Thông tin cơ bản về Nhóm 07 nước công nghiệp phát triển G7
Nhóm 07 nước công nghiệp phát triển (Nhóm G7, Group of Seven), được thành lập vào năm 1976, là một liên minh gồm 07 nước có nền công nghiệp tiên tiến: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Ca-na-đa, và I-ta-li-a
1. Một số nét nổi bật về G7:
- Nhóm 07 nước công nghiệp phát triển (Nhóm G7, Group of Seven), được thành lập vào năm 1976, là một liên minh gồm 07 nước có nền công nghiệp tiên tiến: Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Ca-na-đa, và I-ta-li-a. Cùng với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), G7 đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và củng cố cấu trúc và quản trị toàn cầu. G7 còn là tập hợp tiếng nói, phản ánh quan điểm tương đồng và lợi ích của các quốc gia phát triển trong giải quyết các vấn đề chung về an ninh quốc tế và thúc đẩy các cuộc thảo luận giải quyết thách thức toàn cầu.
- Các thành viên nhóm G7 sở hữu tổng cộng hơn một nửa giá trị tài sản thế giới, thường xuyên chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, với thị trường khoảng 10% tổng dân số thế giới. Liên minh châu Âu có đầy đủ quyền và trách nhiệm của thành viên nhóm, ngoại trừ việc chủ trì hoặc tổ chức các cuộc họp. Nga (trước đó là Liên Xô) đã từng tham gia đầy đủ vào các cuộc gặp của nhóm G7, hình thành Nhóm G8. Tuy nhiên từ năm 2014, Nga bị loại khỏi G7 sau sự kiện Bán đảo Crưm và xung đột tại Đôn-bát.
- Hội nghị thượng đỉnh (HNTĐ) G7 là được tổ chức hàng năm ở Cấp Người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ các thành viên và do nước chủ tịch (theo luân phiên) đăng cai. HNTĐ tập trung trao đổi, thúc đẩy, giải quyết các vấn đề toàn cầu từ kinh tế, chính trị, xã hội gồm tài chính, tăng trưởng, công nghệ, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, dịch bệnh, bình đẳng giới, các điểm nóng, xung đột trên toàn cầu…
- Bên cạnh HNTĐ, G7 có các cơ chế Hội nghị thường niên giữa các
Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Ngoại giao và Thống đốc Ngân hàng trung ương. Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực khác (Môi trường, Năng lượng, Lao động, Nông nghiệp…) có thể họp tùy thuộc vào chương trình nghị sự và ưu tiên của nước chủ tịch.
- HNTĐ G7 mở rộng được tổ chức trong khuôn khổ HNTĐ G7, với sự tham dự của các nước và tổ chức quốc tế khách mời. HNTĐ G7 mở rộng đầu tiên được tổ chức năm 2000 với Nam Phi là khách mời đầu tiên. HNTĐ G7 mở rộng nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sự tham dự và đóng góp của các nước đang phát triển, đẩy mạnh quan hệ đối tác của G7 với các nước đang phát triển trong giải quyết các thách thức toàn cầu.
2. Về HNTĐ G7 lần thứ 49 năm 2023:
HNTĐ G7 lần thứ 49 diễn ra từ ngày 19-22/5 tại thành phố Hi-rô-si-ma,
Nhật Bản, trong đó HNTĐ G7 mở rộng từ ngày 20-21/5. Khách mời của HNTĐ G7 mở rộng năm nay gồm lãnh đạo cấp cao của 08 quốc gia và 06 tổ chức quốc tế. HNTĐ mở rộng gồm 03 phiên, với các chủ đề: “Hợp tác xử lý đa khủng hoảng” (tập trung vào các chủ đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới); “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững” (tập trung vào các chủ đề khí hậu, môi trường và năng lượng) và “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng” (tập trung vào các chủ đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương). HNTĐ G7 mở rộng dự kiến thông qua “Chương trình hành động Hi-rô-si-ma về An ninh lương thực toàn cầu tự cường”. Đây là lần đầu tiên HNTĐ G7 mở rộng thông qua một văn kiện chung.
3. Tham gia của Việt Nam tại G7:
Ngày 20/3/2023, Thủ tướng Nhật Bản Ki-si-đa Phư-mi-ô (Kishida Fumio) mời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự HNTĐ G7 mở rộng 2023. Đây là lần thứ 03 Việt Nam tham dự HNTĐ G7 mở rộng. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự HNTĐ G7 mở rộng ngày 26-28/5/2016 tại I-sê, Nhật Bản và HNTĐ G7 mở rộng ngày 09/6/2018 tại Quê-béc, Ca-na-đa.
Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được Nhật Bản mời tham dự HNTĐ G7 mở rộng năm nay. Sự tham dự của Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn