Thông tin tiếp vụ 'Tranh chấp rừng ở Dự án vùng nguyên liệu tràm năm gân': Rà soát lại hồ sơ, đảm bảo quyền lợi cho người dân

Bị người dân phản ứng gay gắt, báo chí vào cuộc đưa thông tin, chính quyền phải tạm đình chỉ việc khai thác rừng của doanh nghiệp để thực hiện dự án. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong cho biết, sẽ rà soát hồ sơ liên quan đến việc thu hồi rừng phòng hộ và đánh giá lại trữ lượng rừng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân ở thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch tham gia cải tạo vườn hộ, vườn đồi thuộc Dự án 773.

 Những cây tràm ở khu vực rừng đang xảy ra tranh chấp bị đốn hạ - Ảnh: L.A

Những cây tràm ở khu vực rừng đang xảy ra tranh chấp bị đốn hạ - Ảnh: L.A

Vào những ngày đầu tháng 1/2022, 40 hộ dân từng tham gia Dự án cải tạo vườn hộ, vườn đồi thuộc Dự án 773 ở thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong bức xúc khi Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Tâm Xanh được giao đất để thực hiện Dự án vùng nguyên liệu tràm năm gân tiến hành khai thác diện tích rừng mà người dân trồng. Sau khi người dân phản ứng gay gắt, UBND xã Triệu Trạch đã tạm đình chỉ việc khai thác của công ty cho đến thời điểm này.

Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch Lê Văn Mẫn cho biết, quá trình rà soát lại thông tin liên quan đến 19,8 ha rừng và đất rừng phòng hộ để thu hồi, giao cho doanh nghiệp, trong diện tích trên có 2 loại rừng là rừng của Dự án 773 và rừng của Dự án 661 trồng trong giai đoạn từ năm 1996 - 2004. Do không tìm được hồ sơ, xã sơ suất nên có sự thiếu chính xác trong việc xác định diện tích rừng. Sau khi người dân phản ứng, báo chí thông tin, UBND xã Triệu Trạch liên hệ với UBND huyện Triệu Phong tìm lại hồ sơ rừng của Dự án 773 để xem quy định quá trình thực hiện trồng rừng, người dân sẽ được hưởng lợi như thế nào. “Vừa qua chúng tôi đã liên hệ với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện để tìm lại hồ sơ, thông tin liên quan nhưng không có. Sắp tới sẽ tiếp tục phối hợp với huyện rà soát, tìm hồ sơ liên quan để giải quyết dứt điểm. Nếu quy định cho dân hưởng thì chúng tôi làm lại hồ sơ để cho người dân hưởng. Trữ lượng gỗ cũng sẽ được đánh giá lại. Với số lượng cây đã bị khai thác, nếu thiệt hại cho người dân, nhưng doanh nghiệp không đồng ý bồi thường, thì tôi sẽ chịu trách nhiệm”, ông Mẫn khẳng định.

Về việc đánh giá trữ lượng gỗ ở diện tích 9,6 ha có cây rừng, dù cây trồng là tràm hoa vàng có thời gian trên dưới 20 năm, nhưng cây có đường kính trung bình chỉ 8,6 cm, ông Mẫn cho biết xã đã lập đoàn kiểm tra, đánh giá lại. Qua kiểm tra cho thấy có một số cây to, phần nhiều là cây nhỏ, nhưng đường kính trung bình chỉ 8,6 cm là chưa chuẩn. Sắp tới, xã sẽ tổ chức họp dân để trao đổi lại những vấn đề sơ suất trong quá trình xác định chủ rừng, lắng nghe kiến nghị, đề xuất của người dân để cùng tháo gỡ kịp thời. Cũng theo ông Mẫn, lẽ ra việc này được xã tiến hành sớm, tuy nhiên tại địa phương hiện nay dịch bệnh diễn biến phức tạp nên các hộ dân cũng đã thống nhất sẽ họp dân khi tình hình ổn định.

Trước đó, Báo Quảng Trị có bài viết phản ánh về việc tranh chấp rừng ở Dự án vùng nguyên liệu tràm năm gân trên địa bàn thôn Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Đại diện 40 hộ dân kiến nghị, vào năm 1996, huyện Triệu Phong giao HTX Thành Công III, thôn Lệ Xuyên tham gia thực hiện Dự án cải tạo vườn hộ, vườn đồi thuộc Dự án 773 nhằm mục đích cải tạo đất, xây dựng vườn hộ để đưa dân ra ở. Hộ nào tham gia dự án sau này đủ điều kiện xuất hộ thì được ra làm nhà ở. Có 40 hộ dân với 43 người tham gia dự án, thực hiện trên diện tích 10 ha đất. Trong quy hoạch mỗi hộ, mỗi lô đều có diện tích đất để làm nhà ở, nhưng sau đó UBND xã Triệu Trạch không cho dân ra ở vì lý do đây là rừng phòng hộ. Mới đây người dân được biết diện tích này đã được tỉnh chuyển đổi từ rừng phòng hộ sang rừng trồng sản xuất và giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án với căn cứ rừng trồng từ năm 2001. Việc này người dân không hề được thông báo. Người dân không đồng tình bởi đây chính là diện tích rừng được các hộ dân tham gia trồng từ năm 1996 theo dự án. Các hộ dân đề nghị chính quyền các cấp xác định lại nguồn gốc rừng trồng để đảm bảo quyền lợi của họ khi tham gia dự án. Ngoài ra, đề nghị xác định lại khối lượng thiết kế đối với diện tích rừng đưa vào khai thác, không đồng tình với phương án mà UBND xã Triệu Trạch và đơn vị tư vấn đã xác định.

Căn cứ vào quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, tháng 6/2020, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Tâm Xanh lập hồ sơ đề xuất Dự án Trang trại trồng và phát triển vùng nguyên liệu tràm năm gân - Triệu Phong (gọi tắt là Dự án vùng nguyên liệu tràm năm gân) tại Tiểu khu 791T, 792 thuộc rừng phòng hộ xã Triệu Trạch với diện tích 19,8 ha. Trong diện tích 19,8 ha, có 9,6 ha có rừng tràm hoa vàng.

Theo Tờ trình số 66/TTr-UBND ngày 5/10/2021 của UBND xã Triệu Trạch về việc đề nghị phê duyệt phương án chuyển loại rừng từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất để thực hiện Dự án Trang trại trồng và phát triển vùng nguyên liệu tràm năm gân - Triệu Phong, địa phương này ghi rõ: Vị trí, địa điểm xin chuyển loại rừng là tại Tiểu khu 792, 791T, xã Triệu Trạch, chủ rừng là UBND xã Triệu Trạch. Tổng diện tích rừng phòng hộ xin chuyển sang rừng sản xuất để thực hiện dự án là hơn 9,3 ha. Toàn bộ diện tích là rừng trồng thuần loài keo lá tràm bằng nguồn vốn ngân sách, hiện do UBND xã Triệu Trạch quản lý, rừng có cùng năm trồng 2001.

Trên cơ sở tờ trình của UBND xã Triệu Trạch và xét phù hợp với các căn cứ quy định của pháp luật, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có tờ trình gửi UBND tỉnh đề nghị xem xét quyết định chuyển loại rừng từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất để thực hiện dự án nói trên.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=164991&title=thong-tin-tiep-vu-%E2%80%9Ctranh-chap-rung-o-du-an-vung-nguyen-lieu-tram-nam-gan%E2%80%9D-ra-soat-lai-ho-so-dam-bao-quyen-loi-cho-nguoi-dan