Thông tin sai lệch và những 'gã khổng lồ' công nghệ

Emma Briant, Phó Giáo sư về Tin tức và Truyền thông Chính trị tại Đại học Monash cho rằng, trong quá trình đối phó với vấn đề tuyên truyền thông tin sai lệch, trí óc con người có nguy cơ thua cuộc trước cuộc chiến với công nghệ lớn.

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Nước Mỹ đang bước vào năm bầu cử có nhiều rủi ro nhất trong lịch sử. Ông Donald Trump, cựu tổng thống từng bị luận tội 2 lần với ít nhất 4 cuộc điều tra hình sự, một lần nữa có khả năng là ứng cử viên đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống. Với gần 3 tỷ người trên toàn thế giới sẽ đi bỏ phiếu trong 2 năm tới, không có gì ngạc nhiên khi “Báo cáo rủi ro toàn cầu” của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhấn mạnh những mối đe dọa nghiêm trọng mà các cuộc bầu cử này phải đối mặt. Trong một báo cáo được công bố vào năm 2016, WEF tuyên bố “thông tin thiếu chính xác và thông tin sai lệch có định hướng” là kẻ thù số 1 của thế giới hiện nay.

Tất nhiên, Elon Musk đã bác bỏ điều này, coi đó là âm mưu nhằm dập tắt những nhân vật bất đồng chính kiến. Trong khi đó, giới báo chí cũng như cộng đồng nghiên cứu vấn đề thông tin sai lệch phần lớn đã đón nhận tuyên bố của WEF như một sự chứng thực và là lời kêu gọi tăng cường nỗ lực trong cuộc chiến chống lại sự giả dối.

Khoa Tin tức và Truyền thông Chính trị của Đại học Monash là một địa chỉ tin cậy của nhiều học giả.

Khoa Tin tức và Truyền thông Chính trị của Đại học Monash là một địa chỉ tin cậy của nhiều học giả.

Thế nhưng, vào thời điểm quan trọng này, chúng ta cần rèn luyện tầm nhìn của chính bản thân về bản chất của vấn đề: Kẻ thù số 1 không phải là thông tin sai lệch, mà là “Nền kinh tế sức chú ý” - trong đó, sự chú ý của con người được coi là một loại hàng hóa đặc biệt, vì vậy việc dùng thông tin để thu hút và phân bổ sự chú ý của con người đối với một mục tiêu xác định là một nhiệm vụ quan trọng.

Kể từ năm 2016, hàng triệu USD đã được đầu tư vào các sáng kiến toàn cầu nhằm ứng phó với thông tin sai lệch, nhưng tuyên truyền theo lối cực đoan vẫn kiểm soát cuộc sống của con người. Các giải pháp cho vấn đề này đã nhiều lần thất bại: một số chuyên gia đảm bảo rằng công chúng được “giáo dục” hoặc được trang bị các biện pháp phòng ngừa để nhận ra và bác bỏ những thông tin sai lệch phổ biến.

Tuy nhiên, khi người dân chuyển sang tìm kiếm thông tin để xác định những tuyên bố sai sự thật, các nhà nghiên cứu tại Đại học New York (NYU) nhận thấy họ thường dễ dàng tìm thấy những thông tin ủng hộ thuyết âm mưu. Hoặc, như báo cáo của 404 Media, các nội dung mà người dân tìm được đều do AI tạo ra. Nhóm của NYU giải thích rằng, “việc tìm kiếm thông tin trực tuyến để đánh giá tính trung thực của các bài báo sai sự thật thực chất lại làm tăng mức độ tin cậy của các bài báo đó”. Trong khi đó, niềm tin vào báo chí ở Mỹ và các nơi khác thì giảm dần.

Tất nhiên, giáo dục là một biện pháp. Nhưng, thông tin lừa dối hàng loạt do AI tạo ra không còn là khoa học viễn tưởng và những tiến bộ công nghệ nhanh chóng ngày nay đang tạo ra một môi trường mà công dân chưa được trang bị đủ năng lực để phát hiện hành vi giả mạo trực tuyến. Sự phổ biến của thông tin sai lệch sẽ làm gia tăng sự không chắc chắn và buộc công chúng phải phụ thuộc vào các chuyên gia để đánh giá thông tin trực tuyến. Các tổ chức chính phủ, quy trình tin cậy và an toàn, nhà báo, học giả và các công cụ xác minh - sẽ là “tiền tuyến” trước cuộc tấn công mạnh mẽ của những luồng thông tin giả tưởng, dựa trên dữ liệu được tính toán để tạo ra các thuyết âm mưu làm mất ổn định các tiến trình dân chủ.

Kiểm duyệt và tài phiệt

Các giải pháp khác được đề xuất bao gồm tự điều chỉnh hành vi, tức là các công ty công nghệ lớn thi hành các chính sách đảm bảo niềm tin và an toàn bằng cách can thiệp để chứng thực/loại bỏ những thông tin sai lệch và phân biệt chủng tộc khỏi các trang mạng, giúp công chúng cuối cùng được an toàn.

Trong khi đó, việc kiểm duyệt nội dung lành mạnh đối với người dùng, cũng như nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết thông tin sai lệch bằng cách cảnh báo các nền tảng về vi phạm chính sách, có thể được coi là biện pháp kiểm duyệt, đồng thời cung cấp công cụ để công chúng chống lại những âm mưu tương tự, giúp họ đối phó với những tổ chức có nhiều dấu hiệu đáng ngờ từng được tin cậy trong thời gian dài. Các phán quyết gần đây đã hạn chế chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc tiếp cận nhiều nền tảng. Theo Free Press, các nền tảng không còn cố gắng xây dựng niềm tin và thiết lập sự an toàn khi Meta, Twitter và YouTube từ bỏ 17 chính sách bảo vệ chống lại sự thù địch và thông tin sai lệch, đồng thời sa thải hơn 40.000 nhân viên.

Hai nhà tài phiệt truyền thông Elon Musk và Mark Zuckerberg.

Hai nhà tài phiệt truyền thông Elon Musk và Mark Zuckerberg.

Thêm vào đó là sự nổi lên của các nhà tài phiệt truyền thông xã hội như Elon Musk, người kiểm soát toàn bộ dữ liệu và thuật toán nền tảng chính, và Mark Zuckerberg, người sở hữu nền tảng Facebook tròn 20 năm tuổi và vẫn giữ thái độ được cho là vô trách nhiệm với thực tế. Việc củng cố quyền lực trong tay một số ít cá nhân làm tăng thêm mối lo ngại được chuyên gia Zeynep Tufekci nhấn mạnh, cho rằng một nền tảng công nghệ không công bằng có thể tấn công vào thông tin, dữ liệu của cá nhân, tổ chức “để định hướng cử tri và nhằm mục tiêu vào cử tri của một ứng cử viên ưu tiên lợi ích kinh tế hoặc các lợi ích khác của chủ sở hữu nền tảng” không hề minh bạch.

Như các nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Carolina (UNC) đã lưu ý, các giải pháp phải vượt ra ngoài phạm vi báo chí và kiến thức kỹ thuật số để bao gồm cả những thay đổi về cấu trúc. Họ ủng hộ luật chống độc quyền và giảm sức mạnh độc quyền, thực tế đã đạt được một số bước tiến quan trọng: vụ kiện chống độc quyền đầu tiên nhằm vào Google sẽ được xét xử vào tháng 9/2024. Nhưng, liệu chỉ giải pháp như vậy có thể giải quyết được vấn đề hay không?

Các giải pháp cho vấn đề “thông tin sai lệch” sẽ luôn không thỏa đáng vì chúng không thừa nhận mối đe dọa nghiêm trọng hơn mà nền kinh tế sức chú ý đã tạo ra: Cơ sở hạ tầng để hỗ trợ, khuyến khích và hưởng lợi từ các chiến dịch “vũ khí hóa” nỗi lo lắng một cách có hệ thống. Ngay cả Claire Wardle, đồng tác giả với Hossein Derakhshan trong một trong những báo cáo có ảnh hưởng nhất tập trung vào chính sách và cộng đồng nghiên cứu về thông tin sai lệch, đã nhận xét: “Chỉnh đốn môi trường thông tin xung quanh cuộc bầu cử không chỉ liên quan đến việc xử lý thông tin sai lệch”.

Thuyết âm mưu

Điều trớ trêu về nỗi ám ảnh với thông tin sai lệch là hầu hết diễn ngôn này trên thực tế đều liên quan đến các thuyết âm mưu. Và, sức hấp dẫn của các thuyết âm mưu không nằm ở sự giả dối của các tuyên bố, mà ở những câu chuyện mang tính hệ tư tưởng khiến các cộng đồng chống lại nhau và những câu chuyện cực đoan về thiện và ác có thể mang lại cảm giác chắc chắn trong một thế giới hỗn loạn.

Năm 2023, Cảnh sát Điện Capitol đã điều tra 8.008 lời đe dọa chống lại các nhà lập pháp.

Năm 2023, Cảnh sát Điện Capitol đã điều tra 8.008 lời đe dọa chống lại các nhà lập pháp.

Các thuyết âm mưu đã có từ lâu, nhưng chúng ta đang chứng kiến tác động ngày càng lớn khi các thuật toán kiếm lợi nhuận từ việc lan truyền thông tin bằng cách thu hút người dùng và chứng rối loạn lo âu đột nhiên trở thành vấn đề nghiêm trọng và có tác động chính trị. Với những doanh nghiệp mới và lợi nhuận lớn, chúng ta đã chứng kiến toàn bộ sự xuất hiện của một lĩnh vực có liên quan: luật pháp tạo ra những câu chuyện về tham nhũng hoặc gian lận bầu cử, giới tình báo tìm ra “bằng chứng” và những người có ảnh hưởng vốn im lặng nay bắt đầu xôn xao. Hậu quả là, các mối đe dọa biến thành bạo lực trong bối cảnh lĩnh vực kinh tế sức chú ý thu được ngày càng nhiều lợi nhuận. Tình hình chưa bao giờ cấp bách đến thế.

Năm 2016, cảnh sát Điện Capitol chỉ điều tra 902 lời đe dọa chống lại các nhà lập pháp. Con số này đã tăng vọt kể từ đó - năm 2023, con số này lên tới 8.008 vụ. Trong khi đó, ông Trump đã từ chối ký “Cam kết trung thành bang Illinois”, theo đó yêu cầu các ứng cử viên năm 2024 không ủng hộ việc “lật đổ Chính phủ Mỹ”. Một số chuyên gia về tuyên truyền và thông tin sai lệch lo ngại rằng các ứng cử viên sẽ trở thành “cục nam châm” thu hút sự can thiệp ngày càng tăng từ phía tư pháp, tin tặc hoặc các vụ rò rỉ có động cơ chính trị. Hoạt động theo thuyết âm mưu hiện đã trr thành một hệ thống “vũ khí” tinh vi, được thử nghiệm nhiều lần để phá hoại các thể chế dân chủ. Điều này chắc chắn chỉ mang lại lợi ích cho các công ty, những kẻ cực đoan và các tác nhân nước ngoài đang tìm cách gây bất ổn cho Mỹ và các nền dân chủ khác trên thế giới.

Trọng tâm của các nhà báo, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách phải chuyển sang nền kinh tế sức chú ý. Điều này đề cập đến các lĩnh vực biến sự chú ý của mọi người đối với các sản phẩm kỹ thuật số thành một loại tài sản được khao khát nhất: Khi người dùng trao đổi dữ liệu hành vi để đổi lấy các dịch vụ, sự chú ý của họ đến trò chơi, video hoặc các nội dung khác sẽ trở thành nguồn tài nguyên quý giá có thể được bán cho các nhà quảng cáo. Các công ty truyền thông xã hội ưu tiên những nội dung thu hút khách hàng vì sự chú ý của người dùng giúp tăng lợi nhuận cho các quảng cáo trúng đích và giải “cơn khát” dữ liệu đang hủy hoại không chỉ cộng đồng của chúng ta mà cả thế giới, dù đó là để thúc đẩy doanh số bán súng đạn, xóa bỏ quyền phá thai hay nâng cao giọng điệu chính trị mị dân.

Ngay cả những nền tảng như Facebook cũng hiểu rằng mô hình này thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan. Không có gì ngạc nhiên khi các công ty công nghệ lớn tuyên bố rằng các khuyến nghị của họ đang được Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ bảo vệ. Nhưng, như các chuyên gia Jeffrey Atik và Karl Manheim tại Đại học Loyola Marymount đã chỉ ra, về mặt pháp lý, có sự khác biệt giữa nội dung được đăng lên các nền tảng và đầu ra của thuật toán AI.

Giải pháp không nhất thiết phải là kiểm duyệt. Thao túng xã hội bằng thuật toán khiến các phương tiện truyền thông xã hội trở nên có xu hướng ép buộc, cũng như hạn chế khả năng tiếp cận quyền tự do ngôn luận của nhóm người dùng mang lại ít lợi ích. Từ QAnon đến Pizzagate và Twitter Files, cho đến “lời nói dối lớn” của ông Trump, các thuật toán trên nền tảng mạng xã hội quyết định nội dung nào được hiển thị và theo thứ tự nào. Các thuật toán không đề xuất những lời nói được bảo vệ mà là những hành động và “quyết định” tự động của máy móc, được tính toán để giữ chúng ta tương tác. Trước tiên, Mỹ cần luật bảo vệ sự riêng tư toàn diện, ít nhất phải mạnh như ở Canada (quốc gia có mức phạt nghiêm khắc nhất thế giới, trong đó yêu cầu các giám đốc phải chịu trách nhiệm trước các báo cáo vi phạm).

Hiện tại, người Mỹ có rất ít quyền kiểm soát đối với những gì xảy ra với dữ liệu người dùng. Các cơ quan tư pháp trì trệ và cho đến nay vẫn luôn chịu ảnh hưởng từ Big Tech. Vận động hành lang về AI đã tăng 185%/năm trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi Tổng thống Joe Biden đưa các biện pháp kiểm soát AI thành luật. Các quy định mới nên nhằm mục đích tách biệt hoàn toàn nền kinh tế của truyền thông xã hội khỏi sự tương tác của người dùng nhằm ngăn chặn hoặc làm gián đoạn việc sử dụng dữ liệu người dùng cho các thuật toán hoặc quảng cáo có ý đồ.

Chắc chắn, những công ty như vậy vẫn có thể kiếm tiền từ quảng cáo và thông tin sai lệch sẽ vẫn tiếp tục tồn tại. Nhưng, các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch sẽ không còn dễ lan truyền và được khuyến khích về mặt thương mại theo những cách khiến người dùng bị thu hút.

Huy Thông (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/thong-tin-sai-lech-va-nhung-ga-khong-lo-cong-nghe-i728292/