Thông tin mới về nhân sự, bộ máy chính quyền địa phương

Bộ trưởng Nội vụ sẽ thay mặt Chính phủ ký tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và các văn bản liên quan, trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, diễn ra vào giữa tháng 2/2025.

Bộ Nội vụ chủ động báo cáo, giải trình

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Cụ thể, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự án luật do Bộ Nội vụ trình, đồng thời giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án.

Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm về nội dung tiếp thu, hoàn thiện dự án luật, và phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, chủ động báo cáo, giải trình trong quá trình thẩm tra, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án luật.

Bộ trưởng Nội vụ được giao thay mặt Chính phủ ký tờ trình dự án luật và các văn bản liên quan trình Quốc hội theo tiến độ đề ra.

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội là cơ quan được giao thẩm tra, sau đó sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 (tháng 2/2025).

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật vừa qua, Chính phủ lưu ý, việc quy định chức năng của các cấp chính quyền phải phù hợp với vị trí, vai trò của mỗi cấp được quy định trong Hiến pháp. Qua đó, tạo sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh trên địa bàn.

Không tổ chức HĐND tại các quận, phường

Tại tờ trình và dự thảo luật, Bộ Nội vụ nhấn mạnh, việc ban hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nhằm đảm bảo thống nhất, đồng bộ với “cuộc cách mạng” tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.

Trong lần sửa đổi này, mô hình chính quyền địa phương được thiết kế theo hướng “kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian”, đồng thời phát huy những kết quả tích cực của chính quyền đô thị thời gian qua.

Trên cơ sở đó, với chính quyền đô thị, tại thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc thành phố, thị xã, thị trấn sẽ tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm HĐND và UBND.

Trong khi đó, tại quận, thành phố thuộc tỉnh; phường thuộc quận; phường, xã thuộc thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “không tổ chức HĐND” mà chỉ tổ chức UBND.

Đối với UBND tại nơi không tổ chức HĐND sẽ là cơ quan hành chính trực thuộc UBND cấp trên, hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính. Chủ tịch, các phó chủ tịch UBND do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm.

Để đảm bảo tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, dự thảo luật quy định nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng đại biểu HĐND, khung số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND, khung số lượng các ban của HĐND các cấp.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thong-tin-moi-ve-nhan-su-bo-may-chinh-quyen-dia-phuong-post1711811.tpo