Thông tin về chuyển tiền phải xác thực bằng khuôn mặt từ 1/7
Các ngân hàng đồng loạt thông báo cho khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt) để chuyển tiền trực tuyến từ 10 triệu đồng trở lên từ 1/7.
Các ngân hàng như BIDV, Techcombank, Eximbank, TPBank , VietABank, OCB… vừa thông báo cho khách hàng yêu cầu đăng ký sinh trắc học để chuẩn bị áp dụng quy định mới trong giao dịch gửi tiền.
Theo đó, các nhà băng thông báo, từ 1/7, chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng mỗi lần hoặc hơn 20 triệu mỗi ngày phải được xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, nhận diện khuôn mặt) khớp với dữ liệu trên căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
Ngoài ra, việc chuyển đổi ứng dụng giao dịch trực tuyến, hoặc thanh toán hóa đơn định kỳ trên 100 triệu đồng cũng được một số nhà băng yêu cầu phải xác thực bằng hình thức này.
Ngân hàng TPBank cho biết, từ đầu tháng 5 khách hàng có thể bắt đầu đăng ký dữ liệu sinh trắc học, gồm dữ liệu khuôn mặt, vân tay đồng bộ với thông tin CCCD gắn chip, để sử dụng trong xác thực giao dịch giá trị cao thông qua app TPBank và các điểm giao dịch của ngân hàng.
"Việc triển khai sớm xác thực giao dịch bằng sinh trắc học từ trước cả thời điểm quy định mới, có hiệu lực không chỉ sớm tăng cường bảo mật mà còn giúp khách hàng chủ động thời gian đăng ký; tránh tình trạng quá tải đăng ký nhận diện trước 1/7”, địa diện ngân hàng cho biết.
Đại diện ngân hàng BIDV cũng cho biết, ngân hàng triển khai thông tin sớm với khách hàng. Theo đó, khách hàng chỉ cần vào app của ngân hàng có thể khai báo thông tin về sinh trắc học.
Theo các ngân hàng, thời gian qua có không ít người dân đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền. Thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, tự xưng cơ quan chức năng như: Công an, thanh tra giao thông... và đưa ra các tình huống khiến người dân mất cảnh giác, truy cập vào phần mềm, đường link có mã độc. Sau đó, đối tượng vào tài khoản, thậm chí chiếm quyền kiểm soát điện thoại để lấy hết tiền.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã kết hợp với rất nhiều bên và nghiên cứu kỹ lưỡng về mức 10 triệu đồng. Mức này không ảnh hưởng nhiều khách hàng, bởi 70% giao dịch ngân hàng trực tuyến là giao dịch dưới 1 triệu đồng.
"Không thể bắt người dân mua 1 chai nước hay 1 cái vé buýt phải kiểm tra sinh trắc học. Không một nước nào làm như thế cả. Chúng tôi không thể làm gián đoạn trải nghiệm của người dân khi thực hiện giao dịch thông thường. Ngân hàng Nhà nước quy định giao dịch nhỏ lẻ với tổng giá trị 20 triệu đồng mỗi ngày sẽ làm xác thực một lần. Chúng tôi cũng quy định, khi cài sang một thiết bị khác cũng phải yêu cầu sinh trắc học. Thông qua một số biện pháp, câu chuyện bảo vệ quyền và lợi ích người dùng sẽ được nâng cao" - ông Dũng nói.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, an ninh bảo mật là vấn đề cập nhật liên tục và năm nào Ngân hàng Nhà nước cũng có chỉ thị về vấn đề này.
Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, nhằm tăng cường đảm bảo an toàn cho người dân khi chuyển tiền.
Theo đó, từ 1/7 tới đây, nếu khách hàng chuyển tiền dưới 10 triệu đồng và tổng số tiền chuyển các lần trong ngày không quá 20 triệu đồng vẫn xác thực bằng mã OTP.
Nếu chuyển tiền dưới 10 triệu đồng 1 lần nhưng tổng các giao dịch trong ngày đã chạm mốc 20 triệu thì đến lần chuyển tiếp theo trong ngày đó phải xác thực bằng khuôn mặt, vân tay, dù lần tiếp theo đó chỉ chuyển vài nghìn đồng.
Trường hợp khách hàng cá nhân trước khi giao dịch lần đầu bằng ứng dụng ngân hàng (mobile banking) hoặc giao dịch trên điện thoại, máy tính khác với thiết bị đang giao dịch lần gần nhất, cũng phải được nhận dạng sinh trắc học.