Thông tin đất là 'bí mật cá nhân'?

Theo hướng dẫn của tòa, người khởi kiện yêu cầu chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện xác nhận thông tin quyền sử dụng đất của bị đơn để hoàn tất hồ sơ khởi kiện thì bị từ chối với lý do 'bí mật cá nhân'…

Bà VTM và ông NVU là lối xóm, có nhà đất liền kề. Cho rằng ông U. lấn chiếm đất của mình nên bà M. nộp đơn yêu cầu UBND xã Hậu Thành (huyện Cái Bè, Tiền Giang) giải quyết.

Từ chối xác nhận thông tin

Hội đồng hòa giải xã Hậu Thành đã tổ chức hòa giải nhưng ông U. nhiều lần vắng mặt. Vì vậy, hội đồng hòa giải lập các biên bản và chuyển hồ sơ lên TAND huyện Cái Bè để giải quyết.

Trong đơn khởi kiện, bà M. yêu cầu tòa xác định ranh giới giữa hai thửa đất và yêu cầu ông U. trả phần đất lấn chiếm. Sau đó, TAND huyện Cái Bè có công văn gửi bà M. để hướng dẫn hồ sơ khởi kiện của bà. Công văn của tòa nêu do bà M. đang tranh chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) với ông U. nên bà phải liên hệ địa chính xã Hậu Thành hoặc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Cái Bè để xin xác nhận thông tin QSDĐ của ông U. (diện tích, số thửa, tứ cận, ai đứng tên).

Thực hiện hướng dẫn của tòa, ngày 8-11-2017, bà M. làm đơn yêu cầu cung cấp thông tin (có kèm theo công văn của tòa) gửi Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Cái Bè để xin xác nhận thông tin QSDĐ của ông U.

Tuy nhiên, Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Cái Bè đã trả lại đơn, không đồng ý xác nhận thông tin theo yêu cầu của bà M. Đơn vị này cho rằng công văn của tòa chỉ gửi cho bà M. và hướng dẫn cho bà M. chứ không phải là văn bản yêu cầu đơn vị xác nhận thông tin QSDĐ của ông U. Đồng thời căn cứ vào các văn bản hiện hành như khoản 2 Điều 38 BLDS 2015, Thông tư 34/2014 của Bộ TN&MT, Công văn 1851/2017 của VPĐKĐĐ tỉnh Tiền Giang thì thông tin QSDĐ là thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân nên không cung cấp cho người khác.

Một vụ khác, bà H. khởi kiện ra TAND huyện Cái Bè xin ly hôn với ông T. và yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng là QSDĐ… Do ông T. đang giữ giấy tờ đất nên bà H. không thể cung cấp chứng cứ là thông tin QSDĐ cho tòa được. Do đó, bà H. làm đơn yêu cầu xác nhận thông tin QSDĐ nhưng Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Cái Bè cũng từ chối, không đồng ý xác nhận thông tin.

Sai quy định

Theo quy định hiện hành, việc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Cái Bè từ chối xác nhận thông tin QSDĐ để người dân hoàn tất hồ sơ khởi kiện theo yêu cầu của tòa trong hai vụ việc trên là đúng hay sai?

Luật sư Nguyễn Sa Linh(Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định việc chi nhánh VPĐKĐĐ huyện từ chối xác nhận thông tin là không đúng quy định trong Thông tư 34/2014 của Bộ TN&MT (quy định về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai).

Cụ thể, theo thông tư này, tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai (ở đây là chi nhánh VPĐKĐĐ huyện). Khi nhận được phiếu yêu cầu, văn bản yêu cầu hợp lệ của tổ chức, cá nhân, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai thực hiện việc cung cấp dữ liệu cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác dữ liệu. Trường hợp từ chối cung cấp dữ liệu thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do...

Thông tư 34/2014 cũng quy định rõ các trường hợp không cung cấp dữ liệu: Văn bản, phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu mà nội dung không rõ ràng, cụ thể; yêu cầu cung cấp dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước không đúng quy định. Văn bản yêu cầu không có chữ ký của người có thẩm quyền và đóng dấu xác nhận đối với tổ chức; phiếu yêu cầu không có chữ ký, tên và địa chỉ cụ thể của cá nhân yêu cầu cung cấp dữ liệu. Mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định của pháp luật. Không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Như vậy, các vụ việc của bà M. và bà H. không thuộc các trường hợp mà chi nhánh VPĐKĐĐ huyện có quyền từ chối cung cấp thông tin theo Thông tư 34/2014.

Theo luật sư Linh, việc các đương sự cần làm là thực hiện các thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định tại Thông tư 34/2014. Trường hợp chi nhánh VPĐKĐĐ huyện từ chối cung cấp thông tin, họ có thể yêu cầu chi nhánh trả lời bằng văn bản để cung cấp và giải trình cho tòa hoặc để thực hiện việc khiếu nại lên giám đốc VPĐKĐĐ tỉnh Tiền Giang.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Sơn Lâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Khoản 2 Điều 106 BLTTDS 2015 có quy định: “Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp cho mình hoặc đề nghị tòa án tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn”. Như vậy, nếu các đương sự đã làm đơn yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ nhưng VPĐKĐĐ huyện Cái Bè không giải quyết thì họ có thể làm đơn đề nghị tòa thu thập chứng cứ giúp.

Mặt khác, Điều 4 BLTTDS 2015 quy định người dân có quyền được yêu cầu tòa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Điều 189 BLTTDS 2015 cũng quy định nếu vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đủ thì có thể nộp các tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh cho quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Các tài liệu khác sẽ nộp bổ sung trong quá trình tòa giải quyết. Do đó, tòa không có quyền từ chối thụ lý yêu cầu khởi kiện của người dân với lý do là người dân không cung cấp được chứng cứ. Tòa hoàn toàn có thể thụ lý, sau đó trong quá trình giải quyết thì đương sự hoặc tòa thu thập, bổ sung thêm chứng cứ cho đầy đủ.

Hiểu luật đúng chưa?

Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Cái Bè có viện dẫn khoản 2 Điều 38 BLDS 2015 để từ chối yêu cầu xác nhận thông tin QSDĐ của bà M. Điều khoản này quy định: “Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Theo nhiều chuyên gia, ở đây việc người dân yêu cầu xác nhận thông tin QSDĐ theo hướng dẫn của tòa chính là “trường hợp luật có quy định khác” (BLTTDS 2015, Luật Đất đai 2013) nên chi nhánh VPĐKĐĐ huyện không thể không xác nhận thông tin QSDĐ cho đương sự. Cạnh đó, VPĐKĐĐ tỉnh Tiền Giang cần có văn bản hướng dẫn lại và chấn chỉnh công tác xác nhận thông tin QSDĐ để hoàn tất hồ sơ khởi kiện của người dân.

Thiếu sót của cấp xã

Theo khoản 1 Điều 88 Nghị định 43/2014 (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013), khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, UBND cấp xã có trách nhiệm thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất.

Như vậy, khi hòa giải, UBND cấp xã có trách nhiệm xác minh thông tin QSDĐ của các bên nhưng thực tế nhiều UBND cấp xã không thực hiện nên khi nộp đơn khởi kiện ra tòa, người khởi kiện không có thông tin về QSDĐ của phía bị đơn.

M.KHÁNH - P.LOAN

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/thong-tin-dat-la-bi-mat-ca-nhan-757044.html