Thông tin mới vụ Úc tố chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát nguy hiểm
Tài liệu mới cho thấy khi máy bay trực thăng Úc đang bay về phía Đông Nam bán đảo Sơn Đông - Trung Quốc, nhưng nằm ngoài lãnh hải của nước này, chiến đấu cơ Trung Quốc phóng pháo sáng.
Tờ Guardian ngày 10-7 tiết lộ rằng tàu chiến HMAS Hobart của Úc cũng bị theo dõi bởi một tàu khu trục của lực lượng hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và một máy bay trực thăng khác của Trung Quốc vào thời điểm xảy ra vụ đối đầu trên Hoàng Hải ngày 4-5.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles, vào ngày 4-5, máy bay chiến đấu J-10 của không quân Trung Quốc đã thả pháo sáng phía trên, cách vài trăm mét phía trước trực thăng MH-60R Seahawk của Úc.
Máy bay chiến đấu Trung Quốc bị cáo buộc gây nguy hiểm cho trực thăng quân sự Úc. Vụ việc nổi lên như một điểm nóng trong căng thẳng giữa hai nước, phủ bóng đen lên nỗ lực "ổn định" mối quan hệ ngoại giao.
Chính phủ Úc vẫn từ chối tiết lộ địa điểm chính xác, nơi mà họ cáo buộc Trung Quốc thả pháo sáng "không an toàn và không chuyên nghiệp", nhưng các tài liệu thu được theo Luật tự do thông tin (FoI) tiết lộ thêm nhiều chi tiết.
Tờ Guardian đưa tin số tài liệu này bao gồm các báo cáo tóm tắt mà Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles nhận được về vụ việc ở Hoàng Hải, nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.
Một email được gửi vào tối ngày 5-5 lưu ý rằng tàu khu trục HMAS Hobart "đang hoạt động ở Hoàng Hải, phía Đông Nam bán đảo Sơn Đông, nằm trong khuôn khổ chiến dịch Argos". Chiến dịch Argos là hoạt động nhằm giám sát thực thi những biện pháp chính sách của Liên Hiệp Quốc cấm vận Triều Tiên.
Nội dung email từ chỉ huy hoạt động cho biết: "Máy bay trực thăng MH-60R trên tàu HMAS Hobart đã bay trên không trong thời gian này. HMAS Hobart đang bị theo dõi bởi tàu khu trục của Hải quân PLA và… trực thăng từ tàu đó".
Email cho biết khi pháo sáng được phóng "trong phạm vi khoảng 300 m" tính từ trực thăng MH-60R Seahawk, trực thăng phải di chuyển để tránh pháo sáng.
"Trên cơ sở đó, vụ việc được đánh giá là không an toàn".
Email cũng cho biết văn bản phản đối chính thức sẽ được gửi tới tùy viên quốc phòng của PLA tại thủ đô Canberra (Úc) vào ngày hôm sau (ngày 6-5) và đại sứ quán Úc tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) sẽ thực hiện các dàn xếp "ngay khi có thể".
Tối hôm sau (6-5), Nine News đã tiết lộ vụ đụng độ ở Hoàng Hải trong một bản tin truyền hình có trích dẫn từ cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Quốc phòng Úc. Ngay sau khi bản tin đó được phát sóng, Bộ trưởng Marles và các cơ quan liên quan đã đưa ra những tuyên bố công khai rộng rãi hơn.
Theo các tài liệu vừa mới thu thập (bao gồm một phần được đánh dấu là "không được phát hành công khai"), chiếc trực thăng của Úc "trong nhiệm vụ thứ hai" đã bị máy bay phản lực của lực lượng không quân PLA theo dõi và phải thực hiện "hành động tránh khẩn cấp" khi pháo sáng được phóng ở cự ly gần.
Một tài liệu cho biết: "Chiếc MH-60R sau đó đã thông báo với máy bay PLA rằng trực thăng sẽ rời khỏi khu vực do lo ngại về an toàn và quay trở lại HMAS Hobart. Trực thăng đã hạ cánh an toàn".
Địa điểm chính xác của vụ việc đã bị bỏ trống trong các tài liệu được cung cấp cho báo Guardian.
Thế nhưng, các nhà quan sát độc lập cho biết các tài liệu dường như cho thấy vụ việc xảy ra ngoài lãnh hải Trung Quốc (kéo dài tới 12 hải lý) và vùng tiếp giáp của Trung Quốc (kéo dài tới 24 hải lý).
Các nhà quan sát nghĩ điều này có nghĩa là, ít nhất, vụ việc phải xảy ra cách bờ biển Trung Quốc 24 hải lý, có thể nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc.
Khi được liên hệ để bình luận về các tài liệu mới, chính phủ Úc cho biết các địa điểm cụ thể "không thể được cung cấp vì lý do an ninh hoạt động".
Một người phát ngôn quốc phòng cho biết việc Lực lượng Quốc phòng Úc (ADF) hoạt động trong khu vực có tương tác với PLA là "việc thường xuyên xảy ra" và hầu hết các tương tác đó đều "an toàn và chuyên nghiệp".