Thông tin mới về vụ ngộ độc rượu làm 2 người tử vong tại Lâm Đồng
Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Ủy ban Nhân dân xã Lát, nơi xảy ra vụ ngộ độc, yêu cầu các cơ sở kinh doanh rượu trên địa bàn tạm ngưng hoạt động.
Ngày 8/7, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo nhanh về vụ ngộ độc rượu tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát (huyện Lạc Dương).
Theo kết luận của Sở Y tế, có 10 người liên quan đến vụ ngộ độc, trong đó 2 anh em ruột là Liêng Jrang Ha Hôn và Liêng Jrang Ha Hải, tử vong ngày 7/7; bệnh nhân Klong Ha Khuyn đang toan chuyển hóa nặng.
Còn một người có triệu chứng ngộ độc đến khám và được Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho về tiếp tục theo dõi tại nhà.
Qua kết quả xác minh và tổng hợp từ Công an xã, Trạm Y tế xã Lát, Đoàn điều tra tỉnh Lâm Đồng ghi nhận diễn biến vụ việc như sau, ngày 30/6, hai bệnh nhân Liêng Jrang Ha Hôn và Liêng Jrang Ha Hải cùng 2 người là Ka Long Ha Suyl, Lơ Mu Ha Jip ăn cơm, uống bia, rượu tại nhà Liêng Jrang Ha Hôn từ 17 giờ, trong đó Ka Long Ha Suyl không uống rượu.
Theo khai báo, rượu được mua từ tạp hóa Thanh Trà ở thôn Đạ Nghịt, xã Lát và tự pha thêm rượu chuối hột đóng chai sẵn nhưng không rõ cơ sở sản xuất, không rõ mua tại đâu.
Trưa 1/7, Liêng Jrang Ha Hôn và Liêng Jrang Ha Hải (gọi tắt là 2 bệnh nhân) cùng Ka Long Ha Suyl và Ha Lis ăn cơm, có uống bia, rượu, trong đó 2 bệnh nhân uống rượu còn lại từ ngày hôm trước là loại rượu trắng, không pha.
Còn Ka Long Ha Suyl và Ha Lis chỉ uống bia. Chiều cùng ngày có thêm Lơ Mu Ja Kơ tham gia ăn uống. Lơ Mu Ja Kơ có đến tạp hóa Thanh Trà mua thêm rượu.
Khoảng 17 giờ cùng ngày, ông Klong Ha Khuyn đến nhà Liêng Jrang Ha Hôn cùng uống rượu là loại rượu trắng tại nhà Hôn.
Khoảng từ 8-13 giờ ngày 2/7, hai bệnh nhân ăn uống tại nhà Jrang Ha Hôn cùng K’Trắc (trú tại xã Rô Men, huyện Đam Rông). Cả 3 người có sử dụng rượu nhưng không ghi nhận được thông tin cơ sở cung cấp rượu.
Từ 13-14 giờ cùng ngày, có thêm Liêng Hot Ha Blol là hàng xóm của 2 bệnh nhân tham gia bữa ăn, người này chỉ uống bia, đến nay không có triệu chứng gì.
Từ 17 giờ ngày 2/7, có thêm ông Lơ Mu Ja Kơ tham gia bữa ăn và mua thêm 1 lít rượu tại tạp hóa Thanh Trà. Hiện nay người này không có triệu chứng gì. Bữa ăn kết thúc vào khoảng 23 giờ 30 phút ngày 2/7.
Theo kết quả điều tra thực tế từ rác thải gia đình cơ quan chức năng thu thập được, bữa ăn gồm gỏi tai heo, mỳ gói, nước ngọt, rượu. Các món ăn còn lại không xác định được do không tiếp xúc được bệnh nhân.
Đến khoảng 9 giờ ngày 3/7, ông Klong Ha Khuyn uống rượu cùng với Liêng Jrang Ha Gus và Cil Ha Thuận tại nhà Khuyn, rượu do Gus đi mua tại tạp hóa Thanh Trà.
Ngày 4-5/7, ông Klong Ha Khuyn tiếp tục tự uống rượu một mình tại nhà là rượu mua tại tạp hóa Thanh Trà.
Đến ngày 7/7, Klong Ha Khuyn nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng với triệu chứng mắt nhìn mờ, đau đầu, khó thở, sau đó được chuyển sang khoa Hồi sức chống độc để điều trị, hiện chẩn đoán toan chuyển hóa nặng chưa rõ nguyên nhân, theo dõi độc tố chưa rõ loại, nhiễm trùng chưa rõ tiêu điểm. Bệnh nhân đang phải lọc máu liên tục.
Ngày 4/7, Liêng Jrang Ha Gus, sinh năm 1988, cùng trú tại thôn Đạ Nghịt có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, mệt lả và đã đi khám bác sỹ tư.
Tuy nhiên thấy người còn mệt nên tới 16 giờ ngày 7/7, Liêng Jrang Ha Gus đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và được bệnh viện cho về theo dõi sức khỏe tại nhà.
Theo kết luận của cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, đây là vụ ngộ độc thực phẩm, nghi do rượu. Có 10 trường hợp liên quan đến vụ ngộ độc này, trong đó 2 trường hợp tử vong, 1 trường hợp đang điều trị tích cực và 1 trường hợp cho về theo dõi tại nhà. Các trường hợp khác có liên quan hiện chưa ghi nhận triệu chứng.
Ngày 5/7, Cơ quan chức năng đã lấy 10 mẫu rượu thu thập được thực hiện test nhanh chỉ tiêu methanol tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn Đạ Nghịt, kết quả có 5/5 mẫu âm tính.
Cơ quan chức năng đang gửi 10/10 mẫu tới Phòng kiểm nghiệm đảm bảo tiêu chuẩn và được Bộ Y tế cấp phép để tiến hành định lượng chỉ tiêu methanol.
Ngày 8/7, Đoàn kiểm tra tiếp tục lấy 5 mẫu trong 5 can rượu và tạm giữ toàn bộ số rượu khoảng 90 lít của một cơ sở cung cấp rượu cho tạp hóa Thanh Trà.
Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Ủy ban Nhân dân xã Lát yêu cầu các cơ sở kinh doanh rượu trên địa bàn tạm ngưng hoạt động và thông báo tới những người đã mua tạm ngưng sử dụng rượu do cơ sở này cung cấp, chỉ kinh doanh rượu rõ nguồn gốc, xuất xứ, đầy đủ nhãn mác, có hồ sơ tự công bố sản phẩm.
Địa phương tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó tuyên truyền để nhân dân tuyệt đối không lạm dụng rượu, không uống rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường, không sử dụng methanol để pha chế rượu, tập trung vào đối tượng là cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, cơ sở sản xuất rượu thủ công và nhân dân trên địa bàn.
Trạm Y tế xã Lát tiếp tục làm việc với gia đình của 2 bệnh nhân để xác minh tất cả nguồn gốc rượu họ sử dụng.
Thông báo trên loa phát thanh của xã việc tạm ngưng sử dụng rượu tại các hộ kinh doanh trên địa bàn và đơn vị sản xuất, kinh doanh rượu khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa thực hiện tự công bố sản phẩm…
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, Phòng Y tế huyện Lạc Dương phối hợp với trung tâm y tế huyện, đơn vị chức năng trên địa bàn tiếp tục điều tra, xử lý, báo cáo kết quả nhanh hàng ngày cho đến khi kết thúc vụ việc trên; tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, đặc biệt là cơ sở nấu rượu thủ công.
Ngành chức năng tăng cường giám sát lấy mẫu kiểm nghiệm các loại rượu nghi ngờ không đảm bảo an toàn thực phẩm...
Trước đó, từ ngày 6-8/7, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã đưa tin vụ việc ngộ độc rượu tập thể làm 2 người tử vong, 1 người nguy kịch, xảy ra tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương./.