm lý các vận động viên chắc chắn bị ảnh hưởng không ít.

- Tổng cục Thể dục - Thể thao có kỳ vọng gì về thành tích của các vận động viên tại đấu trường Olympic sắp tới?

- Từ trước đến nay, Tổng cục Thể dục - Thể thao vẫn xác định, Olympic là đấu trường lớn, nên không đặt nặng mục tiêu bắt buộc phải đạt huy chương. Mục tiêu mà chúng ta hướng tới là đấu trường ở khu vực và châu Á. Olympic là cơ hội để thi đấu nâng cao thành tích, đồng thời được xem như bàn đạp của thể thao Việt Nam hướng tới mục tiêu kép trong tương lai, đó là đấu trường SEA Games 31-2021 và ASIAD 2022.

- Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 là một sự kiện thể thao quan trọng mà Việt Nam đăng cai, vậy kế hoạch chuẩn bị của ngành cho sự kiện này như thế nào, thưa ông?

- Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31-2021) do Việt Nam đăng cai tổ chức, dự kiến diễn ra vào tháng 11-2021 với sự tham gia của 11 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Hiện tại, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia tổ chức SEA Games 31-2021 và đang tiến hành các bước để thành lập Ban Tổ chức SEA Games 31-2021. Trên cơ sở chuyên môn, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã chuẩn bị và trình đề án tổ chức cho Ban Chỉ đạo quốc gia. Theo đó, ngoài thành phố Hà Nội là đơn vị đăng cai chính, còn có 10 địa phương khác cùng tham gia, trong đó xa nhất là tỉnh Quảng Ninh, còn lại các địa điểm thi đấu đều cách Hà Nội khoảng 60km.

Tổng cục Thể dục - Thể thao cũng đã lên danh sách 36 bộ môn sẽ thi đấu tại SEA Games 31-2021, trong đó có một số môn trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic và ASIAD. Tuy nhiên, số môn thi đấu có thể thay đổi sau cuộc họp giữa Ban Tổ chức với các nước tham gia SEA Games 31-2021, dự kiến được tổ chức vào tháng 5-2020.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tuyết Minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-thao/962539/thong-qua-dau-truong-lon-de-huong-toi-muc-tieu-kep