Thông tin mới về sức khỏe của các bệnh nhân mắc COVID-19 nặng

Chiều 14/4, tại Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19, các thành viên Tiểu ban Điều trị, Hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm đã hội chẩn công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Điều trị cho các ca bệnh COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Hồng Hà/TTXVN

Điều trị cho các ca bệnh COVID-19 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Hồng Hà/TTXVN

Bệnh nhân số 91 có nhiều tín hiệu khả quan

Tham dự hội chẩn tại Trung tâm có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Giám đốc Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19; Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Quý Châu - quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam.

15 điểm cầu tham gia hội chẩn như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương và các bác sỹ các khoa Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu của Bệnh viện đang điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Điểm cầu Bệnh viện Bạch Mai có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức Tích cực cùng các chuyên gia huyết học...

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thảo - Phó Giám đốc Bệnh viện cùng kíp bác sĩ hỗ trợ trực tiếp điều trị bệnh nhân số 91 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Bệnh viện trung ương Huế có Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện. Ngoài ra còn có các chuyên gia Bệnh viện Nội Tiết Trung ương, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam; Bệnh viện Dã chiến Củ Chi; Bệnh viện đa khoa Cần Giờ… cùng tham gia hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng.

Tại buổi hội chẩn, các chuyên gia tại các điểm cầu tiếp tục trao đổi và xin ý kiến về 4 trường hợp bệnh nhân nặng, trong đó có 3 bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương là bệnh nhân số 19, 161, 251 (từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam chuyển lên hôm 9/4) và bệnh nhân số 91 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh.

Hiện bệnh nhân số 91 có một số tín hiệu diễn biến lâm sàng khả quan hơn, dù vẫn dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân đã có những tiến triển chậm, hình ảnh XQ phổi có cải thiện; không sốt, thở máy và ECMO, được theo dõi rối loạn đông máu - Hội chứng HIT. Bệnh nhân vẫn được kíp bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ điều trị và theo dõi sát sao.

Tại buổi hội chẩn, Hội đồng chuyên môn đã chúc mừng những nỗ lực của các bác sỹ điều trị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh khi tình trạng bệnh nhân 91 sang giai đoạn mới với nhiều tín hiệu khả quan dù vẫn còn tiên lượng nặng.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở 2, hiện có 3 ca nặng được Hội đồng chuyên môn tiếp tục chẩn đoán. Trong đó, bệnh nhân 19 sau 29 ngày điều trị đã có thời gian phải dùng ECMO, hiện đã có dấu hiệu hồi phục sau ngừng tuần hoàn. Bệnh nhân tỉnh, gọi giao tiếp được được; dấu hiệu sinh tồn khả quan.

Đối với bệnh nhân 161, 88 tuổi từ Bệnh viện Bạch Mai chuyển sang (bị tai biến, xuất huyết não và liệt 1/2 người bên trái), Hội đồng chuyên môn cũng đề nghị xem xét cai máy thở, kiểm soát tăng huyết áp, đái tháo đường cho người bệnh.

Đối với bệnh nhân số 251, 64 tuổi vừa được chuyển lên từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, có tiền sử gout nặng, uống rượu, xơ gan. Ca bệnh này đã được hội đồng chuyên mốn tư vấn trao đổi về vấn đề dinh dưỡng, điều trị gout, xơ gan, chống đông máu …

Các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động sàng lọc, phát hiện sớm người bệnh

Tại buổi hội chẩn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê khẳng định, Hội đồng chuyên môn là một khối thống nhất và trí tuệ, tất cả vì người bệnh COVID-19. Hội đồng chuyên môn đã vượt qua được nhiều thách thực trong công tác chẩn đoán và điều trị người bệnh. Mặc dù, hiện nay số lượng bệnh nhân ở các bệnh viện không nhiều nhưng bệnh nhân nặng, nhiều bệnh lý phức tạp đi kèm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cũng chuyển lời động viên của Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống bệnh COVID-19 tới Hội đồng chuyên môn và các bác sỹ điều trị trực tiếp người bệnh COVID-19.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, hiện hệ thống khám, chữa bệnh đã được nâng cao cấp độ cảnh báo khi tất cả các bệnh nhân đến khám đều coi là F1. Do đó, các cơ sở khám, chữa bệnh phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; sàng lọc, phát hiện sớm người bệnh.

Bên cạnh đó, Hội đồng chuyên môn tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; nghiên cứu hướng sử dụng huyết tương trong điều trị và giao Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Hướng dẫn tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản và vận chuyển huyết tương của người đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19.

Giao Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Hướng dẫn sử dụng huyết tương tiếp nhận từ người đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 để điều trị cho người bệnh thể nặng; vấn đề hướng dẫn sử dụng thuốc; sử dụng máy thở trong điều trị bệnh nhân nặng; xây dựng và hoàn thiện các hướng dẫn cho các đối tượng nguy cơ…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cũng nhấn mạnh việc các bệnh nhân ra viện về cộng đồng phải tuân thủ cách ly sau điều trị. Các bệnh viện tiếp tục theo sát bệnh nhân và giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật các địa phương theo dõi và xét nghiệm lại. Nếu cần thiết phải khẳng định xét nghiệm tại Labo, tham chiếu kết quả xét nghiệm để khẳng định.

Lê Hảo - Bích Thủy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/suc-khoe/thong-tin-moi-ve-suc-khoe-cua-cac-benh-nhan-mac-covid19-nang-20200414192459449.htm