Thông tin mới vụ cán bộ công an hy sinh hơn 70 năm chưa được công nhận liệt sĩ
Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Văn Huệ, nguyên cán bộ công an, từng là Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời hy sinh hơn 70 năm chưa được công nhận liệt sĩ, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã có văn bản gửi người nhà ông Huệ hướng dẫn gia đình liên hệ với ngành công an để được giải quyết.
Báo Tiền Phong nhận được đơn nhờ hỗ trợ của bà Trần Thị Ngọc Điệp (SN 1968, ngụ TP.HCM) liên quan đến người cậu ruột hi sinh hơn 70 năm vẫn chưa được công nhận liệt sĩ. Ngay sau khi tiếp nhận đơn, PV đã đến một số đơn vị liên quan để làm rõ và đăng loạt 2 bài theo diễn biến vụ việc.
Ngay sau khi báo đăng bài phản ánh, Công an tỉnh Bình Dương là đơn vị trực tiếp giải quyết vụ việc có phản hồi và cho biết đã cử cán bộ đi xác minh hồ sơ. Sau đó, đơn vị này trả lời rằng, trường hợp ông Nguyễn Văn Huệ (SN 1905, xã An Điền, TX. Bến Cát, Bình Dương) chưa thể xét công nhận liệt sĩ vì hồ sơ chưa xác định rõ. Theo đó, công an đề nghị gia đình tự đến UBND xã để xác minh lại.
Trong khi Công an tỉnh Bình Dương nói chưa có cơ sở để xét công nhận liệt sĩ cho ông Huệ, mới đây Sở Lao động - Thương bình & Xã hội tỉnh này đã có công văn thể hiện rõ lai lịch của ông Huệ và đề nghị ngành công an giải quyết.
Cụ thể, công văn số 4854/SLĐTBXH ngày 18/9/2019 do bà Nguyễn Ngọc Hằng - Phó giám đốc ký ghi rõ “Những trường hợp hi sinh từ năm 1994 trở về trước đã được ghi là liệt sĩ trong giấy báo tử trận, Huân chương, Huy chương, giấy chứng nhận đeo Huân chương, Huy chương, Bảng vàng danh dự, gia đình vẻ vang; danh sách liệt sĩ lưu trữ tại các trung đoàn, tương đương; lịch sử Đảng bộ xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và xuất bản, báo cáo hằng năm trước 1995 của các cấp ủy Đảng được lưu giữ tại cơ quan có thẩm quyền của Đảng”.
“Qua kiểm tra lịch sử Đảng bộ xã An Điền có ghi nhận thông tin liệt sĩ Nguyễn Văn Huệ (SN 1905), đơn vị trước khi hi sinh là Công an huyện Bến Cát (nay là Công an TX. Bến Cát, Bình Dương). Đề nghị gia đình làm thủ tục để được xét công nhận liệt sĩ đối với ông Nguyễn Văn Huệ”, trích công văn của Sở Lao động - Thương binh&Xã hội tỉnh Bình Dương.
Ngoài ra, trao đổi trực tiếp với PV báo Tiền Phong, đại diện lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, Sở chỉ có vai trò đi xác minh lý lịch còn đơn vị trực tiếp xét công nhận liệt sĩ đối với ông Nguyễn Văn Huệ phải do Công an tỉnh giải quyết vì ông Huệ thuộc cán bộ ngành công an.
Không chỉ chính quyền địa phương, Sở Lao động, Thương binh và xã hội mà nguyên Giám đốc Công an tỉnh Sông Bé cũ (nay là tỉnh Bình Dương) cũng có xác nhận ông Huệ là liệt sĩ nhưng phía Công an tỉnh Bình Dương lại một mực khẳng định chưa có cơ sở để xét liệt sĩ cho ông Huệ. Từ đó, người thân ông Huệ tỏ ra thất vọng nhiều lúc nản lòng muốn buông xuôi.
Được biết, ông Nguyễn Chí Thành, lúc đó là Trưởng Công an huyện Bến Cát sau đó là Giám đốc Công an tỉnh Sông Bé cũ. Lúc bấy giờ, ông Thành đã làm giấy xác nhận về việc ông Huệ là cấp dưới đã hi sinh. Trong giấy xác nhận, ông Thành cho biết, ông tên là Nguyễn Chí Thành nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Sông Bé. Ông Thành khẳng định ông Nguyễn Văn Huệ là liệt sĩ của Công an huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một, sau đó là tỉnh Sông Bé. Ông Huệ là cán bộ công an sống chung với ông Thành.
Trước đó, báo Tiền Phong đã có loạt bài phản ánh về việc ông Nguyễn Văn Huê (SN 1905, ngụ xã An Điền, TX. Bến Cát, Bình Dương) nguyên là cán bộ Công an huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương từng là Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời vào tháng 8/1945) nhưng đến nay (hơn 70 năm) ông vẫn chưa được công nhận liệt sĩ dù đã có giấy xác nhận của các đơn vị liên quan.
Suốt hàng chục năm qua, ông Nguyễn Văn Huệ vẫn luôn được cán bộ nhiều thế hệ và người dân gọi là liệt sĩ. Dù vậy, đến nay ông vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Do người thân của ông số nhiều đã mất, người còn lại đi nơi khác lập nghiệp nên không ai làm thủ tục công nhận cho ông. Đến khi người cháu ruột về quê nghe người dân chỉ dẫn đã tìm cách giúp cậu nhưng đến nay vẫn đang vô vọng.
Theo hồ sơ lưu giữ từ chính quyền địa phương, vào tháng 8/1945, ông Nguyễn Văn Huệ là Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời. Sau đó, ông Huệ làm cán bộ công an tại huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Vào ngày 2/2/1949 (tức ngày mùng 5 tết âm lịch), trong quá trình làm nhiệm vụ trên quốc lộ 13 thì bị địch tấn công và hy sinh.
“Chúng tôi đang tiếp tục xác minh. Tuy nhiên, vì không có giấy tờ chứng minh ông Huệ hy sinh khi làm nhiệm vụ nên rất khó”, đại diện Công an tỉnh Bình Dương nói.