Thông qua quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Ngày 15-12, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp trực tuyến với Hội đồng Thẩm định quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại đầu cầu Đồng Nai, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ KH-ĐT đã báo cáo và xin ý kiến tham gia của Hội đồng Điều phối vùng đối với nội dung quy hoạch vùng. Các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu tiến hành thảo luận, cho ý kiến về quan điểm phát triển và bố trí không gian; mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể; xác định các ngành có lợi thế, nhiệm vụ trọng tâm cần giải quyết; phát triển kết cấu hạ tầng liên kết vùng; giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch…
Sau đó, Hội đồng Thẩm định quy hoạch vùng đã biểu quyết thông qua quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến đề xuất phù hợp cho sự phát triển của khu vực.
Quy hoạch vùng Đông Nam bộ là bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về tổ chức không gian phát triển. Theo đó, kịch bản tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, phương án được lựa chọn là từ 8-9%/năm.
Quy hoạch cũng đưa ra 5 quan điểm phát triển đối với vùng Đông Nam bộ gồm: phát triển vùng trở thành trung tâm hàng đầu của cả nước, khu vực; đổi mới tư duy về phát triển vùng, chủ động nắm bắt, tận dụng các cơ hội, tập trung nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn, mâu thuẫn, tạo các cơ chế, chính sách để hình thành các động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới; đổi mới mô hình tăng trưởng, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ hiện đại trở thành các động lực tăng trưởng mới ưu tiên các mô hình kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; huy động tối đa nguồn lực và lấy con người là trung tâm phát triển.
Quy hoạch cũng đặt ra mục tiêu trong 10 năm tới, vùng Đông Nam bộ vẫn sẽ là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất của cả nước. Đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt hơn 14,5 ngàn USD/người/năm.