Thông tin từ phiên tòa xét xử 'người hùng' trong vụ án Năm Cam
8h sáng ngày 20/6, phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo nguyên là các cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang bắt đầu.
>> Hồ sơ vụ "người hùng" trong vụ án Năm Cam bị khởi tố
Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Nên, nguyên Phó Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang đã vắng mặt với lý do đang điều trị tâm thần ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương II tại Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai). Tuy nhiên, phiên tòa vẫn được tiến hành sau 3 lần trì hoãn.
Mở đầu phiên tòa, luật sư phía bên bị cáo lại tiếp tục đề nghị hoãn phiên tòa với lý do vắng mặt nhân chứng Phạm Thị Ánh - Giám đốc Công ty TNHH Thành Phát. Sau đó, phía luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo đòi phải triệu tập thêm ông Nguyễn Chí Phi - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang ra tòa với tư cách người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Nguyên nhân, ông Phi được hưởng lợi nhiều nhất từ số tiền vật chứng gửi ngân hàng. Qua đó, ông Phi thu lợi đến 80 triệu đồng.
Đại diện Viện Kiểm sát, ông Võ Mỹ Bình bác bỏ yêu cầu trên từ phía luật sư bào chữa. Sau đó, Hội đồng xét xử tạm dừng để hội ý. Khoảng 10 phút sau, Hội đồng xét xử tiếp tục trở lại phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa Huỳnh Xuân Long giữ nguyên quan điểm của Viện Kiểm sát vì việc thiếu 2 nhân chứng trên không làm ảnh hưởng đến phiên xét xử.
Trong phiên xét xử, đại diện Viện Kiểm sát đọc lại cáo trạng cho các bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ cùng nghe. Tiếp đến phần xét hỏi, bị cáo Ngô Thanh Phong, nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang thừa nhận mọi hành vi như cáo trạng nêu.
Tuy nhiên, bị cáo Phong cho rằng đây chỉ là thực hiện theo chủ trương chung và ông Nguyễn Văn Nên mới là người thực hiện. Đối với bị cáo Phạm Văn Út, nguyên Thủ kho vật chứng thừa nhận thực hiện dưới chỉ đạo của bị cáo Phong và bị cáo Nên.
Chiều 20/6, phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần tranh luận giữa các bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 2 ngày.