Thông tin về kết quả cuộc thi Gạo ngon Việt Nam năm 2022
Liên quan đến những lùm xùm về kết quả cuộc thi Gạo ngon Việt Nam năm 2022 do một số báo chí đưa tin từ sau khi cuộc thi diễn ra (4/11) đến nay, ngày 11/11, Ban tổ chức Gạo ngon Việt Nam năm 2022, gồm Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Báo Nông thôn ngày nay đã tổ chức họp báo tại TP Hồ Chí Minh để cung cấp thông tin.
Tại họp báo, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, cuộc thi Gạo ngon Việt Nam được tổ chức nhằm tìm kiếm, tôn vinh các giống gạo ngon để giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần 3, năm 2022 được tổ chức và công bố kết quả vào ngày 4/11.
Ở hạng mục gạo thơm, giải nhất thuộc về gạo TBR39 của Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, giải nhì là gạo ST24 của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, giải ba thuộc về gạo Lộc Trời 28 của Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời. Trong ngày diễn ra cuộc thi và trao giải, không có đơn vị hay cá nhân nào khiếu nại về công tác tổ chức hay kết quả cuộc thi.
Tuy nhiên, ngày hôm sau (5/11) ông Hồ Quang Cua thuộc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí là cha đẻ của các giống lúa ST24, ST25 có gọi điện cho tôi trao đổi vấn đề nghi ngờ gạo đạt giải nhất (TBR39) đánh tráo “ruột” gạo ST24 nhưng không nói cụ thể. Những thông tin sau đó Ban tổ chức chỉ được biết qua báo chí.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, đến thời điểm ngày 11/11, Ban tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022 chưa nhận được bất cứ văn bản kiến nghị hay khiếu nại nào từ ông Hồ Quang Cua liên quan đến cuộc thi. Các thành viên khác trong Ban tổ chức cũng nhiều lần liên lạc với ông Hồ Quang Cua để tìm hiểu thêm thông tin nhưng không được. Do đó, Ban tổ chức chưa có cơ sở nào để xử lý vụ việc.
Về việc tổ chức cuộc thi, ông Nguyễn Ngọc Nam nhấn mạnh, cuộc thi có quy chế, thể lệ rõ ràng và đã được công bố rộng rãi đến các đơn vị tham gia cuộc thi. Các sản phẩm dự thi đều đáp ứng đủ điều kiện Ban tổ chức đề ra. Trong quá trình tổ chức thi, Ban giám khảo, Ban tư vấn đã làm việc nghiêm túc, trung thực, khách quan, minh bạch.
Các mẫu gạo dự thi đều được mã hóa tại khu vực riêng, sử dụng nồi mới để nấu, quá trình nấu được giám sát bởi camera. Ban giám khảo là các chuyên gia, chấm điểm dựa trên các tiêu chí cụ thể như độ bóng của gạo chưa nấu, độ dẻo, độ thơm, mức độ nguyên hạt của cơm sau khi nấu…
Ông Trần Ngọc Trung, Trưởng ban giám khảo cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022 thông tin thêm: Trong quá trình chấm thi năm nay, Ban giám khảo đã chấm rất kỹ, phải thử đi thử lại nhiều lần từ lúc cơm mới nấu đến lúc cơm đã nguội để đánh giá chính xác các đặc tính của từng loại. Kết quả giải nhất và giải nhì là 2 loại gạo có điểm số khá sát nhau, lúc đó Ban giám khảo không biết là giống nào, sau khi chấm xong và giải mã hóa thì mới biết là TBR39 của Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed và ST24 của Doanh nghiệp Hồ Quang Trí.
Chia sẻ các vấn đề về giống, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các doanh nghiệp, đơn vị gửi giống dự thi Gạo ngon Việt Nam phải chịu trách nhiệm về giống của mình, Ban tổ chức vẫn còn lưu mẫu gạo các đơn vị dự thi.
Theo quy chế, giống dự thi phải có bản sao 1 trong 2 giấy tờ: Quyết định công nhận lưu hành giống lúa dự thi hoặc giấy xác nhận khảo nghiệm giống tối thiểu 1 vụ. Trong cuộc thi này, giống TBR39 của Tập đoàn ThaiBinh Seed chưa có quyết định công nhận lưu hành nhưng có xác nhận khảo nghiệm của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia (6 vụ) nên hoàn toàn đủ điều kiện dự thi.
“Quá trình nghiên cứu, lai tạo, khảo nghiệm và đưa ra lưu hành một giống mới tốn rất nhiều thời gian và công sức, thông thường sau 5 -7 năm mới hoàn thành. Việc dự thi Gạo ngon Việt Nam không đồng nghĩa với việc giống đó được cấp phép lưu hành. Đơn vị nghiên cứu có thể dự thi để đánh giá tiềm năng phát triển, thương mại hóa giống để quyết định đầu tư tiếp hay dừng lại. Còn việc xác định giống này có đánh tráo từ giống kia hay không, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban tổ chức cuộc thi”, ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm.
Đến hiện tại, Ban tổ chức mới nhận được đề nghị giới thiệu giống “Lộc Trời 28” (đạt giải ba Gạo ngon Việt Nam năm 2022) của Tập đoàn Lộc Trời đi thi gạo ngon thế giới năm 2022, hai doanh nghiệp sở hữu gạo ngon nhất và nhì là ThaiBinh Seed và và Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí chưa có đề nghị giới thiệu để thi gạo ngon thế giới.
Các thành viên Ban tổ chức Cuộc thi Gạo ngon Việt Nam 2022 cũng chia sẻ, những lùm xùm sau cuộc thi là điều đáng tiếc, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cuộc thi trong nước mà có thể sẽ tác động tiêu cực đến thương hiệu gạo Việt trên thị trường thế giới.
Do đó, Ban tổ chức mong muốn doanh nghiệp, đơn vị liên quan nếu có vướng mắc có thể gửi văn bản nêu các vấn đề cụ thể để có căn cứ xác định thẩm quyền giải đáp. Bên cạnh đó, các đơn vị truyền thông cũng cần tiếp nhận và đưa thông tin một cách khách quan, đa chiều.