Thông tư 29 giúp phân biệt giữa dạy thêm và hoạt động bổ trợ kiến thức tại trường học

Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm vừa ban hành sẽ giúp phân biệt giữa dạy thêm và hoạt động bổ trợ kiến thức tại trường học. Điều này quan trọng trong thực tế hiện nay, khi ranh giới giữa hai hoạt động này mập mờ, khiến không ít nhà trường, tổ chức giáo dục không thực sự làm tốt vai trò, sứ mệnh giáo dục của mình, khiến việc lạm dụng dạy thêm xảy ra.

Thông tư số 29 giúp phụ huynh, học sinh lựa chọn được trung tâm dạy thêm chất lượng

Theo nhận định của PGS.TS Chu Cẩm Thơ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, dạy thêm là một nghề đặc biệt và thực sự có ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội.

Việc Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT yêu cầu các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp giúp kiểm soát tốt hơn các trung tâm dạy thêm, ngăn chặn tình trạng chạy đua điểm số, dạy thêm quá tải, gây áp lực cho học sinh, cho cả giáo viên.

 PGS.TS Chu Cẩm Thơ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Ảnh: Quốc Việt)

PGS.TS Chu Cẩm Thơ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Ảnh: Quốc Việt)

Các đơn vị cung cấp dịch vụ dạy thêm cần phải hoạt động chuyên nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, phối hợp, môi trường học tập lành mạnh, an toàn cho học sinh. Những việc này sẽ góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục.

Đồng thời quy định này sẽ giúp minh bạch hóa thông tin về các đơn vị cung cấp dịch vụ dạy thêm, giúp phụ huynh, học sinh, giáo viên dễ dàng lựa chọn và so sánh, ngăn chặn hoạt động dạy thêm trái phép, không đảm bảo chất lượng.

Cùng với đó, giảm thiểu bất bình đẳng thúc đẩy việc học thêm phải dựa trên nhu cầu thực của người học, và khả năng đáp ứng của đơn vị cung cấp dịch vụ. Từ đó nâng cao vai trò của gia đình, phụ huynh, của chính người học, mang tính quyết định khi lựa chọn dịch vụ dạy thêm.

Quy định của Thông tư 29 sẽ giúp phân biệt giữa dạy thêm và hoạt động bổ trợ kiến thức tại trường học. Điều này quan trọng trong thực tế hiện nay, khi ranh giới giữa hai hoạt động này mập mờ, khiến không ít nhà trường, tổ chức giáo dục không thực sự làm tốt vai trò, sứ mệnh giáo dục của mình, khiến việc lạm dụng dạy thêm xảy ra.

Với ảnh hưởng lớn đến xã hội và sự phát triển của học sinh, việc minh bạch hóa thông tin để định giá và đánh giá chất lượng dạy thêm không dễ dàng. Quản lý dịch vụ này cũng phức tạp, đòi hỏi xác định cơ quan quản lý phù hợp và giải pháp giúp các cơ sở dạy thêm minh bạch chất lượng, phát huy hiệu quả tích cực trong giáo dục.

Dạy thêm, học thêm cần được thực hiện một cách chặt chẽ và đồng bộ

Theo Thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Toán tại Hà Nội), dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, chính đáng và cần thiết của người dạy, người học, của xã hội.

Các bất cập, tiêu cực về dạy thêm học thêm thời gian dài vừa qua là do các quy định chưa chặt chẽ, khâu kiểm tra còn lỏng lẻo và những người có liên quan đã không làm đúng các quy định; nhận thức của học sinh, phụ huynh chưa đúng cũng như chưa làm tốt các khâu kiểm tra, đánh giá và thi cử.

Thông tư 29 ra đời để khắc phục hạn chế và làm chặt chẽ hơn những quy định về học thêm, dạy thêm.

Một trong những điểm mới của Thông tư 29 là đưa dạy thêm, trở thành loại hình kinh doanh có điều kiện.

 Thầy giáo Trần Mạnh Tùng

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng

Đây là thay đổi căn bản để khắc phục việc quản lí hoạt động dạy thêm không hiệu quả thời gian qua. Hoạt động dạy thêm, học thêm sẽ chịu sự quản lí của Luật Doanh nghiệp. Các cá nhân hay tổ chức dạy thêm cần đăng ký kinh doanh.

Quản lý hoạt động dạy thêm là các cấp chính quyền (xã, phường; quận, huyện; tỉnh, thành phố) và ngành giáo dục (phòng, sở, bộ) và việc giáo viên tự ý dạy thêm mà không có đăng ký là vi phạm quy định.

Theo thầy Trần Mạnh Tùng, việc quản lý hoạt động dạy thêm hiện nay cần được thực hiện một cách chặt chẽ và đồng bộ từ khâu đăng ký kinh doanh cho đến việc giám sát chuyên môn.

Trước hết, các cơ quan chức năng như Sở GD-ĐT, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần công khai, minh bạch các tiêu chí và điều kiện đăng ký hoạt động dạy thêm. Quá trình xét duyệt hồ sơ, cấp phép kinh doanh phải được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo các trung tâm dạy thêm tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật.

Song song đó, công tác quản lý hoạt động và chuyên môn của các trung tâm dạy thêm cũng cần được siết chặt. Chính quyền các cấp theo phân công nhiệm vụ phải thực hiện tốt vai trò giám sát, kiểm tra, đồng thời xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm.

Về chuyên môn, các đơn vị giáo dục như sở, phòng GD-ĐT, cần phối hợp hiệu quả trong việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động dạy thêm, học thêm nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục.

Thầy Tùng nhấn mạnh, để quản lý hiệu quả, cần quy rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu. Hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm khi trường mình hoặc giáo viên trực thuộc vi phạm các quy định về dạy thêm. Đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá và thi cử cũng là một giải pháp quan trọng.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, việc đánh giá năng lực học sinh sẽ được chú trọng. Nếu đề thi được thiết kế theo hướng này, nó sẽ góp phần giảm bớt áp lực học thêm, khi việc dạy học tập trung nhiều hơn vào năng lực thực chất của học sinh.

Học sinh Hà Nội (Ảnh: Quốc Việt)

Học sinh Hà Nội (Ảnh: Quốc Việt)

Ngoài ra, việc tạo môi trường thuận lợi để học sinh phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu cũng cần được đẩy mạnh. Điều này sẽ giúp học sinh thoát khỏi tình trạng coi học thêm là nhu cầu phổ biến. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và cung cấp thông tin để học sinh và phụ huynh hiểu rõ khi nào cần học thêm, học thêm những gì và phương pháp học sao cho hiệu quả.

Để giảm áp lực thi cử và đáp ứng tốt hơn quyền lợi của người học, thầy Tùng cho rằng, cần tiếp tục đầu tư xây dựng thêm trường, lớp học. Đặc biệt, việc tăng lương cho giáo viên là yếu tố quan trọng nhằm giúp họ yên tâm với nghề, không phải chạy theo việc dạy thêm để đảm bảo thu nhập. Những giải pháp này không chỉ góp phần cải thiện tình hình dạy thêm, học thêm mà còn thúc đẩy hệ thống giáo dục phát triển một cách bền vững và toàn diện.

Quốc Việt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thong-tu-29-giup-phan-biet-giua-day-them-va-hoat-dong-bo-tro-kien-thuc-tai-truong-hoc-post401204.html