Thông tin 'TP HCM biến mất năm 2050': Triều cường, điểm đen ngập lụt ở Sài Gòn thế nào?

Những đợt triều cường kỷ lục tại TPHCM khiến thành phố này có khả năng ngập lụt ở khắp nơi. Trong khi những giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài chưa thực sự phát huy hiệu quả.

“TP HCM bị xóa sổ vào năm 2050” là chưa đủ căn cứ khoa học

Climate Central, tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, Mỹ, hôm 29/10 công bố nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Communications đã đưa ra những nhận định về nguy cơ ngập bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu cho các đồng bằng trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, nước biển dâng do biến đổi khí hậu có thể xóa sổ một số thành phố ven biển. Nghiên cứu chỉ ra, miền Nam Việt Nam, cụ thể là ĐBSCL có thể biến mất trong vòng 30 năm tới. Khoảng 20 triệu dân sẽ ảnh hưởng nặng nề do nước biển tăng cao. Ngoài ra, phần lớn diện tích trung tâm kinh tế hàng đầu là TPHCM sẽ biến mất hoàn toàn.

Tuy nhiên, đại diện Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho rằng, đây là thông tin chưa đủ cơ sở khoa học và dựa trên các giả định cực đoan. Đồng thời, chỉ ra đã chỉ ra 3 điểm bất hợp lý trong báo cáo.

Cụ thể, PGS. TS. Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho rằng, nghiên cứu của Climate Central lấy số liệu của Mỹ để hiệu chỉnh và áp dụng kết quả cho tất cả địa hình trên toàn cầu. Như vậy, nghiên cứu đã không hiệu chỉnh cho ĐBSCL nên số liệu địa hình trong nghiên cứu này chưa phản ánh đúng độ cao thực tế của khu vực.

 Triều cường dẫn đến ngập lụt trên diện rộng tại TP HCM. Ảnh: Việt Nam Mới.

Triều cường dẫn đến ngập lụt trên diện rộng tại TP HCM. Ảnh: Việt Nam Mới.

Đồng thời cho biết, từ năm 2016, Bộ TN&MT đã công bố kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tại kịch bản này, số liệu địa hình được sử dụng để xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng cho khu vực ĐBSCL được lấy từ mô hình số địa hình kích thước ô lưới là 2 mx2 m của 13 tỉnh ĐBSCL do Cục Viễn thám Quốc gia thực hiện năm 2008 và Bản đồ số địa hình tỉ lệ 1:2.000 do dự án bay chụp Lidar của Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam thực hiện. Các số liệu này đều được quy chuẩn theo mốc quốc gia về bề mặt khu vực. Do vậy, có thể nói, số liệu trong nghiên cứu của Climate Central không chính xác bằng số liệu mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đã sử dụng.

Điểm bất hợp lý thứ 2 được đai diện Bộ TN&MT chỉ ra trong nghiên cứu của Climate Central đó chính là việc dự báo dựa trên việc xây dựng kịch bản nước biển dâng 2 m, khác với kịch bản Ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) phê duyệt và khuyến cáo sử dụng. Bởi lẽ nước biển dâng 2 m trong vòng 80 năm nữa là điều khó xảy ra.

“Không biết căn cứ vào đâu mà các nhà nghiên cứu của Mỹ lại dựa trên kịch bản này trong khi các đơn vị chuyên môn cũng không khuyến cáo sử dụng. Hiện, các quốc gia trong đó có Việt Nam chỉ xây dựng kịch bản ngập dưới đỉnh triều do nước biển dâng đến 1 m”, TS. Huỳnh Thị Lan Hương.

Điểm bất hợp lý thứ 3 mà đại diện Bộ TN&MT cho là vô lý, đó chính là việc Climate Central giả định về kịch bản triều có tần suất 100 năm xuất hiện một lần với việc nước biển dâng 2 m.

"Đây là các yếu tố dự báo quá cực đoan và khó có thể xảy ra. Trong khi triều cường có thể chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian nào đó thì báo cáo này lại nhận định khu vực gần như ngập vĩnh viễn khi kết hợp với nước biển dâng", bà Huỳnh Thị Lan Hương nói.

Mới đây, trao đổi trên Zing, ông Benjamin Strauss, Giám đốc điều hành Climate Central cung cấp những thông tin trái ngược với 3 điểm bất hợp lý trong kịch bản miền Nam Việt Nam ngập dưới đỉnh triều năm 2050 mà Bộ TN&MT chỉ ra ở trên.

Theo đó, đại diện Climate Central cho rằng, kịch bản chính mà tổ chức này đã phân tích và nhấn mạnh việc nước biển dâng dưới 1 m vào năm 2100 như hướng dẫn của Ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), không phải kịch bản nước biển dâng 2 m như Bộ TN&MT phản bác. Đồng thời cho biết, đã xem xét các kịch bản cả có và không có lũ lụt ngắn hạn được thêm vào trên mực nước biển dâng, cụ thể và rõ ràng (không phải kịch bản triều có tần suất 100 năm xuất hiện một lần).

Đại diện Climate Central cũng hy vọng là mô hình này không chính xác với Việt Nam và nguy cơ từ mực nước biển dâng thấp hơn mức đề xuất. Tuy nhiên vị đại diện này cũng đưa ra lưu ý, đây không phải là nghiên cứu duy nhất gần đây chỉ ra rằng mối đe dọa mực nước biển dâng đối với Việt Nam đang ngày càng lớn hơn.

TP HCM ứng phó thế nào với tình trạng triều cường, điểm đen ngập lụt?

TP.HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và là cửa ngỏ giao lưu quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, những năm qua, thành phố phải đối mặt với việc ngập lụt đô thị đến mức nhắc đến TP HCM người ta nhắc đến cụm từ “thành phố chịu ngập quanh năm” bởi không cần mưa cũng ngập vì triều cường.

Theo các chuyên gia, TP HCM liên tục phải gánh chịu những đợt triều cường do biến đổi khí hậu và sụt lún nền đất.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Quốc gia cho rằng, hiện tượng triều cường thường do chế độ thủy triều ở khu vực cửa sông ven biển và nước biển dâng do gió, áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Có thể do kết hợp của biên độ thủy triều lớn, gió mùa Đông Bắc mạnh. Mức độ ngập úng trong các đợt triều cường còn phụ thuộc vào mưa, lũ trong đất liền, khả năng thoát úng của cơ sở hạ tầng và mức độ sụt lún của bề mặt đất.

Chuyên gia khí tượng Lê Thị Xuân Lan khi chia sẻ với báo giới cho biết, nguyên nhân đẩy mực nước tại các cửa sông dâng cao lúc triều cường lên, gây ra đỉnh triều trong những ngày qua tại TPHCM là do gió chướng (gió mùa Đông Bắc) hoạt động mạnh. Nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn đến hiện tượng này là tình trạng nền đất Nam bộ nói chung và TPHCM đang bị sụt lún vì hệ quả của việc bê-tông hóa và khai thác nước ngầm quá mức.

Thực tế, biến đổi khí hậu cũng là lý do khiến mực nước biển dâng lên đáng kể, song đây là kết quả của thời gian dài chứ không ảnh hưởng trong một sớm một chiều. Ví dụ điển hình từ năm 1995 đến 2010 nước biển chỉ dâng tối đa 2 cm trong khi thủy triều ở TP HCM lại dâng 20-25 cm và có thể cao hơn nữa.

Tại TP HCM hiện đang tồn tại hàng chục “điểm đen” ngập lụt. Mới đây, do ảnh hưởng của đợt triều cường cuối tháng 10/2019, chiều ngày 28/10, nhiều tuyến đường tại Q.2, 4, 7, 8, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, Thủ Đức,…(TP HCM) ngập nặng. Nhất là các tuyến đường thuộc khu vực vùng trũng của TP HCM, như đường Hồ Học Lãm (phường An Lạc, Quận Bình Tân) ngập kéo dài từ Bến Phú Định ra đến khu vực giao cắt với đường Võ Văn Kiệt. Đường Huỳnh Tấn Phát ngập nặng đoạn qua huyện Nhà Bè, tuyến đường Bình Quới ở phường 28, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) hay như khu vực bến Phú Định, khu vực bến Mễ Cốc (quận 8), Khu dân cư Nam Long (quận 9)…

Các khu vực như các khu vực Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, QL13 (Quận Bình Thạnh), An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến Bến Phú Định), Gò Dầu, Mai Hắc Đế, Lương Văn Can, Cao Văn Lầu, Mai Xuân Thưởng... đều được nhắc đến trong danh sách những điểm ngập nghiêm trọng.

Điều đó cho thấy, người dân phải thường xuyên sống chung với tình trạng ngập lụt trong khi đó những giải pháp chống úng ngập của TP HCM chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Về lâu dài, TP HCM đã triển các giải pháp chống ngập do triều nói riêng và chống ngập úng của thành phố như đã và đang đầu tư hàng loạt dự án khủng được đầu tư đến con số vài chục nghìn tỷ đồng nhưng chưa hoàn thành. Như dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với vốn đầu tư gần 10 ngàn tỷ đồng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi đáng kể tình trạng ngập nước tại TPHCM hiện vẫn đang triển khai thi công và có nguy cơ trễ hẹn khi tính đến tháng 9/2019, dự án đã thi công đạt 77% khối lượng.

Trong khi đó, một số mục tiêu như giải quyết các tuyến ngập do mưa, do triều; xây dựng, cải tạo các nhà máy xử lý nước thải và các hạng mục dự án giảm ngập do triều khó có thể đảm bảo theo kế hoạch đề ra (hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020).

Để giải quyết trước mắt tình trạng ngập do triều cường, thành phố HCM đã và đang bố trí các trạm bơm kết hợp van ngăn triều ở khu vực quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), Bình Quới (quận Bình Thạnh), Trần Xuân Soạn (quận 7).

Có một thực tế việc thi công chống ngập của TP HCM chủ yếu là nâng đường, nhưng cao độ của nền đường sau khi nâng ở nhiều nơi vẫn thấp hơn so với mực nước triều cường. Trong khi đó, mực nước triều cường có xu hướng tăng cao qua từng năm. Ví dụ như để chống ngập do triều ở tuyến đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), TP HCM dùng giải pháp xử lý tạm là nâng cấp và mở rộng đường Lê Văn Lương. Tuy nhiên, sau khi nâng đường thì cao độ hoàn thiện công trình vẫn chưa đáp ứng mực triều cao 1,75 m cho nên vẫn gây ngập. Hơn nữa, cách ứng phó ngập lụt kiểu nâng cao mặt đường để tránh ngập lụt không được coi là giải pháp triệt để bởi dù đường không ngập nhưng nhà dân 2 bên lại trở thành… ao hồ, nước không thoát đi đâu được.

Các dự án chống ngập lâu nay là quá chậm, chưa đồng bộ trong khi các giải pháp tạm thời, trước mắt như xây dựng bờ kè, xây dựng công trình cống, trạm bơm, nâng mặt đường… chưa thực sự phát huy hiệu quả dẫn đến bài toán ngập lụt do triều cường vẫn là vấn đề nan giải. Và như vậy, mỗi đợt triều cường, TP HCM lại ra văn bản khẩn chủ động ứng phó triều cường bằng cách yêu cầu các đơn vị quận, huyện khi thấy nước triều dâng cao phải thông báo nhanh chóng để người dân chủ động ứng phó để không xảy ra sự cố đáng tiếc.

Tâm Đức

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/xa-hoi/thong-tin-tp-hcm-bien-mat-nam-2050-trieu-cuong-diem-den-ngap-lut-o-sai-gon-the-nao-1298710.html