Thông tin cơ bản về Kazakhstan và quan hệ Việt Nam - Kazakhstan

Người Ca-dắc được biết đến trong lịch sử vào cuối thế kỷ XV khi thành lập Nhà nước du mục ở phía Tây và vùng trung tâm của Ca-dắc-xtan ngày nay. Từ 1488 đến 1518, các Hãn người Ca-dắc kiểm soát hầu như toàn bộ thảo nguyên Trung Á. Từ thế kỷ XVIII, đế chế Nga bắt đầu sáp nhập lãnh thổ Ca-dắc-xtan. Năm 1920, thành lập nước cộng hòa tự trị Ca-dắc-xtan. Năm 1936, Ca-dắc-xtan chính thức gia nhập Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, ngày 16/12/1991 Ca-dắc-xtan tuyên bố độc lập.

Quốc kỳ Kazakhstan, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Quốc kỳ Kazakhstan, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

A. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CA-DẮC-XTAN

I. Thông tin chung

II. Khái quát lịch sử

Người Ca-dắc được biết đến trong lịch sử vào cuối thế kỷ XV khi thành lập Nhà nước du mục ở phía Tây và vùng trung tâm của Ca-dắc-xtan ngày nay. Từ 1488 đến 1518, các Hãn người Ca-dắc kiểm soát hầu như toàn bộ thảo nguyên Trung Á.

Từ thế kỷ XVIII, Đế chế Nga bắt đầu sáp nhập lãnh thổ Ca-dắc-xtan. Năm 1920, thành lập nước cộng hòa tự trị Ca-dắc-xtan. Năm 1936, Ca-dắc-xtan chính thức gia nhập Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, ngày 16/12/1991 Ca-dắc-xtan tuyên bố độc lập.

III. Thể chế nhà nước, chế độ chính trị, đảng phái chính trị

Ca-dắc-xtan theo chế độ Cộng hòa Tổng thống. Tổng thống Ca-dắc-xtan được bầu trực tiếp, phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm.

Cơ quan lập pháp: Quốc hội Ca-dắc-xtan gồm hai viện là Thượng viện (Se-nat, 49 ghế, trong đó 15 ghế do Tổng thống chỉ định, 34 ghế được bầu bằng phổ thông đầu phiếu từ các tỉnh thành, nhiệm kỳ 6 năm) và Hạ viện (Ma-zi-lit, 107 ghế, 9 ghế độc lập do Hội đồng nhân dân Ca-dắc-xtan chỉ định, 69 ghế được bầu với tỉ lệ theo danh sách Đảng, 29 ghế được bầu theo khu vực, nhiệm kỳ 5 năm).

Cơ quan hành pháp: Thủ tướng được Tổng thống bổ nhiệm với sự chấp thuận của Hạ viện. Thủ tướng trình Tổng thống thông qua danh sách nội các.

Các chính Đảng: Đảng A-ma-nát (chiếm 40/107 ghế trong Hạ viện), Đảng Đảng Dân chủ Nhân dân yêu nước “Auyl” (8/107), Đảng Cộng hòa (6/107 ghế), Đảng Dân chủ Ác-Giôn (6/107), Đảng Nhân dân Ca-dắc-xtan (5/107), Đảng Dân chủ Xã hội Toàn dân (4/107) .

IV. Tình hình

1. Chính trị nội bộ

Sau khi tuyên bố độc lập, Ca-dắc-xtan thực hiện chính sách chuyển đổi thể chế từng bước. Dưới thời ông Na-da-bai-ép, Ca-dắc-xtan trở thành một trong số 50 quốc gia phát triển nhất thế giới. Sau 30 năm lãnh đạo đất nước, năm 2019, ông Na-da-bai-ép chuyển giao quyền lực cho ông Tô-kai-ép (trước đó là Chủ tịch Thượng viện – chức vụ quan trọng thứ 2 sau Tổng thống ở Ca-dắc-xtan).

Ngày 16/3/2022, Tổng thống Tô-kai-ép đã tuyên bố Thông điệp xây dựng “Ca-dắc-xtan mới”, gồm các cải cách sâu rộng trên tất cả các mặt, trước mắt là hệ thống chính trị, gồm thay đổi Hiến pháp, bầu cử Tổng thống trước hạn (11/2022), bầu cử Quốc hội (Thượng viện – 01/2023, Hạ viện – 3/2023).

2. Kinh tế - Xã hội

Ca-dắc-xtan là một nước công - nông nghiệp. Công nghiệp dựa vào khai thác và chế biến tài nguyên, chế tạo máy xây dựng, máy kéo, máy nông nghiệp. Nông nghiệp chủ yếu chăn nuôi và trồng trọt. Ca-dắc- xtan đứng đầu thế giới về trữ lượng kẽm, barit, vonfram; thứ hai về bạc, chì và crôm, phốt pho; thứ sáu về vàng, thứ bảy về đồng; có trữ lượng dầu mỏ nằm trong top 15 thế giới với tổng trữ lượng 23 tỷ tấn, riêng vùng biển Ca-xpi của Ca-dắc-xtan có trữ lượng 13 tỷ tấn dầu; nằm trong top 10 thế giới về trữ lượng than.

Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, GDP giảm 2,6%. Năm 2021 GDP Ca-dắc-xtan tăng 4%; năm 2022 tăng 3,2%.

Ca-dắc-xtan có vị trí thuận lợi trong việc kết nối giữa Châu Á và Châu Âu. Hiện nay Ca-dắc-xtan đang triển khai nhiều chương trình, sáng kiến kết nối nhằm hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm quá cảnh và logistic tại Trung Á, đặc biệt là trung tâm vận chuyển hàng hóa đường bộ nối liền Trung Quốc với Châu Âu, như: Nurly Zhol (Con đường sáng); Hợp tác Kinh tế khu vực Trung Á (CAREC); Hành lang Vận tải Quốc tế xuyên Ca-xpi (sáng lập của Ca-dắc-xtan, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Georgia).

Ca-dắc-xtan tập trung thực hiện chính sách kinh tế - thương mại theo hướng mở cửa thị trường, hội nhập với nền kinh tế thế giới. Ngày nay các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Ca-dắc-xtan là công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, nông nghiệp. Nguồn thu chủ yếu của nền kinh tế Ca-dắc-xtan là xuất khẩu nguyên nhiên liệu. Ca-dắc-xtan là thành viên của Liên minh Kinh tế Á - Âu (gồm Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan, Ác-mê-nia và Cư-rơ-gít).

Các đối tác thương mại chính của Ca-dắc-xtan gồm Nga (24%), Trung Quốc (18%), Ý (9,5%), Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, U-dơ-bê-ki-xtan, Pháp, Hàn Quốc, Mỹ.

Hiện nay Ca-dắc-xtan là nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất tại khu vực Trung Á. Lĩnh vực đầu tư chính là khai khoáng, đặc biệt là than đá, dầu mỏ, khí gas (49,5%).

V. Chính sách đối ngoại

Ca-dắc-xtan thực hiện đường lối đối ngoại đa phương, cân bằng và thực dụng, phấn đấu nâng cao vị thế ở Châu Á. Ca-dắc-xtan chủ trương tăng cường quan hệ với các nước lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc; tích cực hợp tác trong Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế; tăng cường hội nhập khu vực và thế giới, tích cực củng cố khối SNG, liên kết Trung Á, tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, là nước sáng lập Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA).

Ca-dắc-xtan là thành viên của nhiều Tổ chức quốc tế như: Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), Hội nghị phối hợp và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Hội nghị đối thoại hợp tác châu Á (ACD), Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC), thành viên của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU)…

B. QUAN HỆ VIỆT NAM – CA-DẮC-XTAN

I. Quan hệ chính trị

- Việt Nam và Ca-dắc-xtan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/6/1992. Tháng 7/2008, Đại sứ quán Việt Nam tại Ca-dắc-xtan chính thức hoạt động. Ngày 30/3/2015, Ca-dắc-xtan mở Đại sứ quán tại Việt Nam.

- Quan hệ giữa Việt Nam và Ca-dắc-xtan là quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Hai nước phối hợp hành động chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác.

- Việt Nam và Ca-dắc-xtan đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, như:

+ Đoàn Việt Nam thăm Ca-dắc-xtan: Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (tháng 2/1994), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (6/1994), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (9/2009), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (4/2012), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (7/2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm và dự Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (5/2015), Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân (4/2017), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (10/2017), Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (9/2019), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân (10/2022).

+ Đoàn Ca-dắc-xtan thăm Việt Nam: Tổng thống Ca-dắc-xtan N. Na-da-bai-ép (10/2011), Chủ tịch Hạ viện K. Đờ-gia-cu-pốp (3/2015), Chủ tịch Hạ viện N. Ních-ma-tu-lin (tháng 11/2019), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Mu-khơ-ta Ti-le-u-béc-đi (tháng 8/2022).

- Hai nước có cơ chế Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao (đã tiến hành tham vấn trực tiếp vào các năm 2005, 2007, 2009, 2011, 2012, 2017; 11/2020 dưới hình thức trực tuyến) và Vụ trưởng Vụ khu vực (tháng 6/2013).

II. Hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư

- Thương mại song phương giữa Việt Nam và Ca-dắc-xtan có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khiêm tốn. Năm 2022 xuất nhập khẩu đạt 584 triệu USD, giảm 6,3% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu 524 triệu USD (giảm 4,7% so với năm 2021) và nhập khẩu 60 triệu USD (giảm 18% so với năm 2021). Bốn tháng đầu năm 2023, trao đổi thương mại song phương đạt 124, 2 triệu USD, tăng 34,5% so với cùng kỳ năm 2022.

- Hiện nay mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai bên còn hạn chế. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, máy vi tính, hàng điện tử, nông sản (gạo, hạt điều, hạt tiêu), hải sản, rau quả đóng hộp, quần áo, giày dép; nhập khẩu các nguyên liệu thô như chì, kẽm chưa qua chế biến, sắt, thép không gỉ, các sản phẩm từ kim loại màu.

- Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Ca-dắc-xtan về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật họp luân phiên. Khóa 10 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9/2022.

- Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu ký Hiệp định Thương mại tự do ngày 29/5/2015 tại Ca-dắc-xtan. Hiệp định có hiệu lực từ 05/10/2016. Ca-dắc-xtan là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam trong EAEU (sau Nga), năm 2021 thương mại song phương Việt Nam – Ca-dắc-xtan chiếm 10% thương mại giữa Việt Nam với EAEU.

- Hiện nay tại hai nước chưa có Thương vụ trên lãnh thổ của nhau.

- Hợp tác năng lượng: Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và Công ty dầu khí quốc gia Ca-dắc-xtan (KazMunaigas) ký kết một số thỏa thuận hợp tác, tuy nhiên chưa triển khai trên thực tế.

- Hợp tác nông nghiệp : Kim ngạch thương mại nông sản 2 giữa Việt Nam và Ca-dắc-xtan vào khoảng 25-30 triệu USD/năm. Ta xuất khẩu sang Bạn chủ yếu là các sản phẩm rau quả đóng hộp, gỗ, chè, hạt tiêu, điều,…và nhập khẩu chủ yếu là các sản phẩm từ sắn và lúa mỳ.

Hiện nay có 2 doanh nghiệp người Việt là Công ty sản xuất mì Mareven Food Thiên Sơn tại thành phố Ka-pa-sa-gay và Công ty sản xuất mì Liya tại thành phố Al-ma-tư. Ở Việt Nam, có công ty Cổ phần xây dựng Coteccons do tập đoàn Kusto của Ca-dắc-xtan nắm giữ.

III. Hợp tác trong các lĩnh vực khác

1. Hợp tác tại các diễn đàn khu vực và đa phương

Ca-dắc-xtan đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Hội đồng Chấp hành UNESCO và Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026. Việt Nam đã ủng hộ Ca-dắc-xtan vào Nhóm Viễn Đông thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).

2. Hợp tác giáo dục – đào tạo

Ngày 15/9/2009, hai bên đã ký Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, đến nay hợp tác giáo dục giữa 2 nước vẫn còn hạn chế. Hàng năm hai bên trao đổi trên cơ sở tương đương 3 học bổng đại học. Hiện nay có 06 lưu học sinh Việt Nam đang học đại học tại Ca-dắc-xtan theo diện Hiệp định; 02 lưu học sinh Ca-dắc-xtan đang học tại Việt Nam (01 tại ĐH Hà Nội, 01 tại Học viện Ngoại giao).

3. Hợp tác văn hóa – du lịch

- Trong lĩnh vực văn hóa : Hai bên đã tổ chức Những Ngày Văn hóa trên lãnh thổ của nhau (tháng 9/2012 và tháng 6/2013); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày Việt Nam tại Ca-dắc-xtan (8/2017) trong khuôn khổ EXPO-2017 Át-sta-na; Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sang Ca-dắc-xtan giao lưu kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (nhân chuyến tham dự cuộc thi âm nhạc quốc tế tổ chức tại Ca-dắc-xtan từ ngày 15-25/6/2017). Năm 2021 Đại sứ quán Ca-dắc-xtan đã tổ chức Những ngày phim Ca-dắc-xtan tại Đà Nẵng. Năm 2023 hai nước triển khai công tác trao đổi giảng viên chuyên ngành âm nhạc

- Trong lĩnh vực du lịch: Hai bên có tiềm năng hợp tác du lịch lớn, đặc biệt sau khi có đường bay thẳng. Hiện nay, có 7 chuyến bay thẳng mỗi tuần giữa Việt Nam và Ca-dắc-xtan. Tháng 03/2023, Bộ VHTTDL đã gửi phía Kazakhstan dự thảo Kế hoạch hợp tác du lịch giữa hai Bộ để trao đổi, tiến tới ký kết, tạo cơ sở tăng cường hơn nữa hợp tác du lịch.

Từ tháng 9/2019 Ca-dắc-xtan đã áp dụng quy chế miễn thị thực đơn phương cho công dân Việt Nam trong thời hạn 30 ngày.

4. Hợp tác Trong lĩnh vực giao thông vận tải: Đối với vận chuyển đường sắt, trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác ký tháng 2/2017 giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và công ty quốc gia Ca-dắc-xtan Temir Zholy hai bên đã triển khai vận chuyển công-te-nơ trong liên vận quốc tế giữa Việt Nam, Trung Quốc, Ca-dắc-xtan và Nga. Đối với vận chuyển hàng không, hai bên đã ký Bản ghi nhớ giữa Cục Hàng không Việt Nam và Ủy ban Hàng không dân dụng Ca-dắc-xtan (có hiệu lực từ 20/9/2019) và Hiệp định hàng không song phương giữa hai nước (ký năm 2012).

5.Hợp tác lao động: Năm 2009, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ca-dắc-xtan đã ký Hiệp định về việc công dân Việt Nam làm việc có thời hạn tại Cộng hòa Ca-dắc-xtan và công dân Ca-dắc-xtan làm việc có thời hạn tại Việt Nam. Tuy nhiên tới nay không có doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam đăng ký hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc tại Ca-dắc-xtan

6. Hợp tác địa phương: Hiện nay giữa Việt Nam và Ca-dắc-xtan có các cặp quan hệ Hà Nội – Át-sta-na từ tháng 9/2012 (trước đây còn có cặp quan hệ Thành phố Hồ Chí Minh – An-ma-tư từ tháng 10/2011 song nay Bản ghi nhớ đã hết hiệu lực), hai bên thường xuyên duy trì trao đổi đoàn, học hỏi kinh nghiệm, gặp gỡ doanh nghiệp, thúc đẩy du lịch… Tuy nhiên, kết quả hợp tác còn hạn chế, chưa tương xứng tiềm năng của địa phương hai nước.

IV. Cộng đồng người Việt ở Ca-dắc-xtan: có khoảng 50 người, chủ yếu tập trung ở thủ đô cũ An-ma-tư, phần lớn có thẻ định cư, làm ăn sinh sống ổn định. Một số lượng nhỏ người Việt là du học sinh và giảng viên đại học sang giảng dạy theo hợp đồng có thời hạn.

V. Các hiệp định đã ký kết

- Hiệp định về hợp tác kinh tế và thương mại (ký ngày 01/02/1994).

- Nghị định thư về trao đổi ý kiến giữa hai Bộ Ngoại giao (ký ngày 01/02/1994).

- Hiệp định về đi lại lẫn nhau của công dân hai nước (ký tháng 9/2009).

- Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục (ký tháng 9/2009).

- Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau (ký tháng 9/2009).

- Hiệp định hợp tác lao động (ký tháng 9/2009).

- Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự (ký tháng 10/2011).

- Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập (ký tháng 10/2011).

- Nghị định thư bổ sung Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục ký ngày 15 tháng 9 năm 2009 (ký tháng 10/2011).

- Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật (ký tháng 9/2012).

- Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (ký tháng 6/2017).

- Hiệp định về dẫn độ (ký tháng 6/2017).

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Vân Anh

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/thong-tin-co-ban-ve-kazakhstan-va-quan-he-viet-nam-kazakhstan-686789.html