Thông tin người Trung cổ có hàm răng khủng khiếp là đúng hay bịa đặt?
Theo Thợ săn sử bịa Jo Hedwig Teeuwisse việc chăm sóc răng miệng thời Trung cổ có thể không tiến bộ như ngày nay, nhưng răng của họ cũng không quá tệ.
Có thể bạn đã nghe
Vào thời Trung cổ, mọi người, đặc biệt là nông dân, đều có hàm răng màu đen, xanh hoặc không có răng. Tất nhiên, đó là thời kỳ mà lý do nào đó, mọi người không quan tâm đến vấn đề vệ sinh, sức khỏe hay ngoại hình.
Điều đó được mô tả trong các bộ phim cũng như phim truyền hình dài tập của Hollywood, trong sách vở được dạy ở trường hay bởi các hướng dẫn viên trong viện bảo tàng. Vì vậy, chắc chắn nó là sự thật.
Vạch trần
Mặc dù thế giới của chúng ta luôn thay đổi nhưng con người lại không thay đổi nhiều. Tổ tiên của chúng ta thoạt nhìn có thể giống như những người xa lạ với những thói quen kỳ dị cùng với những quan điểm kỳ quặc. Nhưng nếu nhìn xa hơn ấn tượng đầu tiên đó, thì bạn sẽ thấy mọi người đều ưa thích đồ ăn ngon, tình bạn, sự thoải mái, ấm áp, sạch sẽ và hạnh phúc.
Từ thuở bình minh, chúng ta cũng đâu có thích cái đói, sự cô đơn, khó chịu, lạnh lẽo, bẩn thỉu hay buồn bã, đúng không nào. Khi bạn nhìn lại toàn bộ lịch sử với quan điểm đó, thì ý tưởng rằng trong một thời đại cụ thể, ở một khu vực cụ thể trên thế giới, mọi người đột nhiên ngừng quan tâm đến răng miệng hay mùi của hơi thở… nghe có vẻ thật ngớ ngẩn.
Dù bạn có đẹp trai hay cuộc hẹn có làm bạn say xỉn đến đâu đi nữa, nhưng nếu răng bạn bị sâu, nướu bị chảy máu và hơi thở có mùi, thì chắc chắn bạn sẽ không được hôn, bạn sẽ không gặp may và cũng không được về nhà với người mà bạn thực sự thích.
Không quan trọng bạn đang hẹn hò với ai đó từ thời Đồ đá (có bằng chứng cho thấy tổ tiên thời tiền sử của chúng ta đã sử dụng cành cây để đánh răng!), thời Trung cổ, thời Victoria hay một người mà bạn vừa gặp tuần trước tại quán rượu.
Đừng lo lắng, bạn vẫn có thể chỉ vào màn hình và bật cười khi thấy một hiệp sĩ trong bộ phim bom tấn nào đó với hàm răng đều tăm tắp và sáng lóa đến mức người xem phải che mắt khi anh ta cười. Không ai trong lịch sử từng có hàm răng như các ngôi sao ở Hollywood ngày nay, xin nhắc lại lần nữa, hầu hết mọi người trên thế giới đều không có hàm răng như vậy.
Nói vậy thôi, chứ răng người thời Trung Cổ cũng không quá tệ - ít nhất thì không tệ như chúng ta được thường nghĩ. Trên thực tế, chúng khá tốt. Rõ ràng việc chăm sóc răng miệng thời đó không tiến bộ như ngày nay, nhưng - đây là điều chắc chắn - người thời Trung cổ ít cần đến nó hơn, vì chế độ ăn của họ thường không chứa nhiều (nếu có) đường như chế độ ăn của con người ngày nay.
Những gì chúng ta cho vào miệng ở thời điểm này, về nhiều mặt là kém lành mạnh hơn cũng như gây hại cho răng nhiều hơn so với chế độ ăn thời Trung cổ. Chỉ cần nhìn vào tất cả các loại nước ngọt, đồ ngọt hay thực phẩm có chất phụ gia tinh vi mà chúng ta ngốn hàng ngày là biết. Tất nhiên, hút thuốc và uống cà phê cũng chẳng giúp ích gì.
Tóm lại, những thứ đe dọa răng miệng của chúng ta một cách nghiêm trọng như vậy, đơn giản là không xuất hiện ở thời Trung cổ. Đường đã có mặt ở châu Âu từ thời xa xưa, nhưng phải nhập khẩu và rất đắt đỏ. Nó vẫn là một thứ xa xỉ cho đến rất lâu sau khi thời Trung cổ kết thúc.
Lúc đó, cà phê và thuốc lá thậm chí còn chưa có ở châu Âu. Một tin thật buồn cho tổ tiên chúng ta, nhưng là tin vui cho hàm răng của họ. Bên cạnh việc răng có ít nguy cơ bị tổn thương hơn, người thời Trung cổ còn đơn giản là thích có hàm răng sạch sẽ và hơi thở thơm tho.
Mặc dù không thực sự có bàn chải, nhưng họ vẫn sử dụng cành cây để nhai và giẻ để chà răng, cũng như sử dụng tất cả các loại bột nhão hoặc bột tự chế. Chúng ta thậm chí còn có một số công thức cũ cho các sản phẩm dùng để làm trắng răng, chẳng hạn như cây Glycyrrhiza glabra đã (và vẫn đang) đặc biệt thích hợp cho việc chăm sóc răng miệng.
Nó được biết đến nhiều hơn với tên gọi cam thảo, có chứa các hợp chất ngăn ngừa và điều trị sâu răng cũng như bệnh nướu răng. Nhiều cửa hàng thực phẩm nguyên chất và một số nhà hóa học vẫn đang bán những que nhai này.
Từ bài thơ dài mô tả các thói quen vệ sinh hàng ngày có tên Regimen sanitatis Salernitanum (tạm dịch: Quy tắc sức khỏe của người Salernitan), có lẽ được viết vào thế kỷ 12 hoặc 13, mặc dù nó có thể còn lâu đời hơn:
Vào lúc bình minh, khi bạn ra khỏi giường,
Hãy rửa bằng nước lạnh cả hai tay và mắt.
Dùng bàn chải chà răng và dùng lược chải tóc,
Sẽ cảm thấy sảng khoái, rồi cẩn thận duỗi tay chân.
Não mệt mỏi, làm việc quá sức sẽ lại được phục hồi
Và các bộ phận cơ thể sẽ thư thái khỏe khoắn.
Và từ Descriptio Cambriae (Mô tả xứ Wales), được viết bởi Gerald xứ Wales vào thế kỷ thứ 12:
Cả hai giới đều chăm sóc răng miệng rất kỹ, nhiều hơn tôi từng thấy ở bất kỳ quốc gia nào. Họ thường xuyên chà sạch chúng bằng chồi cây phỉ xanh rồi dùng vải len chà xát cho đến khi chúng sáng bóng như ngà voi.
Nhưng “chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài” của chuyện hoang đường này là việc răng của nhiều bộ xương thời Trung cổ đã được các nhà khảo cổ học tìm thấy và kiểm tra. Chúng đều trong tình trạng khá tốt. Răng tổ tiên ta thời Trung cổ phải chịu đựng nhiều vết mòn, mảng bám và cao răng hơn, nhưng lại ít bị sâu - nguyên nhân gây ra tổn hại cho răng nhiều nhất. Tuy nhiên, chúng ta không được nghĩ rằng, răng của họ đều đẹp và sáng bóng bởi họ cũng gặp rắc rối với chúng.
Nhiều bộ xương thời Trung cổ bị mất một vài chiếc răng vì đủ loại lý do và một bệnh nhiễm trùng nhỏ - mà ngày nay có thể dễ dàng điều trị - có thể đã trở nên nguy hiểm vào thời đó. Xin lưu ý, nha khoa thường là một công việc khá tàn bạo.
Dẫu vậy thì sáo ngữ dân gian rập khuôn về thời Trung cổ với răng đen, vàng hoặc hầu như không có răng, không thực sự phù hợp với các ghi chép cùng thời, các bằng chứng khảo cổ học và lẽ thường.
Chúng ta biết tổ tiên mình quan tâm đến hàm răng của mình, mong chúng trông trắng sạch, đồng thời cố gắng tránh hơi thở có mùi. Họ có thể không phải lúc nào cũng thành công và nhiều phương thuốc, công thức cũng như quy trình của họ không thực sự giúp ích nhiều, nhưng họ đã cố gắng hết sức.