Thông tin sai sự thật về thiên tai trên mạng xã hội: Cần được xử lý nghiêm
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao các bộ: Công an, TT&TT phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường quản lý, phát hiện, xử lý nghiêm hành vi thông tin về bão, lụt sai sự thật trên mạng xã hội (MXH).
Từ giữa tháng 10 đến nay, trong khi người dân miền Trung phải hứng chịu các đợt bão, lũ liên tiếp và người dân cả nước đang hướng về miền Trung để chung tay, góp sức chia sẻ cùng đồng bào, thì trên MXH xuất hiện nhiều tin giả về mưa bão, gây nhiễu loạn thông tin. Chẳng hạn như thông tin về cơn bão số 8 là một siêu bão cấp 17 sẽ đổ bộ vào miền Trung. Ngay sau đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia khẳng định đây là tin giả. Hay tin tức về nạn đại hồng thủy xuất hiện tại miền Trung vào cuối tháng 10 và Tây Nguyên vào đầu tháng 11.2020 kèm khuyến cáo “hãy đảm bảo mình ở độ cao trên 14m so với mực nước sông” được chia sẻ tràn lan trên MXH, dù đây là thông tin được đưa ra từ một chủ tài khoản Facebook cá nhân mang tên khá chung chung là “Tuệ không” và không hề có hình ảnh cá nhân, tên, địa chỉ rõ ràng.
Trang Facebook cá nhân đưa tin sai sự thật về nạn đại hồng thủy tại miền Trung vào tháng 10.2020, giờ lại tiếp tục đưa tin dự báo thiên tai về Quảng Ngãi trong tháng 11.2020.
Bên cạnh thông tin về mưa bão, MXH còn xuất hiện các tin giả mạo về người nổi tiếng kêu gọi cứu trợ nhằm trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Điển hình như trường hợp ca sĩ Thủy Tiên bị lợi dụng danh nghĩa bởi một tài khoản Facebook có tên giống hệt để kêu gọi các mạnh thường quân chuyển tiền từ thiện vào tài khoản có tên Lê Thị Ngân.
Ngoài những tin giả, MXH còn tràn lan ý kiến, phát ngôn sai sự thật về người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, về các hoạt động thiện nguyện, cứu trợ trong bão, lũ. Chẳng hạn như, vào ngày 29.10, trang Facebook cá nhân của ca sĩ Phương Thanh đã đăng tải nội dung gây nhiều tranh cãi.
Hay vào đầu tháng 11.2020, trang Facebook cá nhân mang tên Huỳnh Vịnh đã đăng tải hình ảnh một số thanh niên huyện Mộ Đức chở máy phát điện đi bơm nước miễn phí cho người dân và thông tin rằng: Hành động “xung phong cứu trợ phát điện bơm nước nhưng cũng chỉ là bơm cho cô dì chú bác nhà mình chứ người ngoài thì xách đỏ tay cũng không ai đếm xỉa...”. Những chia sẻ sai sự thật này khiến nhiều người bức xúc, bởi lẽ, đã có hàng trăm hộ dân ở khắp các xã, thị trấn của huyện Mộ Đức được các thanh niên giúp bơm nước miễn phí. Ngay cả trang thiết bị và phương tiện, cũng do các thanh niên tự huy động và bỏ tiền túi ra giúp người dân.
Ngoài ra, nhiều trang Facebook cá nhân tại Quảng Ngãi đã chia sẻ thông tin về việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 5.11.2020 về hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại nặng về nhà ở do thiên tai gây ra trên địa bàn một số địa phương miền Trung và Tây Nguyên và bình luận phiến diện rằng: “Chuẩn bị mấy người giàu được nhận với mấy người quen với xã, với huyện được nhận tiền hỗ trợ”, “Chắc chờ lợp hết rồi đi thống kê. Sau đó danh sách được vài người nhà cán bộ”...
Trước tình trạng những thông tin thất thiệt, thông tin phiến diện xuất hiện tràn lan trên MXH trong các đợt thiên tai vừa qua; người dùng MXH cần tỉnh táo kiểm tra kỹ nội dung trước khi tin tưởng và chia sẻ. Bởi việc lan truyền thông tin không đúng sự thật khi xảy ra thiên tai, thảm họa... có thể đẩy nhiều người vào tình thế nguy hiểm và ảnh hưởng lớn đến hoạt động cứu hộ, cứu trợ. Cùng với đó, ngành chức năng cũng cần tăng cường rà soát, xử lý cương quyết đối với những hành vi vi phạm, tránh để người dân vừa chịu thiên tai, vừa phải gánh thêm nhiều hệ lụy từ tin giả.