Thông tin cá nhân được bảo mật trên tài khoản định danh điện tử như thế nào?
Tài khoản định danh điện tử là phương thức quản lý thông tin thẻ căn cước công dân và nhiều giấy tờ tùy thân của công dân. Bộ Công an đã áp dụng nhiều biện pháp bảo mật để đảm bảo an toàn dữ liệu cho công dân.
Tài khoản định danh điện tử có bao nhiêu mức độ?
Hiện nay, theo quy định tại Điều 5, Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg, tài khoản định danh điện tử bao gồm 2 mức độ:
Tài khoản định danh điện tử mức độ 1
Là tài khoản được tạo trong trường hợp:
Thông tin của công dân kê khai đã được so sánh, đối chiếu trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thông tin của người nước ngoài được so sánh, đối chiếu trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh (trừ ảnh chân dung và vân tay).
Tài khoản định danh điện tử mức độ 2
Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của cá nhân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung, hoặc vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh.
Tài khoản định danh điện tử được bảo mật như thế nào?
Tài khoản định danh điện tử có thể được hiểu là "ví giấy tờ điện tử", là phương thức quản lý thông tin thẻ căn cước công dân và nhiều giấy tờ tùy thân của công dân. Với mỗi công dân, đây là những thông tin cá nhân quan trọng.
Do đó, Bộ Công an đã áp dụng nhiều biện pháp bảo mật, luôn cập nhật thường xuyên cho hệ thống Định danh điện tử Quốc gia để đảm bảo an toàn dữ liệu cho công dân. Các dữ liệu trong suốt quá trình giao dịch cũng được bảo vệ qua nhiều lớp bảo mật và mã hóa bằng các thuật toán tiên tiến.
Tài khoản định danh điện tử của công dân chỉ có thể đăng nhập trên một thiết bị duy nhất tại một thời điểm. Chỉ khi công dân đăng ký truy cập vào ứng dụng VNeID các thông tin mới hiển thị. Các dữ liệu về định danh điện tử không được lưu trữ trên thiết bị nên khó truy cập vào thiết bị để đánh cắp thông tin. Khi cán bộ chức năng yêu cầu kiểm tra giấy tờ của công dân thì phải được sự cho phép mới có thể xem được thông tin.
Các bên thứ 3 như: ngân hàng, ví điện tử, y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công, muốn sử dụng dữ liệu của công dân phải được sự đồng ý của chủ tài khoản. Ngoài ra, thông tin công dân sẽ được ký số và được mã hóa. Hệ thống của các bên thứ 3 khi kết nối với hệ thống định danh, xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật. Dữ liệu mã hóa cộng với giải pháp bảo mật ở mức độ cao, nên có thể ngăn ngừa xâm nhập đánh cắp thông tin cá nhân.
Theo ghi nhận, từ ngày 20/10/2022, tài khoản định danh điện tử của cá nhân ở mức độ 2 có giá trị tương đương như thẻ căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch. Người dân đã bắt đầu được hưởng những lợi ích từ xác thực và định danh điện tử cùng ứng dụng VNeID.
Trong quá trình sử dụng, mỗi người dân cũng phải tự nâng cao nhận thức và chủ động thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho thông tin cá nhân của mình. Đây là yếu tố hết sức quan trọng cũng là điều kiện tiên quyết của mỗi công dân số.
Kích hoạt thành công tài khoản định danh điện tử mức độ 2, khi đăng ký, ứng dụng yêu cầu mật khẩu có độ phức tạp cao, có thể sử dụng xác thực bằng nhận dạng khuôn mặt và bảo mật nhiều lớp.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, để đảm bảo an toàn cho tài khoản định danh điện tử, bên cạnh việc không chia sẻ thông tin tài khoản cho người khác, người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về ứng dụng để nắm được các hướng dẫn an toàn bảo mật. Đặc biệt, chú ý đăng xuất tài khoản sau khi sử dụng.
Các ứng dụng độc hại vô tình được cài trên điện thoại khó có thể truy cập vào thiết bị để lấy cắp thông tin. Tuy nhiên, để bảo vệ thiết bị của mình, người dân cũng không nên cài các ứng dụng lạ.
Trường hợp, người dân bị mất điện thoại đang sử dụng tài khoản định danh điện tử, thì cần liên hệ cơ quan công an hoặc hotline 19000368 để được hỗ trợ khóa tạm thời tài khoản. Trường hợp công dân đăng nhập vào thiết bị mới, hệ thống sẽ có cảnh báo và gửi mã xác thực về ứng dụng đã cài đặt trên thiết bị cũ, công dân nhập mã này để xác thực. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng nhập trên thiết bị mới thì tài khoản sẽ tự động đăng xuất trên thiết bị cũ.
Theo Bộ Công an, tài khoản định danh điện tử có tính bảo mật cao, tích hợp nhiều thông tin của công dân. Vì vậy, có thể xuất trình căn cước công dân (CCCD) điện tử thông qua ứng dụng VNeID thay thế nhiều loại giấy tờ để thực hiện các thủ tục.
Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, công dân khi sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các dịch vụ công sẽ giảm thủ tục xác minh thông tin, có thể chia sẻ thông tin của mình để tạo tài khoản ngân hàng, tài chính, viễn thông... Thông tin tự điền vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không cần phải khai báo, điền nhiều lần như trước đây.
Khi đăng ký tài khoản định danh điện tử ở mức độ 2, thông tin trên thẻ CCCD gắn chip sẽ được tích hợp, tạo thành một thẻ CCCD điện tử. Đáng chú ý, CCCD điện tử có giá trị tương đương thẻ CCCD gắn chip vật lý. Có thể phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính mà không cần xuất trình thẻ CCCD gắn chip.
Các tiện ích của tài khoản định danh điện tử
Ứng dụng VNeID của Bộ Công an là ứng dụng được tích hợp cùng các tiện ích của thẻ CCCD điện tử; bảo đảm chính xác, tiện lợi và thông tin của công dân được bảo mật.
Người dân sau khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 1, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 thành công có thể đăng nhập và sử dụng các chức năng, tiện ích trên ứng dụng VNeID như:
Giải quyết dịch vụ công trực tuyến: Thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng… sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.
Các tính năng nổi bật: Ví giấy tờ, thông báo lưu trú, tố giác tội phạm… giúp công dân có thể thay thế căn cước công dân gắn chíp và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế…
Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo, thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền…
Để sử dụng ứng dụng được thuận lợi, hiệu quả, người dân cần tải ứng VNeID trên điện thoại thông minh. Đối với công dân đã có hồ sơ đăng ký tài khoản định danh và xác thực điện tử, đang chờ phê duyệt, cấp tài khoản.
Công dân làm thủ tục cấp tài khoản định danh và xác thực điện tử gắn với cấp đổi, cấp mới, cấp lại CCCD gắn chip; công dân làm thủ tục cấp tài khoản định danh và xác thực điện tử khi đã có thẻ căn cước công dân gắn chip.
Thông tin nào trên tài khoản định đanh điện tử có thể được sử dụng?
+ Thông tin căn cước công dân: Thay thế thẻ CCCD gắn chíp, có thể phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng khi thực hiện nhiều thủ tục hành chính mà không cần xuất trình CCCD.
+ Thông tin thẻ bảo hiểm y tế: Thay thế thẻ bảo hiểm y tế vật lý. Thông tin hiển thị bảo hiểm y tế trên VNeID được xác thực và truy xuất từ Cơ sở dữ liệu Bảo hiểm y tế Việt Nam. Vì vậy, thông tin về bảo hiểm y tế trên ứng dụng VNeID sẽ phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng khi khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm mà không cần trình thẻ bảo hiểm y tế vật lý.
+ Thông tin đăng ký xe, giấy phép lái xe: Các thông tin hiển thị các hạng giấy phép lái xe, đăng ký xe trên VNeID được liên thông, xác thực với cơ sở dữ liệu về giao thông vận tải. Do đó, người dân và cơ quan chức năng có thể sử dụng khi thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về giao thông đường bộ.
+ Thông tin người phụ thuộc, người giám hộ; thực hiện thông báo lưu trú mọi lúc, mọi nơi, không cần phải liên hệ qua cơ quan công an.
+ Chức năng tố giác tội phạm: VNeID cung cấp thêm một kênh chính thống để người dân tố giác tội phạm với cơ quan công an một cách bảo mật, an toàn mà không lộ lọt thông tin.
Những ai được đăng ký tài khoản định danh điện tử?
Mọi cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên được đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VNeiD. Người chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Đối với người được giám hộ khác thì cần đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của người giám hộ.
Những thông tin cần khai báo khi đăng ký gồm: Số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài); họ tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch (đối với người nước ngoài); số điện thoại, email.
Mọi người dân được miễn phí chi phí thực hiện đăng ký định danh điện tử. Tài khoản định danh sẽ có cùng thời hạn với thời hạn của CCCD gắn chíp.
Có bắt buộc phải đăng ký tài khoản định danh điện tử?
Bộ Công an khuyến khích công dân đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử để được hưởng nhiều lợi ích như tiết kiệm thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm các thủ tục trong giao dịch hành chính công.
Với tài khoản định danh điện tử mức độ 1, người dân được sử dụng một số tính năng cơ bản gồm: Phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng).
Với tài khoản định danh điện tử mức độ 2, công dân có thể sử dụng tất cả tiện ích mà ứng dụng VNeID cung cấp gồm: Tích hợp các loại giấy tờ (giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế), thanh toán nhiều loại hóa đơn điện tử (điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chuyển tiền).
Người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 trên ứng dụng VNeID. Với tài khoản định danh điện tử mức độ mức 2, công dân đến cơ quan công an địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) để đăng ký.
Cách đăng ký tài khoản định danh điện tử
Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 1 qua ứng dụng VNelD đối với người đã có CCCD gắn chip
- Bước 1: Sử dụng thiết bị di động cài ứng dụng VNelD.
- Bước 2: Truy cập VNelD, nhập số định danh cá nhân, số điện thoại hoặc thư điện tử; cung cấp các thông tin theo hướng dẫn trên ứng dụng; thu nhận ảnh chân dung và gửi yêu cầu đề nghị cấp tài khoản.
- Bước 3: Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua VNelD, tin nhắn SMS hoặc thư điện tử.
Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2
+ Đối với công dân đã có CCCD gắn chip.
- Bước 1: Công dân đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp CCCD để làm thủ tục cấp tài khoản định danh điện tử; thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ công an.
- Bước 2: Cán bộ chức năng nhập thông tin công dân cung cấp vào hệ thống định danh và xác thực điện tử; chụp ảnh chân dung, lấy mẫu vân tay của công dân để xác thực với cơ sở dữ liệu căn cước công dân và khẳng định sự đồng ý đăng ký tạo tài khoản định danh.
- Bước 3: Cơ quan quản lý định danh điện tử thông báo kết quả đăng ký tài khoản qua VNelD, tin nhắn SMS hoặc thư điện tử. Trường hợp công dân chưa có thẻ CCCD gắn chip, cơ quan Công an sẽ tiến hành cấp tài khoản định danh điện tử mức độ 2 cùng với cấp thẻ CCCD.