Thông tin 3 công khai không thống nhất, Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên nói gì?
Theo Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, số liệu thống kê 'đâu đó' chưa có sự thống nhất giữa Phòng KHCN - Hợp tác quốc tế và Phòng Kế hoạch tài chính.
Thống kê nguồn thu từ nghiên cứu khoa học không thống nhất
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về báo cáo 3 công khai năm học 2022 - 2023 của Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên, tại biểu mẫu công khai thông tin về các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn năm học 2022 – 2023, đến ngày 27/12/2023, trường chỉ thống kê được 3 hoạt động từ số thứ tự 99 – 101, mà chưa cập nhật những hoạt động trước đó.
Trao đổi với phóng viên về nội dung này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh – Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên cho biết, trong quá trình thao tác trên phần mềm, do yếu tố lỗi kĩ thuật dẫn đến thông tin cập nhật còn thiếu.
Ngay sau khi nhận được phản hồi từ Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên đã rà soát lại và cập nhật lại biểu mẫu này của năm học 2022 – 2023, thông tin rõ về cấp quản lý và nguồn kinh phí được cấp.
Theo đó, trong năm học này, Trường có 101 hoạt động, dự án được thực hiện. Trong đó, có 14 dự án cấp Nhà nước, 4 dự án cấp Bộ, 11 dự án cấp tỉnh, 7 dự án cấp đại học, 58 dự án cấp trường và 7 dự án hợp tác quốc tế. Như vậy, số lượng các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và tư vấn năm học 2022 – 2023 của đơn vị này là khá lớn.
Cũng theo mục công khai tài chính các năm 2020, 2021, 2022 của Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên, tổng thu năm 2022 giảm mạnh so với năm 2020 (giảm 58,768 tỷ đồng).
Đặc biệt, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2022 so với năm 2020 giảm đến 38,318 tỷ đồng.
Thông tin về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh cho biết thêm: “Riêng về mảng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm học 2022 – 2023, số liệu này “đâu đó” chưa có sự thống nhất giữa Phòng Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế và Phòng Kế hoạch tài chính của trường. Điều này có thể do khác nhau về mục tiêu trong thống kê.
Với Phòng Khoa học công nghệ - Hợp tác quốc tế, nguồn thu này là từ thống kê toàn bộ những nhiệm vụ khoa học công nghệ của các đơn vị thuộc trường (các khoa chuyên môn) và các đơn vị tự chủ trực thuộc nhà trường (các trung tâm, viện nghiên cứu). Vì thế, nguồn thu năm 2022 – 2023 từ các hoạt động này có thể lên tới 69 tỷ đồng.
Nhưng Phòng Kế hoạch tài chính lại cung cấp số liệu thống kê của các đơn vị thuộc trường, chứ không có các đơn vị tự chủ trực thuộc, nên báo cáo nguồn thu còn 5,18 tỷ đồng”.
Nói thêm về sự sụt giảm mạnh trong nguồn thu từ hoạt động này của trường qua báo cáo 3 công khai các năm, cô Lê Minh cho biết thêm:
"Năm 2020, số liệu nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học được Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên bao gồm: nguồn thu từ các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của các viện, trung tâm tự chủ trực thuộc nhà trường. Còn số liệu nguồn thu từ các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của nhà trường thì được gộp vào phần thu khác.
Sang năm 2021, số liệu nguồn thu từ nghiên cứu khoa học báo cáo bao gồm: nguồn thu từ các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của các viện, trung tâm tự chủ trực thuộc nhà trường và nguồn thu từ các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của nhà trường.
Đến năm 2022, qua kiến nghị của các đoàn kiểm tra, cũng như ý kiến đóng góp của cán bộ viên chức trong trường, khoản thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường chỉ còn tổng hợp số liệu từ: nguồn thu từ các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của nhà trường. Không đưa số liệu nguồn thu từ các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của các viện, trung tâm tự chủ trực thuộc nhà trường lên báo cáo".
Nói về lý do khiến nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giảm, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên cho biết thêm, lí do đến từ việc một số chương trình khoa học công nghệ gần như đã kết thúc chương trình, vì thế không được xét duyệt, khiến số lượng đề tài và kinh phí được cấp của các dự án bị sụt giảm.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến các nhiệm vụ của những năm học trước chưa thực hiện được theo tiến độ, dẫn đến việc chưa đảm bảo về chất lượng theo tiêu chuẩn để được cấp kinh phí tiếp.
Ngoài những sụt giảm trong mục nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đại diện Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên còn nêu nguyên nhân giảm thu của đơn vị qua các năm bởi các lý do:
Thứ nhất, do những chính sách của Nhà nước dẫn đến việc Ngân sách Nhà nước cấp cho trường giảm theo lộ trình;
Thứ hai, do nguồn thu từ học phí giảm (chỉ tiêu tuyển sinh và quy mô sinh viên, người học giảm; tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều sinh viên không nộp được học phí; chính sách của Nhà nước về việc không tăng học phí trong những năm gần đây.
Thứ ba, cũng do tác động của dịch bệnh, ảnh hưởng đến nguồn thu hợp pháp khác giảm.
Diện tích sàn xây dựng thay đổi, nhà trường lý giải do cách làm
Khi tìm hiểu thông tin về cơ sở vật chất của Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên thông qua báo cáo 3 công khai từ năm 2020 - 2023, phóng viên nhận thấy mục báo cáo về diện tích đất và diện tích xây dựng, tổng diện tích đất cơ sở đào tạo quản lý sử dụng của đơn vị này vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học năm 2022 - 2023 so với năm 2020 - 2021 giảm mạnh từ 612.014 m2, xuống còn 41.842m2 (giảm 570.172m2).
Lý giải vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hà – Trưởng phòng Quản lý chất lượng cho biết: “Năm 2020 – 2021, số liệu 612.014 m2 được kê khai trong báo cáo bao gồm diện tích sàn xây dựng các công trình và diện tích các khu thực hành, thực nghiệm.
Do đặc thù ngành Nông, Lâm nghiệp, nên phần diện tích các khu thực hành, thực nghiệm bao gồm cả diện tích đất nông nghiệp, các cánh đồng, ao, nhà lưới…
Đến năm học 2022 – 2023, phần diện tích sàn xây dựng được kê khai chỉ tính diện tích các công trình phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học (giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện,…). Phần diện tích phục vụ thực hành, thực nghiệm không tính vào diện tích sàn xây dựng nữa.
Vì vậy, sự thay đổi về diện tích sàn xây dựng là do cách trình bày khác nhau. Về bản chất, diện tích sàn xây dựng phục vụ nghiên cứu đào tạo không đổi, không ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ của đơn vị.
Không đủ đội ngũ giáo sư, phó giáo sư giảng dạy do trường chỉ thống kê số lượng giảng viên theo danh sách thời khóa biểu
Theo thông tin công khai về đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên năm học 2021 – 2022, đội ngũ giảng viên cơ hữu ngành Khoa học cây trồng không có giáo sư hay phó giáo nào. Trong khi ngành này đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ.
Ngoài ra, còn nhiều ngành khác cũng không có giáo sư, phó giáo sư như ngành: Kinh doanh quốc tế, Bất động sản, Công nghệ thực phẩm, Công nghệ chế biến lâm sản, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Bảo vệ thực vật, Quản lý thông tin.
Điều 6, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ cần đảm bảo:
“Có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 01 giáo sư hoặc 01 phó giáo sư và 02 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo”.
Các ngành còn lại, số lượng giáo sư, phó giáo sư cũng rất khiêm tốn. Nhiều ngành cũng không đủ số lượng tiến sĩ để mở ngành theo quy định (như ngành Kinh doanh nông nghiệp – 3 tiến sĩ, 8 thạc sĩ; Đảm bảo chất lượng & an toàn thực phẩm – 2 tiến sĩ, 6 thạc sĩ; Bảo vệ thực vật – 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ; Quản lý thông tin – 3 tiến sĩ, 6 thạc sĩ).
Khoản 2, Điều 4, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học nêu: “Có ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy”.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thơ – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên cho biết: “Trong tổng số 268 giảng viên của trường, có khoảng 60% đạt trình độ từ tiến sĩ trở lên, do vậy chúng tôi đáp ứng đủ điều kiện để duy trì ngành.
Tuy nhiên, một số ngành trong quá trình thống kê chưa tổng hợp cả đội ngũ cán bộ của các khoa Khoa học cơ bản, Trung tâm ngoại ngữ, Tin học ứng dụng, cùng 1 số đơn vị tự chủ vào danh sách này. Thay vào đó, chúng tôi chỉ thống kê số lượng giảng viên theo danh sách thời khóa biểu giảng dạy. Đây là thiếu sót trong quá trình tổng hợp” – Thầy Thơ chia sẻ.
Phó Giáo sư Thơ cho biết, nhà trường đã rà soát và cập nhật lại đầy đủ thông tin của năm học 2022 – 2023 ngay sau khi có phản ánh.
Bên cạnh đó, theo Phó Giáo sư Thơ, hiện tại, ngành Khoa học cây trồng hiện có 04 phó giáo sư, do vậy đủ điều kiện để tổ chức đào tạo các trình độ sau đại học.
Còn một số ngành mới như Kinh doanh quốc tế, Bất động sản… chưa có phó giáo sư. Và hiện tại, nhà trường cũng chưa đào tạo trình độ sau đại học của những ngành nghề nêu trên.
Còn lại các ngành như Kinh doanh nông nghiệp có 8 tiến sĩ, Đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm có 5 tiến sĩ, Quản lý thông tin có 4 tiến sĩ về công nghệ thông tin.
Khi được hỏi về những khó khăn trong việc thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ) về đơn vị giảng dạy và nghiên cứu, Phó Giáo sư Lê Văn Thơ cho biết, điều này xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Thứ nhất, hiện nay, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên đang phải cạnh tranh với nhiều cơ sở đào tạo khác trong việc thu hút nguồn nhân lực về giảng dạy và nghiên cứu. Đây là một thực tế chung của nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay.
Rất nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu có trình độ cao, được đào tạo ở nước ngoài đều có xu hướng được làm việc, giảng dạy và nghiên cứu ở các thành phố lớn trực thuộc Trung ương như thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… Bởi khi làm việc ở các tỉnh thành phố lớn, các thầy cô sẽ có nhiều lợi thế, đãi ngộ.
Bên cạnh đó, bối cảnh của Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên còn gặp nhiều khó khăn về mặt kinh tế.
Vì vậy, nhà trường chưa có chính sách đặc thù để thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ) về làm việc. Hiện nay, trường mới chỉ có các chính sách nội bộ khuyến khích, giữ chân nhân lực hiện có.