Thông tin về dịch Covid-19 tại Đông Nam Á
Tình trạng quá tải y tế sau ngày lễ đang xảy ra tại Singapore, còn Thái Lan và Malaysia vẫn đang chứng kiến đà tăng nhẹ số ca mắc Covid-19.
Singapore quá tải bệnh viện sau kỳ nghỉ lễ
Theo tờ Malay Mail ngày 17/5, nhiều bệnh viện tại Singapore đang đối mặt với tình trạng quá tải tại Khoa Cấp cứu trong tuần này, khi thời gian chờ đợi của bệnh nhân kéo dài hơn do nhu cầu gia tăng đột biến sau kỳ nghỉ lễ.
Bộ Y tế Singapore (MOH) xác nhận rằng, các bệnh viện tuyến đầu thường xuyên ghi nhận sự gia tăng số lượng bệnh nhân đến khoa cấp cứu vào những thời điểm nhất định trong năm, đặc biệt là sau các kỳ nghỉ dài ngày. MOH cho biết, xu hướng hiện tại hoàn toàn phù hợp với mô hình thường thấy, khi nhiều người dân trì hoãn khám, chữa bệnh cho đến sau lễ.

Dịch Covid-19 tại các nước Đông Nam Á đang có diễn biến khác nhau. Ảnh: MalayMail
Bệnh viện Đa khoa Changi (CGH) và Bệnh viện Đa khoa Sengkang (SKH) đều xác nhận tình trạng gia tăng bệnh nhân cho rằng, nguyên nhân chính là do hậu kỳ nghỉ lễ. Trong bối cảnh này, Bộ Y tế cho biết, vẫn đang duy trì các quy trình phân loại theo mức độ nghiêm trọng để ưu tiên xử lý các trường hợp khẩn cấp, đe dọa tính mạng.
Để tránh chậm trễ trong điều trị, các đội điều trị nội trú cũng được kích hoạt ngay từ Khoa Cấp cứu nhằm bắt đầu chăm sóc cho bệnh nhân đang chờ nhập viện. Một số bệnh nhân còn được chuyển sang các bệnh viện khác để tiếp tục điều trị nhằm giảm tải cho các cơ sở quá đông.
Tình trạng quá tải cũng bị ảnh hưởng bởi làn sóng ca nhiễm Covid-19 tăng nhẹ. Trong tuần từ 27/4 đến 3/5, Singapore ghi nhận 14.200 ca Covid-19, tăng so với 11.100 ca của tuần trước. Bệnh viện Changi cho biết, nhiều ca bệnh lớn tuổi nhập viện vì các lý do khác, sau đó mới phát hiện dương tính với Covid-19, làm phức tạp thêm công tác xử lý.
Trong khi đó, theo Bệnh viện Sengkang, phần lớn các ca đến khám không liên quan đến Covid-19, cho thấy xu hướng tăng chủ yếu do thời điểm hậu lễ, chứ không phải vì dịch tái bùng phát.
Hệ thống Y tế Đại học Quốc gia Singapore (NUHS) cũng xác nhận tình trạng gia tăng bệnh nhân lần này tương tự các năm trước, không ghi nhận dấu hiệu bệnh lạ. Đơn vị này đã điều động thêm nhân sự, bác sĩ cấp cao tại Jhoa Cấp cứu trực tiếp đánh giá từng ca nhằm đảm bảo nhập viện hợp lý và duy trì hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế.
Dịch Covid-19 vẫn tăng nhẹ tại Malaysia và Thái Lan
Trong khi Singapore vẫn đang căng mình ứng phó với lượng bệnh nhân tăng sau kỳ nghỉ, tại Malaysia, chính phủ đã chính thức bước sang giai đoạn thuyên giảm dịch bệnh với việc bãi bỏ tình trạng khẩn cấp y tế toàn quốc.
Ngày 1/5, chính phủ Malaysia tuyên bố chính thức hủy bỏ quy định phân loại tất cả các bang và vùng lãnh thổ liên bang là “khu vực lây nhiễm”.
Động thái này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc dỡ bỏ toàn bộ biện pháp ứng phó khẩn cấp với đại dịch. Điều này cũng cho thấy, chính phủ Malaysia đang chuyển sang chiến lược sống chung với dịch, dựa trên quản lý rủi ro thay vì các biện pháp hành chính.
Tuy vậy, số liệu từ Bộ Y tế Malaysia cho thấy, dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Trong những ngày đầu tháng 5, số ca bệnh đang điều trị có dấu hiệu tăng nhẹ, từ 8.488 ca vào ngày 30/4 lên 8.609 ca vào ngày 3/5. So với cùng kỳ năm ngoái (12 - 18/5/2024), khi chỉ ghi nhận 1.230 ca mắc, số ca năm nay cao gấp nhiều lần.
Các chuyên gia y tế lý giải rằng, sự gia tăng này chủ yếu do ba yếu tố miễn dịch cộng đồng suy giảm sau thời gian dài không tiêm nhắc lại, hoạt động đi lại, du lịch tăng cao trong kỳ nghỉ và người dân không còn chủ động xét nghiệm như trước. Tuy nhiên, các chuyên gia đồng thuận rằng, tình hình hiện tại vẫn nằm trong tầm kiểm soát và không có dấu hiệu cho thấy nguy cơ bùng phát diện rộng.
Trong bối cảnh các nước dần quay lại nhịp sống bình thường, giới chức y tế khu vực vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục giữ ý thức phòng bệnh, đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền hoặc chưa tiêm nhắc lại vaccine.
Trong khi đó, theo tờ The Nation ngày 17/5, Thái Lan tổng cộng 71.067 ca nhiễm và 19 ca tử vong được ghi nhận từ ngày 1/1 đến 14/5/2025, theo Trung tâm Thông tin Covid-19 của chính phủ nước này.
Các ca mắc tiếp tục tăng, với hai ổ dịch lớn đã được xác định. Đợt tăng mạnh diễn ra sau kỳ nghỉ lễ Songkran (tuần thứ 16 trong năm), khi số ca nhiễm có xu hướng tăng đều đặn.
Dữ liệu từ Cục Khoa học Y tế cho thấy, biến thể Omicron XEC đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Thái Lan trong tháng 1 và tháng 2 năm nay. Giới chức y tế kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác, theo dõi triệu chứng, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang ở nơi đông người.
Biến thể XEC là một chủng tái tổ hợp mới của Omicron, lần đầu tiên được phát hiện tại Đức vào tháng 6/2024. Đây là sự kết hợp của hai dòng phụ KS.1.1 (FLiRT) và KP.3.3 (FLuQE). XEC mang nhiều đột biến giúp virus lây lan nhanh hơn, hiện đã được phát hiện tại ít nhất 15 quốc gia ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á.
Hơn 550 trình tự gene từ 27 quốc gia đã được ghi nhận. Dữ liệu từ Mỹ, Anh và Trung Quốc cho thấy, XEC lây lan nhanh hơn 84 - 110% so với các dòng phụ Omicron khác, chiếm 10 - 20% số ca nhiễm mới tại một số khu vực.
Vừa qua, tại Việt Nam, Bộ Y tế đã có thông tin tới báo chí về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam sau khi có thông tin dịch bệnh nguy hiểm này đang tái bùng phát tại một số quốc gia, trong đó có Thái Lan với số người mắc rất cao.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố, không có tử vong. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh có 34 ca, Hà Nội 19 ca, Hải Phòng 21 ca, Bắc Ninh 14 ca, Nghệ An 17 ca...
Theo Bộ Y tế, dù số ca mắc Covid-19 ở trong nước có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây với trung bình với 20 ca mắc/tuần, nhưng không ghi nhận các ổ dịch tập trung.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thong-tin-ve-dich-covid-19-tai-dong-nam-a-388035.html