Thông qua dự luật hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc, chịu thiệt nhiều nhất không ai khác ngoài nhà đầu tư và TTCK Mỹ
Dự luật được Mỹ thông qua nhắm đến việc hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi các sàn giao dịch chứng khoán tại Mỹ có thể có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước này, khi công ty đại lục tìm kiếm những địa điểm khác để huy động vốn.
Đạo luật "Holding Foreign Companies Accountable" (Yêu cầu các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm) được đưa ra nhằm giải quyết một vấn đề nhức nhối của các cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ đối với Bắc Kinh tồn tại trong nhiều thập kỷ qua, đó là không cho phép họ thực hiện kiểm toán. Nếu dự luật này được thông qua thành luật, các công ty Trung Quốc sẽ phải tuân thủ cá quy tắc hoặc đối mặt với việc bị hủy niêm yết. Điều này sẽ đưa các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ với tổng giá trị 1,3 nghìn tỷ USD rơi vào nguy cơ không được quyền tiếp cận với thị trường vốn lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, những chuyên gia theo dõi thị trường và nhà đầu tư cho biết các doanh nghiệp và quỹ đầu tư của Mỹ lại có thể trở thành những "nạn nhân bất đắc dĩ" nếu các công ty Trung Quốc rời khỏi thị trường nước này.
Anna Ashton – giám đốc cấp cao thuộc bộ phận các vấn đề chính phủ tại Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung, cho hay: "Dù động thái này sẽ gây tổn hại đến Trung Quốc, nhưng liệu có hợp lý để chính phủ đồng ý hay không? Điều đó vẫn chưa rõ. Đây vẫn chỉ là một trong nhiều đề xuất về cách tiếp cận của chúng tôi đối với Trung Quốc."
Dự luật đã được Thượng viện Mỹ thông qua vào ngày 20/5 và đang chờ đợi kết quả từ cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện. Theo dự luật này, nếu các công ty Trung Quốc không cung cấp thông tin minh bạch trong 3 năm liên tiếp, thì cổ phiếu sẽ bị cấm giao dịch.
Đối với những "ông lớn" ngành quản lý quỹ trên Phố Wall như BlackRock, T Rowe Price và Vanguard – đã rót hàng chục tỷ USD vào các công ty Trung Quốc, thì điều này đồng nghĩa với việc họ mất khả năng tiếp cận dễ dàng với những công ty trong một nền kinh tế vẫn phát triển với tốc độ nhanh chóng, bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch.
Nếu các công ty Trung Quốc bắt đầu rời khỏi các sàn giao dịch tại Mỹ, thì nhà đầu tư cũng hứng chịu cảnh khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh, theo đó giá cổ phiếu cũng "bốc hơi". Do đó, việc từ bỏ cổ phiếu của các công ty Trung Quốc không phải là một lựa chọn hợp lý.
Rory Green – kinh tế gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Ts Lombard, nhận định: "Ở thị trường hiện tại, khi cổ phiếu công nghệ có diễn biến vượt trội, thì các nhà quản lý quỹ gần như không thể vượt trội hay sánh ngang với MSCI China, nếu họ không nắm giữ cổ phiếu của các công ty như Alibaba, hay Baidu, NetEase và JD."
Theo Morningstar, việc phân bổ vào các loại chứng chỉ lưu ký Mỹ của các quỹ thị trường mới nổi chủ động đã tăng 10 điểm so với năm ngoái lên mức 35% trong tháng 4. Tuy nhiên, theo David Semple – quản lý danh mục đầu tư tại VanEck EM Equity Strategy, sự thay đổi này lại cho thấy "sự chật vật và cạnh tranh" để duy trì mức độ tiếp cận tương tự đối với các công ty này, khi họ phải niêm yết tại các sàn giao dịch khác.
Dù các quỹ lớn có thể đầu tư vào các cổ phiếu tương tự niêm yết ở Hồng Kông, nhưng chỉ có 3 công ty – Alibaba, JD.com và NetEase, đều niêm yết tại Hồng Kông và New York. Cả 3 công ty này đều thực hiện IPO lần hai tại Hồng Kông trong thời gian gần đây, điều này cho thấy sự thay đổi trong tư duy của các công ty Trung Quốc vốn ưa thích hoạt động giao dịch tại Mỹ nhờ uy tín và tính thanh khoản.
Alibaba đã bán được 13 tỷ USD cổ phiếu tại Hồng Kông vào tháng 11 năm ngoái. Đây là một chiến thắng lớn sau thương vụ IPO huy động được 25 tỷ USD tại Mỹ cách đây 6 năm. "Nối bước" Alibaba là JD.com. Tuần trước, JD.com dự kiến sẽ bán 4,1 tỷ USD giá trị cổ phiếu tại Hồng Kông, nhưng lại nhận được sự quan tâm lớn đến mức số lượng đăng ký mua đã vượt qua con số trên nhiều lần.
Hiện tại, Yum China cũng nộp hồ sơ niêm yết tại Hồng Kông. Cong ty này đã niêm yết trên NYSE từ năm 2016. Ngoài ra, Baidu được cho là đang cân nhắc hủy niêm yết trên Nasdaq.
Theo Green, tác động đối với các công ty lớn có thể là tích cực, bởi việc niêm yết lần hai tại Hồng Kông có thể giúp họ chứng kiến cổ phiếu giao dịch ở mức cao hơn so với định giá tại Mỹ.
Chênh lệch định giá tồn tại bởi cổ phiếu Hồng Kông cho quyền sở hữu trực tiếp đối với các công ty Trung Quốc, trong khi chứng chỉ lưu kí Mỹ chỉ sở hữu gián tiếp thông qua thứ gọi là thực thể có thể thụ hưởng lợi ích cung cấp cho người sở hữu quyền lợi đối với lợi nhuận của công ty
Bill Ford – CEO của General Atlantic, cho hay: "Mối lo ngại của tôi là dự luật này sẽ có tác động tiêu cực đối với các công ty Trung Quốc đang niêm yết ở Mỹ."
Nhu cầu của các công ty Trung Quốc trong việc huy động vốn tại Mỹ đã giảm đáng kể do tác động của đại dịch và thái độ căng thẳng từ phía Washington. Theo dữ liệu của Dealogic, nhóm này chỉ huy động được 1,9 nghìn tỷ USD tại Mỹ trong năm nay, đây là mức thấp nhất kể từ năm 2015.
Đối diện với mối đe dọa từ việc có thể bị hủy niêm yết, Mỹ đang thúc đẩy khả năng Bắc Kinh thu hút các công ty của họ trở về gần "nhà" hơn. Đây là một điều mà Trung Quốc đã nỗ lực nhưng chưa thể hoàn thành trong nhiều năm.
Theo Ashton, nếu Trung Quốc trả đũa, có "khả năng nghiêm trọng" rằng các công ty Mỹ có quy mô hoạt động lớn ở Trung Quốc "cũng có thể bị hủy niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ theo luật tương tự", nếu Bắc Kinh không chấp nhận để Mỹ thực hiện hoạt động kiểm toán. Ngoài ra, Semple cho biết, "dự luật này sẽ ảnh hưởng đến cả TTCK và nhà đầu tư Mỹ". Đó chính là lý do tại sao SEC không sẵn sàng "mạo hiểm".
Việc trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc có thể là hợp lý, nhưng nhiều người lo ngại rằng động thái này có thể kéo tụt đà tăng trưởng của TTCK Mỹ và lợi nhuận cho nhà đầu tư. Trong khi đó, Bắc Kinh đang tạo điều kiện cho các công ty tiếp cận dòng vốn trong nước. Tuần trước, các quy định mới trên sàn ChiNext tại Thâm Quyến đã được hoàn thiện nhằm khuyến khích các startup công nghệ niêm yết.
Tham khảo SCMP